Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bầu cử Tổng thống và Quốc hội Philippines năm 2010: Còn nhiều ẩn số

Mặc dù còn 5 tháng nữa mới đến kỳ bầu cử Tổng thống và Quốc hội Philippines song đã có 77 người đăng ký tranh cử chức tổng thống, 14 người đăng ký chức phó tổng thống, 124 người khác đăng ký 1/2 số ghế trong quốc hội nước này.

“Bầu cử 3G”

Hầu hết các mùa tranh cử xảy ra nhiều vụ bạo lực, ám sát đối thủ chính trị nên bầu cử ở Philippines còn được báo chí nước này ví von là kỳ “bầu cử 3G”, tức là 3 chữ viết tắt của Gun (Súng đạn), Gang (băng đảng) và Gold (Kim tiền).

Theo số liệu của cảnh sát Philippines, năm 2007 đã có 121 người thiệt mạng trong 229 vụ bạo lực liên quan tới bầu cử tổng thống và quốc hội nước này. Vụ thảm sát 57 chính khách và nhà báo tại tỉnh Maguindanao hồi tháng 11 vừa qua đã chính thức báo hiệu mùa bầu cử tổng thống và quốc hội bắt đầu. Các công ty xe hơi chuyên dụng cũng bắt đầu đắt khách khi số lượng đơn đặt hàng mua các loại xe hơi có kính chống đạn tăng tới 100%.

Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia Philippines, dù số ứng viên tổng thống đông đảo, song các chính khách được cho là đủ thực lực và tư cách ứng cử đến thời điểm hiện nay có thượng nghị sĩ Manuel Roxas và thượng nghị sĩ Benigno Aquino của đảng Tự do.

Ông Aquino là con trai cố nữ Tổng thống Corazon Aquino, người lãnh đạo cuộc nổi dậy năm 1986, chấm dứt chế độ độc tài kéo dài 20 năm do Ferdinand Marcos đứng đầu. Ông Aquino cho biết sẽ đại diện cho đảng Tự do trong cuộc bầu cử vào tháng 5 năm 2010, khi Tổng thống Gloria Arroyo kết thúc nhiệm kỳ 6 năm.

Mặc dù đã là thành viên của Quốc hội 11 năm nay nhưng ông Benigno chỉ thực sự cân nhắc việc tranh cử tổng thống kể từ khi nhận thấy sự ủng hộ quá lớn từ người dân dành cho gia đình ông sau khi bà Aquino qua đời vì căn bệnh ung thư.

Người thứ 3 là Bộ trưởng Quốc phòng Gilbert Teodoro, được đảng cầm quyền của Tổng thống Gloria Arroyo lựa chọn ra tranh cử; tiếp đến là cựu Tổng thống Joseph Estrada, các thượng nghị sĩ của đảng Dân tộc chủ nghĩa Loren Legarda, cựu Chủ tịch Quốc hội Manny Villar, Phó Tổng thống Noli de Castro…

Điều đáng chú ý của cuộc bầu cử tổng thống Philippines 2010 là sự đối địch giữa hai ứng viên trong cùng một dòng họ là cặp ứng viên Gilberto Teodoro và Benigno Aquino. Theo báo chí Philippines, sự đối địch này ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc vận động tranh cử và sự chọn lựa của cử tri. Cặp đối thủ Teodoro – Aquino, đều ngoài 40 tuổi, là anh em họ thuộc dòng họ người Hoa từ tỉnh Phúc Kiến di cư sang Philippines lập nghiệp giữa thế kỷ 19.

Thượng nghị sĩ B.Aquino được dân chúng ủng hộ sau khi mẹ ông mất, do uy tín của bà còn rất cao. Trong hai cuộc điều tra dư luận cuối tháng 9, ông đều dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ của cử tri. Song, dư luận Philippines đặt câu hỏi liệu sự bất bình của người dân về việc đối phó yếu kém của chính phủ trước sự tàn phá nặng nề của bão Ketsana có ảnh hưởng tới khả năng thắng cử của ông Teodoro hay không vì ông chính là người chỉ đạo Hội đồng khắc phục thiên tai bão lụt.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, thượng nghị sĩ Benigno Aquino, con trai của cố Tổng thống Corazon Aquino, đang dẫn đầu cuộc chạy đua chiếc ghế tổng thống. Ứng viên G.Teodoro tốt nghiệp luật sư Trường Đại học Harvard, Mỹ, có lợi thế là được sự hậu thuẫn của đảng cầm quyền, mà người dân Philippines nói là “cỗ máy gặt hái phiếu bầu” hiệu nghiệm, dù uy tín của đương kim Tổng thống G.Arroyo đang suy giảm.

