Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ấn Độ trên đường tìm lại châu Phi

Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn Ấn-Phi lần thứ nhất vào năm 2008 là tiền đề cho sự phát triển mối quan hệ hợp tác sâu rộng của hai phía. Ảnh: TL

Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn Ấn-Phi lần II sẽ diễn ra vào ngày 24-5 và 25-5 tại thủ đô Addis Ababa, Ethiopia, Đông Phi. 15 nguyên thủ các nước châu Phi và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh sẽ thảo luận nhiều chủ đề quan trọng bao gồm năng lượng, thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Hội nghị được tổ chức ba năm một lần này là nền tảng kinh tế và chính trị quan trọng cho Ấn Độ và châu Phi - trong lịch sử từng là đồng minh kề vai sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập, công bằng và tự do từ ách cai trị thực dân.

Giải tỏa cơn khát năng lượng

Theo khung hợp tác Ấn-Phi được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh Ấn-Phi lần I tại New Delhi (Ấn Độ), năng lượng là một trong bảy lĩnh vực mà cả hai phía cam kết hợp tác. Nền kinh tế khát năng lượng và có dân số đang gia tăng của Ấn Độ đang thúc đẩy nước này hướng về châu Phi.

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán đến năm 2050, sự tăng trưởng nhanh chóng của Ấn Độ sẽ khiến nước này phải nhập khẩu 90% nguồn cung cấp dầu mỏ. IEA cũng dự đoán Ấn Độ sẽ tăng cường hợp tác với châu Phi để đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng.

Trong ba năm qua, Ấn Độ đã ký các thỏa thuận khai thác dầu mỏ với Nigeria, Angola và nhiều nước châu Phi khác bao gồm Sudan, Libya, Ai Cập và Gabon để đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực khai thác khí tự nhiên và dầu mỏ. Các công ty dầu mỏ của Ấn Độ cũng đã bày tỏ sự quan tâm lớn trong các dự án năng lượng tại Bờ Biển Nga, Ghana, Chad và Nigeria.

Tháng trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vishnu Prakash nói: “Đối với Ấn Độ, an ninh năng lượng là mối quan tâm lớn và chúng tôi nhập khẩu gần 80% nhu cầu năng lượng từ thị trường toàn cầu. Tại châu Phi, Nigeria và Sudan là hai nước trọng điểm mà chúng tôi nhập một lượng lớn sản phẩm dầu mỏ”. Hội nghị lần này tạo nền tảng thuận lợi cho Ấn Độ tiến hành đối thoại với các đối tác tiềm năng của châu Phi để gia tăng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

Đẩy mạnh đầu tư và thương mại

Đầu tư và thương mại cũng sẽ là chủ đề được quan tâm tại hội nghị. Ấn Độ và châu Phi từ thời cổ đại đã giao thương qua đường hàng hải. Ngày nay, sự hợp tác giữa hai phía đang đi vào chiều sâu. Ấn Độ đang xây dựng chính sách trọng tâm đối với châu Phi.

Thương mại Ấn-Phi gia tăng bùng nổ. Từ mức vỏn vẹn 1 tỉ đô la Mỹ vào năm 2001, thương mại song phương giữa Ấn Độ và các nước Liên minh châu Phi (AU) đã tăng lên 40 tỉ đô la Mỹ vào năm 2010. Đầu tư của Ấn Độ vào các nước châu Phi đạt 50 tỉ đô la Mỹ.

Tính đến năm 2009, đầu tư của Ấn Độ tại châu Phi chiếm gần 1/3 tổng giá trị đầu tư tại nước ngoài của Ấn Độ, chủ yếu tập trong vào ngành dầu khí, viễn thông, giao thông công cộng và công nghệ thông tin.

Vị thế của châu Phi đang lên. Nền kinh tế của nhiều nước châu Phi có mức tăng trưởng cao. Châu Phi dồi dào tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản như vàng, cô-ban, crôm, măng-gan.

