Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bế tắc về chương trình hạt nhân của Iran

Ðầu tháng 10 vừa qua, tại Genever (Thụy Sĩ), đã diễn ra cuộc đàm phán giữa P5+1 (gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Ðức) và Iran nhằm giải quyết những bất đồng chung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Tại cuộc đàm phán này, các bên đã nhất trí, trên nguyên tắc, về việc uranium đã được làm giàu ở cấp độ thấp (LEU) sử dụng ở Iran sẽ được làm giàu ở cấp độ cao hơn, để sử dụng cho lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu của Iran đang sản xuất chất đồng vị phục vụ y tế.
 
Iran đã đồng ý, trên nguyên tắc, sẽ vận chuyển tới Nga phần lớn uranium với mức độ làm giàu ở LEU khoảng 3,5%. Tại Nga chúng sẽ được tinh chế để đạt tới độ tinh khiết 19,75% - thấp hơn nhiều so với mức đủ để sản xuất một quả bom nguyên tử (90%). Sau đó, số nguyên liệu này sẽ được các chuyên gia kỹ thuật Pháp sản xuất thành các thanh nhiên liệu và được đưa trở lại Iran để dùng cho lò phản ứng hạt nhân mà Tehran cho rằng sẽ thiếu nhiên liệu trong vòng từ 12 đến 18 tháng.

Trong ba năm qua, Iran đã sản xuất tại cơ sở hạt nhân Natanz được khoảng 1,5 tấn uranium làm giàu ở LEU. Nếu được thực hiện, thỏa thuận mà Iran đồng ý trên nguyên tắc sẽ buộc nước này phải vận chuyển 1,2 tấn uranium đã được làm giàu 3,5% đến Nga để làm giàu lên mức 19,75%. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, ông S. Jalili, nêu rõ cuộc đàm phán giữa P5+1 với Iran đã tạo ra một cơ hội tốt để loại bỏ mọi lo ngại đối với chương trình hạt nhân của nước này. Tổng thống Mỹ Obama nhận định, đây là "sự khởi đầu mang tính xây dựng". Trung Quốc hoan nghênh tiến bộ đạt được tại cuộc đàm phán ở Genever và kêu gọi các bên tiếp tục tăng cường nỗ lực ngoại giao để theo đuổi một giải pháp toàn diện cho vấn đề hạt nhân của Iran. Hơn hai tuần sau cuộc đàm phán ở Genever, từ ngày 19 đến 22-10, tại trụ sở Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ở Viên (Áo) đã diễn ra cuộc gặp giữa Nga, Pháp, Mỹ và Iran cùng các chuyên gia IAEA để thảo luận về đề xuất của IAEA, theo đó Nga và Pháp sẽ làm giàu nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân của Iran. Ðổi lại, Iran sẽ phải từ bỏ hầu hết các kho dự trữ uranium của mình. Cuộc đàm phán ở Viên được xem là thiết yếu để giải quyết bế tắc kéo dài chung quanh vấn đề hạt nhân của Iran. Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc đưa uranium của Iran ra nước ngoài làm giàu ở cấp độ cao hơn là kế hoạch "thuận cả đôi đường", vì Iran sẽ có được nhiên liệu cần thiết (do Iran đang phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt của LHQ nên việc mua các thanh nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân gặp khó khăn), trong khi phương Tây bớt lo ngại Iran làm giàu uranium để chế tạo bom hạt nhân. Tuy nhiên, ba ngày đàm phán đã diễn ra không suôn sẻ. Trước khi bước vào bàn đàm phán ở Viên, Iran cho biết, nước này sẽ tiến hành làm giàu uranium ở cấp độ 20% nếu cuộc đàm phán này thất bại. Trong khi cuộc đàm phán tiếp diễn, Bộ trưởng Ngoại giao Iran M. Mottaki tuyên bố rằng, Tehran có quyền phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình và sẽ không bao giờ từ bỏ quyền sở hữu công nghệ hạt nhân "hợp pháp và chính đáng" của mình. Ông Mottaki còn nói rằng, Iran "không cần Pháp tham gia đàm phán" vì Tehran không muốn sự hiện diện của nhiều quốc gia trong đàm phán. Sau ba ngày đàm phán căng thẳng, thậm chí từng bị trì hoãn nhiều giờ, ngày 21-10 IAEA đã đưa ra một dự thảo thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran và đã được bốn nước nhất trí. Theo dự thảo thỏa thuận này, IAEA yêu cầu Iran đến cuối năm nay phải chuyển 1,2 tấn trong kho dự trữ gồm 1,5 tấn uranium được làm giàu ở mức độ thấp của nước này sang Nga để làm giàu ở mức độ cao hơn. Sau đó, Nga sẽ ký hợp đồng phụ với Pháp để chuyển số uranium này thành các thanh nhiên liệu dành cho lò phản ứng hạt nhân vì mục đích nghiên cứu y học của Iran. Mục đích của việc làm này là tránh sự phản đối của Iran do Tehran từ chối đàm phán trực tiếp với Paris. Ngày 23-10 (thời hạn chót IAEA đưa ra để bốn nước thông qua dự thảo thỏa thuận), ba nước Mỹ, Nga và Pháp đã thông qua dự thảo này. Trong khi đó Iran lại quyết định lùi thời hạn thông qua vào tuần này. Iran cho biết nước này đang xem xét "một cách kỹ lưỡng" đề xuất của IAEA và cần có thời gian để đưa ra quyết định chính thức. Ðáng chú ý, không chỉ lùi thời gian thông qua, đại diện Iran tại IAEA, ông A. A. Soltanieh còn yêu cầu Mỹ, Nga và Pháp trả lời về "những đề xuất xây dựng" mà Iran đã đưa ra tại cuộc đàm phán ở Viên, theo đó Tehran muốn mua nhiên liệu hạt nhân đã được làm giàu ở nước ngoài để cung cấp cho một lò phản ứng hạt nhân ở Tehran. Trong khi đó, nhiều nghị sĩ có ảnh hưởng ở Iran đã chỉ trích dự thảo thỏa thuận của IAEA. Ông A. Boroujerdi, người đứng đầu Ủy ban an ninh quốc gia và đối ngoại của QH Iran, đã hoan nghênh việc nhiều quan chức nước này đề nghị, thay vì chấp thuận dự thảo thỏa thuận của IAEA, Iran nên mua nhiên liệu hạt nhân từ nước ngoài. Nhiều nghị sĩ nêu rõ rằng, bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào với các cường quốc cần phải kèm theo việc hủy bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran, nhất là bãi bỏ các biện pháp trừng phạt được áp đặt từ năm 2006 về nhập khẩu uranium thô, để Tehran được phép nhập khẩu nguyên liệu hạt nhân này. Cho đến nay, Tổng thống Iran M. Ahmadinejad và Ðại giáo chủ A. Khatami, người có tiếng nói cuối cùng trong mọi vấn đề ở quốc gia Hồi giáo này, chưa có phản ứng về dự thảo thỏa thuận của IAEA.

