Cây cối héo úa tại một ngôi làng ở ngoại ô thành phố Bao Đầu, nơi tập đoàn Baogang khai thác đất hiếm. Ảnh: Reuters |
Lão nông Vương Đào 60 tuổi, từng trồng ngô, khoai tây và lúa mì trên mảnh đất gần khu vực chứa chất phế thải của một mỏ khai thác đất hiếm đến khi các hóa chất độc hại rò rỉ thấm vào nguồn nước và làm nhiễm độc mảnh đất của ông ở làng Dalahai gần thành phố Bao Đầu, Nội Mông, phía bắc Trung Quốc.
Nội Mông là nơi có trữ lượng lớn nhất thế giới về đất hiếm. Trung Quốc sản xuất hơn 95% sản lượng đất hiếm của thế giới, bao gồm 17 nguyên tố hiếm được sử dụng trong sản xuất sản phẩm công nghệ cao từ máy nghe nhạc Ipod đến tivi màn hình phẳng và xe điện. 2/3 đất hiếm được xử lý ở khu vực giàu khoáng sản Bao Đầu, bên cạnh sa mạc Gobi.
Những nông dân sống gần dải đất rộng 10km2 ở Bao Đầu, phía bắc Trung Quốc, nói họ bị rụng răng và bạc tóc trong khi các xét nghiệm cho thấy đất và nước nơi họ sống nhiễm hàm lượng cao các chất phóng xạ gây ung thư.
Ông Vương nói với hãng tin AFP khi chỉ tay về phía những cánh đồng chết cách vài trăm mét từ khu vực chứa chất thải khai thác đất hiếm: “Chúng tôi là nạn nhân. Đập chứa quặng thải đã khiến chúng tôi bị nhiễm độc. Ở nơi này, nếu bạn ăn thực phẩm hay uống nước bị nhiễm độc, nó sẽ làm tổn hại cơ thể của bạn”.
Ông Vương và các nông dân khác cho rằng tập đoàn Baogang, công ty khai thác đất hiếm lớn nhất Trung Quốc, đã làm ô nhiễm các cánh đồng và phá hủy kế sinh nhai của họ. Những cơn gió mạnh thổi qua hàng triệu tấn chất thải của khu chứa chất thải khai thác đất hiếm, làm bay chất phóng xạ và độc hại vào các ngôi làng xung quanh thành phố Bao Đầu.
Các tổ chức bảo vệ môi trường từ lâu đã lên tiếng chỉ trích việc khai thác đất hiếm vì nó thải các hóa chất độc hại và chất phóng xạ như thorium và uranium vào không khí, nước và đất, có thể gây ung thư cho con người, động vật và gây dị tật cho trẻ mới sinh ra.
Trung Quốc muốn tăng các chỉ số xanh về môi trường và kiểm soát tình trạng khai thác đất hiếm tràn lan nên đã chỉnh đốn ngành công nghiệp này từ đầu năm 2011, bằng cách đóng cửa các mỏ khai thác bất hợp pháp, đặt ra tiêu chuẩn khắt khe hơn về môi trường đối với các mỏ hợp pháp cũng như hạn chế xuất khẩu. Tuy nhiên, theo Ông Vương Câu Chấn, cựu Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu thiết kế công trình kim loại màu Trung Quốc, thiệt hại môi trường do khai thác đất hiếm ở Trung Quốc khó có khả năng đẩy lùi. Ông nói: “Tiền kiếm được từ việc bán đất hiếm không đủ để khắc phục môi trường, chắc chắn không đủ”.
Theo một nghiên cứu của chính quyền địa phương vào năm 2006, hàm lượng thorium, một sản phẩm phụ trong quá trình xử lý đất hiếm, có trong đất ở làng Dalahai, cao gấp 36 lần so với các khu vực khác ở Bao Đầu. Từ năm 1993 - 2005, 66 người dân làng đã chết vì bệnh ung thư trong khi sản lượng mùa màng giảm đáng kể.
Trong một bản báo cáo gần đây, Jamie Choi, người đứng đầu chi nhánh tổ chức Hòa bình xanh Trung Quốc cho biết: “Không một công đoạn nào trong quy trình khai thác đất hiếm không gây thảm họa cho môi trường”.
Những cánh đồng xung quanh ngôi làng của ông Vương giờ đây đang để hoang vì nông dân chờ chính quyền bồi thường. Một số người dân khác đã phải sơ tán, bỏ lại nhà cửa và cửa hàng buôn bán trống không không dọc theo những con đường đầy bụi.
Nhà chức trách đã đề nghị trả cho nông dân 60.000 nhân dân tệ/mu (9.200 đô la Mỹ/0,067 héc ta) để họ tái định cư tại một ngôi làng mới cách đó 4km. Nhưng ở đó, họ sẽ không có đất để canh tác và cho biết khoản bồi thường trên vẫn chưa đủ.
“Những người như chúng tôi chỉ có thể canh tác và chăn nuôi gia súc. Nếu chúng tôi không có công việc ổn định, chúng tôi sẽ kiếm thu nhập từ đâu và làm sao chúng tôi sống?” - ông Vương nói với vẻ lo lắng.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // AFP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com