Tổng thống Yudhoyono, sinh ngày 9-9-1949 trong một gia đình trung lưu. Sau khi tốt nghiệp Học viện quân sự Indonesia năm 1973, ông du học tại nhiều nước, đạt học vị thạc sĩ và tiến sĩ trong các ngành quản lý, kinh tế nông nghiệp, luật và khoa học chính trị. Ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội và chính quyền dưới thời Tổng thống Habibi và Tổng thống Megawati Sukarnoputri.
Trong diễn văn nhậm chức, Tổng thống Yudhoyono cảm ơn sự ủng hộ của đông đảo người dân đối với cá nhân ông, đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực cùng Chính phủ mới đưa đất nước tiếp tục phát triển vững chắc, trở thành một quốc gia hiện đại và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Tổng thống Yudhoyono nhấn mạnh ba mục tiêu ưu tiên chiến lược là "thịnh vượng, dân chủ và công lý", theo đó xây dựng một xã hội hài hòa trong một đất nước thống nhất, công bằng và thịnh vượng; tăng cường dân chủ, minh bạch, chống tham nhũng; duy trì pháp luật và trật tự; thúc đẩy tăng trưởng để củng cố an ninh kinh tế; xây dựng hệ thống phúc lợi tốt hơn, giảm tỷ lệ nghèo cũng như tỷ lệ thất nghiệp; bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững; củng cố hợp tác và phát triển mang tính toàn cầu.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ liên minh do Tổng thống Yudhoyono đứng đầu đã đưa Indonesia gặt hái nhiều thành tựu to lớn trên nhiều mặt. Khả năng điều hành tốt và uy tín tăng cao trên chính trường và xã hội đã giúp ông Yudhoyono thu hút được sự ủng hộ của đông đảo cử tri, giúp ông tái đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 8-7 vừa qua với 62% số phiếu bầu.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Yudhoyono đã công bố danh sách Chính phủ cũ được tái bổ nhiệm, gồm các chính trị gia, chuyên gia kinh tế, tướng về hưu. Một quyết định bổ nhiệm gây bất ngờ là Thống đốc tỉnh Tây Sumatra Gamawan Fauzi, một người chưa từng tham gia quân ngũ, giữ chức Bộ trưởng Nội vụ - vị trí chiến lược mà nhiều thập kỷ qua được trao cho các tướng lĩnh quân đội đương chức hoặc đã về hưu. Các nhân vật chủ chốt khác trong Chính phủ mới là Bộ trưởng Ngoại giao M.Nataligawa, Bộ trưởng Quốc phòng P.Giút-gi-an-tô-rô. Hai nữ Bộ trưởng trong Chính phủ cũ nổi tiếng trong lĩnh vực kinh tế được giữ tại vị là bà M.Indrawati tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Tài chính và bà E.Pangestu giữ chức Bộ trưởng Thương mại. Ngoài 34 thành viên Chính phủ theo luật định, Tổng thống Yudhoyono cũng thành lập một cơ quan chuyên trách về Dự phòng và Quản lý phát triển, do ông K.Mangkusubroto, một thành viên Chính phủ cũ từng phụ trách công tác tái thiết tỉnh Aceh sau trận sóng thần, đảm nhiệm.
Mặc dù Ðảng Dân chủ của Tổng thống Yudhoyono chiếm số ghế nhiều nhất trong QH, tuy nhiên Chính phủ mới được thành lập dựa trên cơ sở điều hòa lợi ích giữa các đảng phái nhằm tạo thuận lợi cho Tổng thống thực hiện các kế hoạch và chính sách của mình do có sự đồng thuận giữa Chính phủ và QH. Chính phủ mới, được gọi là "Chính phủ thống nhất II", sẽ bắt tay ngay vào việc triển khai chương trình hành động 100 ngày đầu tiên theo những đường hướng lớn mà Tổng thống Yudhoyono cũng như Phó Tổng thống Boediono đã xác định và xây dựng kế hoạch cho năm năm tới với cam kết nỗ lực hướng tới mục tiêu kinh tế tăng trưởng với tốc độ trung bình 7%.