Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

ADB: Tăng trưởng kinh tế châu Á có thể giảm 1,5% do giá lương thực tăng cao

Theo ADB, giá dầu, giá lương thực thực phẩm liên tục tăng cao là bước kéo lùi nghiêm trọng với khu vực châu Á, đặc biệt tại các nước đang phát triển.

Theo báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với nhan đề "Lạm phát giá lương thực toàn cầu và phát triển châu Á", việc giá lương thực toàn thế giới tăng trở lại, ghi nhận mức tăng kỷ lục trong 2 tháng đầu năm 2011, một lần nữa đe doạ đẩy hàng triệu người dân tại các nước châu Á đang phát triển vào tình trạng đói nghèo cùng cực.

Nghiên cứu của ADB chỉ ra rằng việc giá lương thực trong nước tăng 10% tại các nước đang phát triển châu Á, nơi cư trú của 3,3 tỷ người, có thể đẩy thêm 64 triệu người vào tình trạng cực kỳ nghèo đói với cơ sở là mức thu nhập 1,25 USD/ngày.

Đối với các gia đình nghèo tại các nước đang phát triển châu Á, 60% thu nhập được dành cho lương thực, giá lương thực tăng cao sẽ làm giảm khả năng chi trả cho y tế và giáo dục cho con em họ, nhà kinh tế trưởng của ADB Changyong Rhee cho biết. Nếu không can thiệp, khủng hoảng lương thực sẽ khiến những tiến bộ đạt được trong việc xoá đói giảm nghèo tại châu Á giảm đi.

Báo cáo thêm rằng, nếu tình trạng tăng giá dầu và lương thực toàn cầu trong đầu năm nay kéo dài tới hết năm, tăng trưởng kinh tế trong khu vực có thể giảm đến 1,5%.

Ngoài ra, ADB còn lưu ý rằng sự sụt giảm sản lượng do thời tiết xấu cùng với đồng USD yếu, giá dầu tăng cao, lệnh cấm xuất khẩu tại một số nước sản xuất lương thực chủ chốt gây ra áp lực giá toàn cầu từ tháng 6/2010, khiến giá lúa mì, ngô, đường, dầu ăn, sản phẩm từ sữa và thịt tăng tới 2 con số.

Giá gạo có thể tiếp tục xu hướng tăng do tác động kéo dài của La Nina, khiến nhiều người tiêu dùng tìm tới các sản phẩm thay thế ít tốn kém và ít dinh dưỡng hơn.

Tiến sĩ Rhee cho rằng, để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này thì điều quan trọng là các nước phải tránh áp đặt lệnh cấm xuất khẩu với các mặt hàng thực phẩm, tăng cường mạng lưới an sinh xã hội. Những nỗ lực nhằm ổn định sản xuất thực phẩm cần được đặt lên hàng đầu, đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp để tăng sản lượng cây trồng và mở rộng kho lưu trữ, đảm bảo sản lượng ngũ cốc không bị lãng phí.

Các chính phủ châu Á đã có nhiều biện pháp ngắn hạn để giảm nhẹ tác động của lạm phát giá thực phẩm, bao gồm cả bình ổn giá. Tuy nhiên, nhu cầu lương thực tăng từ các nước đang phát triển châu Á và sản lượng lương thực thấp đồng nghĩa với việc các nhà hoạch định chính sách phải tập trung vào các biện pháp dài hạn để ngăn chặn khủng hoảng trong tương lai, báo cáo nói.

ADB khuyến cáo cần hạn chế các hoạt động đầu cơ trên thị trường lương thực, tăng cường hội nhập và loại bỏ các chính sách sai lầm dựng rào cản trong việc lưu chuyển hàng hoá lương thực từ vùng dư thừa tới vùng thiếu hụt.

Báo cáo lưu ý rằng sự hợp tác giữa các quốc gia châu Á có thể giúp nguồn cung thực phẩm an toàn và tốt hơn cho người dân trong khu vực. Việc các nước ASEAN đồng ý thiết lập một hệ thống dự trữ lúa gạo khẩn cấp là một bước tích cực theo hướng đó.

(gafin)