Nhà phân tích chính trị Enrique Esteban ngợi khen: “Ông Teodoro đã thể hiện tài năng trong thời gian làm bộ trưởng quốc phòng”. Theo dự đoán của các nhà phân tích chính trị Philippines, cuộc tranh cử chức tổng thống của cặp đối thủ cùng dòng họ Teodoro - Aquino sẽ “5 ăn 5 thua”.

Hai đối thủ Teodoro (trái) và Aquino.

Tham vọng của bà G.Arroyo

Tổng thống Gloria Arroyo đã tuyên bố trước khoảng 5.000 người ủng hộ là bà chưa muốn rời bỏ chính trường vào năm tới mặc dù hiến pháp không cho phép bà tái ứng cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa. Bà đã đến một văn phòng bầu cử để chính thức đăng ký ra ứng cử vào quốc hội tại cuộc bầu cử tháng 5-2010 tới.

Nhà phân tích chính trị Bobby Tuazon thuộc Trung tâm Giao quyền lực và Cai trị cho nhân dân nói rằng bà Arroyo đang theo đuổi một sách lược đầy tham vọng nhằm tiếp tục nắm giữ quyền lực bằng cách sửa đổi hiến pháp để biến Philippines từ một nước theo chế độ tổng thống thành nước theo chế độ nghị viện.

Quyết định của Tổng thống Arroyo bị nhiều người chỉ trích, kể cả trong hàng giáo phẩm Công giáo. Lập luận của giáo hội Công giáo cũng như của phe đối lập là “Bà G.Arroyo đang tìm cách chiếm một ghế tại hạ viện để được bầu làm chủ tịch hạ viện nhằm tiến tới khả năng được bổ nhiệm làm thủ tướng trong trường hợp có sự thay đổi hiến pháp sau các cuộc bầu cử năm 2010”.

Tại châu Á, Philippines là thành trì của đạo Thiên Chúa vì 80% dân số theo Thiên Chúa giáo. Vì vậy tiếng nói của giáo hội Công giáo có sức mạnh đặc biệt đối với dân chúng. Chính giáo hội đã huy động quần chúng góp phần lật đổ hai tổng thống là nhà độc tài Ferdinand Marcos hồi năm 1986 và ông Joseph Estrada bị dính líu tham nhũng hồi năm 2001.

Cựu đệ nhất phu nhân Philippines Imelda Marcos, phu nhân của cố Tổng thống Ferdinand Marcos, 80 tuổi, đã đăng ký tham gia tranh cử nghị sĩ quốc hội. Bà Imelda Marcos ứng cử tại đơn vị bầu cử Illocos Norte, vốn là nơi ủng hộ mạnh nhà Marcos. Gia đình Marcos đi sống lưu vong ở Mỹ, nhưng bà Marcos đã quay về nước năm 1991. Bà đã tranh cử, giành được 1 ghế tại quốc hội từ năm 1995 đến 1998.

Tuy ông Ferdinand Marcos bị lật đổ, gia đình ông vẫn được rất nhiều người ủng hộ tại Illocos Norte. Bà Marcos dự định ra tranh cử để thế chỗ ghế trống bỏ lại của con trai, Ferdinand Marcos, người sẽ ra tranh cử vào thượng viện. Con gái của bà, Imee, cũng tham gia vào cuộc chạy đua giành chức thống đốc tại Illocos Norte.

Các chính đảng lớn tham gia kỳ bầu cử quốc hội tới gồm đảng Sức mạnh Dân chủ, thành lập từ năm 1992, hiện là một trong những đảng phái lớn nhất tại Philippines, chiếm ưu thế lớn từ trung ương đến địa phương, chủ tịch đảng là cựu Tổng thống F.Ramos; tiếp đến là đảng Đấu tranh Dân chủ, thành lập từ năm 1982, trong thời gian cố tổng thống C.Aquino cầm quyền, đảng này phát triển mạnh, đến năm 1998 liên minh với một số đảng khác, lực lượng ngày càng đông đảo, lãnh đạo đảng là cựu Chủ tịch Quốc hội An Yala; đảng Tự do thành lập từ năm 1945, từ khi thành lập đến năm 1972 luân phiên cầm quyền với đảng Quốc dân…


(Theo SGGP online)

  • Trung Quốc đã soán ngôi vô địch về xuất khẩu
  • Châu Á thảo luận những bài học từ khủng hoảng
  • Nước Nhật và nỗ lực đánh bóng hình ảnh toàn cầu
  • Triển vọng các nền kinh tế châu Á năm 2010
  • Trung – Mỹ sẽ xung đột vì sự kiện Google?
  • Bắc Kinh trắng trời mưa tuyết
  • Campuchia: Công nghiệp chủ chốtphục hồi mạnh
  • JICA giúp Campuchia tạo thương hiệu gạo thơm