Theo các nhà phân tích, giá trị đồng bảng Ai Cập giảm sút sau 3 tháng bất ổn chính trị vẫn chưa được phản ánh qua tỷ giá hối đoái và điều này đang bắt đầu ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế nước này.
Bất ổn chính trị tại Ai Cập kéo theo sự giảm sút trong lượng khách du lịch và đầu tư nước ngoài, cũng như làm giảm xuất khẩu, vốn là những nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Ai Cập. Giới phân tích cho rằng ngân hàng trung ương nước này cần cho phép đồng nội tệ giảm giá. Tính đến cuối tháng 3/2011, dự trữ ngoại hối của Ai Cập chỉ còn 30,1 tỷ USD, sau khi Cairo rút ra gần 6 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm. Ngoài ra, Ai Cập cũng rút 7 tỷ USD từ nguồn dự trữ không chính thức.
John Sfakianakis, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Bank Saudi Fransi, nhận định: "Đồng nội tệ của Ai Cập sẽ tiếp tục mất giá”. Thế nhưng, Ngân hàng Trung ương Ai Cập vẫn theo đuổi chính sách để cho đồng bảng tự phản ánh cung-cầu trên thị trường.
Trước khi bất ổn chính trị xảy ra, mỗi tháng, ngành du lịch mang lại cho nền kinh tế Ai Cập khoảng 1,15 tỷ USD, trong khi giới đầu tư đóng góp khoảng 375 triệu USD. Mặc dù hiện nay, nhiều du khách cũng như nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi nước này, đồng bảng mới chỉ giảm 2,2% giá trị so với đồng USD. Theo các nhà phân tích, Chính phủ Ai Cập đang ngần ngại trong việc để cho đồng bảng giảm giá do lo sợ làm tăng chi phí nhập khẩu lương thực, vốn là một nhân tố châm ngòi cho các cuộc biểu tình lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak hồi tháng Hai vừa qua.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Turker Hamzaoglu của Ngân hàng Trung ương Ai Cập, cho rằng đồng bảng suy yếu trong ngắn hạn sẽ thúc đẩy xuất khẩu, còn trong dài hạn sẽ thúc đẩy du lịch, vốn là những khu vực kinh tế giúp tạo nhiều công ăn việc làm nhất cho nền kinh tế Ai Cập trong những năm gần đây. Ông nói: "Trong ngắn hạn, khách du lịch sẽ chưa trở lại Ai Cập ngay cả khi đồng bảng giảm giá, trừ khi tình hình chính trị ổn định trở lại. Nhưng đối với xuất khẩu, đồng bảng yếu hơn vẫn có thể tạo ra lợi thế đáng kể". Theo ông Hamzaoglu, nếu không phá giá đồng bảng, Ai Cập sẽ không thể làm gì nhiều để kích thích tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời tin rằng đồng tiền này cần giảm từ 10 đến 15%. Ông Hamzaoglu cho rằng so với nhiều nước Trung và Đông Âu, Ai Cập đang ở vị thế tốt hơn bởi vì cả các doanh nghiệp lẫn hộ gia đình của nước này đều không vay nợ bằng ngoại tệ, điều sẽ khó hoàn trả hơn nếu đồng nội tệ giảm giá. Cùng với đó, phần lớn nợ công bằng ngoại tệ của Ai Cập là vay từ các tổ chức song phương hoặc đa phương.
Theo các nhà phân tích, Chính phủ Ai Cập có thể kiểm soát giá lương thực thông qua chính sách tập trung hơn vào việc tăng trợ cấp lương thực và thông qua các cơ chế đang được vận hành, hơn là thực hiện chính sách tốn kém và cực kỳ bất ổn là rút dự trữ ngoại hối để hỗ trợ đồng bảng. Ông Sfakianakis nói: "Trong dài hạn, chính sách này sẽ thất bại. Nếu đi ngược lại quy luật thị trường, dự trữ ngoại hối của Ai Cập sẽ nhanh chóng cạn kiệt”. Beltone Financial ngày 15/4 dự báo cán cân thanh toán xấu đi sẽ gây sức ép khiến đồng bảng của Ai Cập giảm xuống mức trung bình 6,40 bảng ăn 1 USD trong tài khóa 2011-2012 (bắt đầu từ ngày 1/7), tức thấp hơn 9% so với mức 5,82 bảng đổi 1 USD trước khi tình trạng bất ổn xảy ra vào ngày 24/1.
Chỉ có chuyên gia Simon Williams của tập đoàn HSBC tin rằng các nhà chức trách Ai Cập đã làm đúng khi giữ giá đồng bảng ổn định so với đồng USD. Ông nói: "Trong bối cảnh triển vọng chính trị vẫn còn nhiều bất ổn và nền kinh tế vẫn chưa thể đứng vững, việc đồng bảng giữ giá đã góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy ổn định và duy trì lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng bằng đồng nội tệ. Xét trên cơ sở thực tế, thì đồng bảng đã giảm khá mạnh. So với đồng euro, đồng tiền này đã giảm 10% kể từ đầu năm đến nay".
Theo ông Williams, Ai Cập sẽ không thể để đồng bảng giảm giá cho đến sau các cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào tháng 9/2011 và sau đó là cuộc bầu cử tổng thống.
(Tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com