Xe Mahindra và xe buýt Tata của Ấn Độ đang hiện diện ngày càng nhiều trên đường phố của các nước châu Phi. Xe máy Bajaj của Ấn Độ là sở thích của nhiều thanh niên châu Phi. Các cửa hàng tại châu Phi tràn ngập mỹ phẩm của Ấn Độ, các hiệu dược phẩm cũng không thiếu các nhãn thuốc do công ty Ấn Độ sản xuất. Nhiều doanh nghiệp tên tuổi của Ấn Độ đang dốc những khoản đầu tư lớn vào một số nước châu Phi. Một thương vụ đình đám gần đây là tập đoàn viễn thông lớn nhất Ấn Độ Bharti Airtel mua lại tài sản của công ty viễn thông Zain (Kuwait) tại châu Phi với giá 10,7 tỉ đô la Mỹ năm 2010.

Các công ty Ấn Độ mua sản phẩm và hàng hóa từ châu Phi từ hạt điều, đậu Hà Lan cho đến gỗ, than và dầu thô. Các doanh nghiệp kinh doanh hoa của Ấn Độ cũng kéo nhau sang châu Phi trồng hoa để xuất khẩu sang các thị trường châu Âu.

Tại hội nghị lần này, Ấn Độ có thể sẽ thông báo một số chính sách ưu đãi để thúc đẩy thêm dòng chảy đầu tư và thương mại Ấn-Phi như đã làm cách đây ba năm.

Một vấn đề khác mà Ấn Độ và châu Phi có thể sẽ thảo luận trong quá trình hội nghị là sự hiện diện chính trị của Ấn Độ tại châu Phi, vốn đang còn hạn chế. Cho đến nay, Ấn Độ mới chỉ có 25 cơ quan ngoại giao tại các nước ở hạ Sahara, châu Phi. Ấn Độ đang muốn trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiêp quốc. Do đó, Ấn Độ cần phải tìm kiếm sự ủng hộ của hơn 50 phiếu từ châu Phi.

Các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm bao gồm an ninh, phối hợp chống cướp biển tại Ấn Độ Dương và hợp tác chống khủng bố sau tình hình biến động chính trị tại các nước Bắc Phi và cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden.

Cạnh tranh với Trung Quốc

Khi sự quan tâm của Ấn Độ với châu Phi gia tăng, những sự so sánh với sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi là điều không thể tránh khỏi. Tại cuộc họp báo gần đây, khi được hỏi về sự hiện diện vượt trội của Trung Quốc tại châu Phi, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trả lời: “Thế giới đủ lớn để tiếp nhận tham vọng tăng trưởng của Ấn Độ lẫn Trung Quốc”.

Mối quan hệ giữa các nước châu Phi và Trung Quốc gây nhiều sự chú ý hơn mối quan hệ giữa Ấn Độ với châu Phi. Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi liệu có phải Ấn Độ đang cạnh tranh hoặc phải cạnh tranh với Trung Quốc tại châu Phi hay không?

Trong một báo cáo về sự quan tâm của Ấn Độ với châu Phi, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế hoàng gia Anh (Chatham House) cho rằng: “Cạnh tranh, đặc biệt với Trung Quốc, cũng là một lý do khiến Ấn Độ in sâu dấu ấn tại lục địa này”. Chatham House cho rằng mặc dù Ấn Độ xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh tại châu Phi nhưng đến nay, nước này thiếu các nguồn lực và cơ sở hạ tầng tại châu Phi để cạnh tranh trực tiếp. Từ thập niên 1990, Trung Quốc đã đưa ra chính sách rõ ràng: hỗ trợ châu Phi xây dựng cơ sở hạ tầng ồ ạt để đối lấy việc thâm nhập thị trường.

Ấn Độ đến với châu Phi chậm hơn Trung Quốc và đang trong quá trình định hình chính sách rõ ràng với châu Phi. Ấn Độ có một lợi thế là đang tạo ra sự thiện chí vì có khá nhiều dự án phát triển và tập trung vào con người tại châu Phi.

Nhập khẩu năng lượng, uranium và các kim loại quý từ châu Phi có thể vẫn là chiến lược ưu tiên của Ấn Độ trong những năm tới. Cao ủy Nam Phi tại Ấn Độ, ông Harris M. Majeke, gợi ý Ấn Độ nên tập trung vào khai thác tài nguyên thiên nhiên nhưng không chỉ giới hạn trong việc khai thác rồi xuất khẩu thô từ châu Phi mà cần xử lý tại châu Phi để giúp tạo ra công việc cho người dân tại đây cũng như huấn luyện lực lượng lao động có tay nghề. Đây là điều Trung Quốc bị chỉ trích vì không thực hiện tại nhiều nước châu Phi.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn / India Times)