Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

5 dấu hiệu cho thấy Ấn Độ sẽ không trở thành siêu cường kinh tế

Tham vọng siêu cường kinh tế của Ấn Độ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những khó khăn như kinh tế chậm lại, tham nhũng và cải cách bị đình trệ.

Ấn Độ hiển nhiên luôn được xếp vào hàng những nước có tốc độ phát triển cao nhất, song bản thân nó lại đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn, bao gồm cả tham nhũng và bế tắc chính trị. Điều đó đồng nghĩa Ấn Độ sẽ rất khó để đạt được những tham vọng kinh tế của mình.

Phát biểu trước quốc hội Ấn Độ năm 1991, ông Manmohan Singh, khi đó còn là Bộ trưởng Tài chính, từng hùng hồn tuyên bố rằng việc Ấn Độ sẽ sớm trở thành một siêu cường thế giới về kinh tế chỉ còn là vấn đề thời gian. Để hiện thực hóa tuyên bố này, những năm sau đó chính phủ Ấn Độ đã ban hành một loạt những cải cách nới lỏng và gỡ bỏ nhiều rảo cản với thị trường.
 

f


Kết quả là, những cải cách đó đã mang đến cho kinh tế Ấn Độ những bước nhảy vọt thần tốc và giúp hàng triệu người Ấn Độ thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Tới năm 2004, khi ông Manmohan Singh chính thức trở thành thủ tướng, Ấn Độ vẫn tiếp tục kiên định với ý tưởng sẽ trở thành một thế lực mới trên nền kinh tế toàn cầu. Dường như tốc độ tăng trưởng chóng mặt của kinh tế Ấn Độ khiến nhiều người không dám hoài nghi về khả năng đó.

Tuy nhiên, khi tái đắc cử lần 2 năm 2009, vận may của ông Manmohan Singh dường như đã chấm dứt và nhiều người có cơ sở để nghi ngờ rằng Ấn Độ sẽ không thể hoàn thành tham vọng của mình.

Dưới đây là 5 dấu hiệu chứng minh Ấn Độ không thể trở thành một thế lực kinh tế trên bản đồ thế giới theo tổng hợp của một số tờ báo uy tín như New York Times, Reuters, Time và Washington Post, được đăng tải trên tập san của tờ the Week hôm 6/9 vừa qua.

1. Nền kinh tế chậm lại

d


Trong quý II năm nay, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng ở mức 5,5%, tốc độ tăng trưởng quá chậm so với mức 10% mà Ấn Độ luôn duy trì trong nhưng những năm vừa qua. Mặc dù tốc độ 5,5% vẫn là con số đáng mơ ước của nhiều nền kinh tế đang gặp khủng hoảng trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, song Ấn Độ cần phải duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao để kéo hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo, nhà phân tích Krista Mahr của tạp chí Time cho biết.

Hiện tại ở Ấn Độ, 2/3 dân số đang sống ở mức dưới 2 USD/ngày và hơn 500 triệu người đang ở độ tuổi dưới 25. Điều đó đồng nghĩa chính phủ Ấn Độ phải tìm ra cách để đảm bảo một nền kinh tế tăng trưởng và lâu bền trong tương lai cho hàng trăm triệu người này. Nếu nền kinh tế tiếp tục đi xuống, những người phải sống trong đói nghèo có thể gây căng thẳng cho các nguồn lực của đất nước và là hàng rảo cản bước Ấn Độ vươn tới sự thịnh vượng cao hơn, bà Mahr nhận định.

2. Tham nhũng

z


Tham nhũng đang trở thành bệnh dịch lan tràn ở Ấn Độ, từ các cấp hàng đầu trong chính phủ cho tới những cảnh sát địa phương, và nhiều người Ấn Độ cảm thấy rằng các đảng phái chính trị và những đại diện của họ chỉ là những trở ngại cho nền kinh tế, tờ Der Spiegel cho biết.

Chính phủ của ông Signh đang bị tàn phá bởi hàng loạt vụ bê bối tham nhũng, trong đó các đảng phái đối lập cáo buộc các quan chức Đảng Quốc đại cầm quyền đã nhận hối lộ để ưu tiên dành những hợp đồng béo bở trong lĩnh vực công nghệ viễn thông và than đá cho các tập đoàn lớn. Kết quả là, chính phủ Ấn Độ đã phải trả giá khi đánh mất hàng chục tỷ USD doanh thu.