Tổng Giám đốc IAEA M. ElBaradei hy vọng rằng, trong tuần này, Iran sẽ đưa ra câu trả lời tích cực, vì sự chấp thuận của Tehran đối với dự thảo thỏa thuận của IAEA sẽ mở ra "một giai đoạn hợp tác mới" sau bảy năm bế tắc về vấn đề hạt nhân của Iran. P5+1 cho biết, họ sẽ hối thúc Iran chấp nhận đề xuất của IAEA tại các cuộc đàm phán ở cấp bộ trưởng ngoại giao, dự kiến sớm được tổ chức tại Genever. Trong khi đó, Pháp cho rằng những phản ứng của Iran đối với dự thảo thỏa thuận của IAEA là những tín hiệu tiêu cực đối với các cuộc đàm phán tiếp theo. P5+1 vẫn bế tắc trong việc giải quyết chương trình hạt nhân của Iran.

(Theo Nhan dan)

  • Tình trạng bất ổn gia tăng ở Pakistan
  • Ông S.B.Yudhoyono nhậm chức Tổng thống Indonesia nhiệm kỳ hai
  • Thái-lan với chiến dịch chống uống rượu bia
  • Singapo gia nhập “danh sách trắng” trong lĩnh vực thuế của OECD
  • Tàu chở 100 tấn axit chìm trên sông Dương Tử ở Trung Quốc
  • Iran gửi thư trả lời IAEA
  • Về cuộc chiến chống khủng bố ở Pakistan
  • Cao ốc “xanh” nhất thế giới ở Trung Quốc