Sản xuất suy giảm, xuất khẩu lao dốc
Trong tháng 8, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng đã phải lên tiếng thừa nhận tăng trưởng kinh tế đang phải đối mặt với “áp lực suy giảm đáng kể” – tín hiệu cho thấy chính phủ sẽ phải áp dụng thêm các biện pháp kích thích kinh tế sau khi thông qua các dự án tàu điện ngầm và đường xá.
Theo số liệu được Tổng cục thống kê Trung Quốc công bố hôm qua (9/9), sản lượng công nghiệp tháng 8 chỉ tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư tài sản cố định trong 8 tháng đầu năm chỉ tăng 20,2%. Doanh số bán lẻ tăng 13,2%, gần đúng với dự báo các chuyên gia kinh tế.
Sản lượng điện tăng 2,7% trong tháng 8, cao hơn 1 chút so với mức 2,1% của tháng 7. Sản lượng thép giảm 1,4%.
Hôm nay, Trung Quốc sẽ công bố các số liệu về tình hình xuất nhập khẩu. Theo các chuyên gia kinh tế dự báo, xuất khẩu sẽ tăng 2,9%, thấp hơn rất nhiều so với mức 24,5% của tháng 8 năm ngoái. Trong tháng 7, xuất khẩu chỉ tăng 1% do sự suy giảm của các thị trường châu Âu và Mỹ.
Mức tăng trưởng yếu ớt của hoạt động xuất khẩu sẽ là tin rất xấu đối với Trung Quốc – nước có xuất khẩu tạo ra tới 25% GDP và 200 triệu việc làm.
Trước tình hình này, trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày hôm qua, ông Trần Đức Minh, Bộ trưởng bộ Công thương Trung Quốc cho biết, các biện pháp mạnh mẽ nhằm hỗ trợ và ổn định ngoại thương sẽ sớm được công bố.
Phát biểu tại hội nghị APEC hôm 8/9, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung Quốc đang đối mặt với thời kỳ rất khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Ông cũng hối thúc chính phủ các nước châu Á – Thái Bình Dương đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và coi đây là chìa khóa thúc đẩy sự phục hồi và tạo ra tăng trưởng ổn định bền vững.
Ngay sau đó, chính phủ Trung Quốc công bố hàng loạt dự án đầu tư cơ sở hạ tầng với trị giá lên tới 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 158 tỷ USD).
Lạm phát leo thang
Tuy nhiên, Trung Quốc lại không thể mạnh tay kích thích tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay. Hôm qua, số liệu cũng cho thấy tỷ lệ lạm phát tháng 8 bất ngờ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các phân tích của NBS, nguyên nhân dẫn tới việc lạm phát tăng trở lại là do giá lương thực và thực phẩm tăng vì chịu ảnh hưởng của thời tiết xấu cũng như giá lương thực trên thị trường thế giới tăng cao. Giá lương thực và thực phẩm tháng 8 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn đáng kể so với mức tăng 2,4% của tháng trước đó.
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất lại có tháng suy giảm thứ 6 liên tiếp với mức giảm 3,5%.
Theo Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng tại Asia Sentry Advisory Pty Ltd., xu hướng lạm phát sẽ khiến nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Trung Quốc sẽ phải thận trong hơn khi vạch ra chính sách đối phó với suy giảm trong bối cảnh lạm phát. NHTW Trung Quốc đã ngừng nới lỏng tiền tệ kể từ ngày 5/7 đến nay. Trước đó, nước này đã cắt giảm lãi suất 2 lần liên tiếp trong 1 tháng. Từ tháng 11/2011 đến tháng 5/2012, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các NHTM cũng được cắt giảm 3 lần, mỗi lần 50 điểm cơ bản.
Hôm 7/9, 2 tổ chức lớn là UBS AG và ING Groep NV vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống chỉ còn 7,5% trong năm nay. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 1990.
Thu Hương
Theo TTVN/Bloomberg