Tham nhũng không chỉ là gây khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài mà còn len lỏi vào các chương trình viện trợ dành cho người nghèo. Phát biểu trên tờ Time, chuyên gia Enrich Follath cho biết: "Trên quãng đường dài từ tay các chính trị gia tham lam ở New Delhi và các quan chức tham nhũng ở địa phương, những đồng tiền cứu trợ sẽ biến mất trước khi tới được tay những người nghèo".

3. Chính trị tê liệt

s

Trong những tuần gần đây, ông Singh và chính phủ của mình đã trở thành đối tượng phải hứng chịu búa rìu chỉ trích của các đảng đối lập sau những bê bối trong ngành than và viễn thông. Hậu quả là, các hoạt động của quốc hội gần như rơi vào trạng thái đình trệ.

Bên cạnh đó, ông Singh cũng hầu như không kiểm soát được liên minh cầm quyền của mình. Với những căng thẳng đó, ông Singh gần như đã thực hiện được rất ít hoạt động kinh tế trong nhiệm kỳ 2 của mình, nhà phân tích Krista Mahr của tờ Time nhận xét.

4. Cải cách bị đình trệ

d


Với hàng loạt vụ bê bối tham nhũng và bế tắc trong quốc hội, chính phủ Ấn Độ đã thất bại trong việc đưa ra những cải cách sâu rộng, vốn được coi là chìa khóa giúp mở ra giai đoạn phát triển tiếp theo cho đất nước, chẳng hạn như ngừng lãng phí trợ cấp và giảm các rào cản đối với đầu tư nước ngoài.

Trong một bài xã luận, tờ FirstPost cho biết: "Rõ ràng tình trạng quản lý yếu kém đang khiến Ấn Độ mất đi tiềm năng cũng như bào mòn lợi thế cạnh tranh của đất nước". Hơn thế nữa, Ấn Độ bắt đầu cho thấy sự tụt hậu trong một số lĩnh vực cơ bản như giao thông, thông tin liên lạc và năng lượng. Vụ mất điện khiến gần hơn 700 triệu người rơi vào cảnh mất điện trong mùa hè vừa qua chính là lời cảnh báo rõ ràng nhất đối với kinh tế Ấn Độ.

5. Thủ tướng Manmohan Singh thất bại trong cải cách

a


Ông Singh, người từng mong muốn mang lại cải cách lớn lao cho Ấn Độ, đang cho thấy những dấu hiệu mệt mỏi trong vị trí của mình, chuyên gia Enrich Follath của tờ Time nhận xét. Ông đã thất bại trong việc thực hiện những cải cách có thể giúp Ấn Độ tiếp tục quá trình tự do hóa mà ông từng khởi xướng. Chẳng những thế, ông còn bị vướng vào vô số cáo buộc tham nhũng.

Kết quả là, trong mắt người dân Ấn Độ, ông chỉ là một nhà lãnh đạo kém hiệu quả và là người đứng đầu một chính phủ tham nhũng. Nếu như không thể nhanh chóng thay đổi mọi thứ, ông Singh sẽ nhanh chóng được ghi danh vào lịch sử với tư cách là một nhà lãnh đạo thất bại, chuyên gia Simon Denyer của tờ Washington Post nhận định.

 
Theo The Week/Khampha


 

  • Trung Quốc đang “mua” Ai Cập từ Mỹ?
  • Nếu chiến tranh Trung-Nhật xảy ra, bên nào sẽ thắng?
  • Chiến trường mới cho sự đối đầu Trung - Ấn
  • Bộ Đường sắt Trung Quốc lỗ hàng tỷ USD
  • Hàn Quốc đau đầu với vấn nạn thu hẹp xuất khẩu
  • Du lịch Thái Lan nhìn từ... các trạm xăng
  • Người Trung Quốc ồ ạt thâu tóm ngành rượu vang Pháp
  • Những kiểu “nhái” hàng hiệu ở Trung Quốc