Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bị cấm vận: Iran dùng vàng đổi lương thực

Mặc cho những khẳng định của giới lãnh đạo Iran rằng, sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây, cuộc sống người dân Iran đang đảo lộn trước những thay đổi quá lớn.

Khác với trước kia, từ khi Mỹ và phương Tây tăng cường lệnh cấm vận với Iran, Hasan Sharafi, người dân sống ở Thành phố Isfahan, miền Trung Iran chật vật để lo đủ thực phẩm cho gia đình.

"Giá  cả ngày càng tăng. Cuộc sống giờ đắt đỏ lắm. Mỗi tháng tôi chỉ mua thịt một lần trong khi trước kia là hai lần một tuần. Đôi lúc tôi chỉ muốn chết quách đi. Thật quá tuyệt vọng! Tiền kiếm được chẳng đủ để nuôi con", anh Sharafi bi quan.

Tình hình lương thực khó khăn tới mức để giải quyết nhu cầu lương thực cho 74 triệu dân trước lệnh cấm vận, Iran thâm chí phải dùng vàng thỏi và dầu để đổi lấy lương thực. Trên thực tế, lệnh trừng phạt mới của Mỹ và phương Tây đối với Iran không cấm các công ty bán lương thực cho quốc gia hồi giáo này, song khó khăn xuất hiện khi thực hiện các giao dịch tài chính quốc tế cần thiết để thanh toán các đơn hàng bằng USD hoặc Euro.

"Đơn hàng mua ngũ cốc đang được trả tiền bằng vàng thỏi hoặc giao dịch theo kiểu hàng đổi hàng", một nhà buôn ngũ cốc Châu Âu cho biết. Các lô hàng ngũ cốc rất lớn, vì vậy việc thanh toán bằng vàng là lựa chọn nhanh nhất.

Thực phẩm đang trở thành mặt hàng xa xỉ tại Iran

Theo các nhà buôn Châu Á, nhiều lô hàng chở dầu cọ từ hai nhà cung cấp hàng đầu là Indonesia và Malaysia tới Iran bị dừng lại vì lo ngại Iran không thể trả tiền. Hai nước này cung cấp 90% lượng dầu, thành phần chủ yếu để sản xuất thực phẩm từ bơ thực vật tới các đồ ăn ngọt. Các cửa hàng bánh ngọt tại Iran ngay lập tức chịu hảnh hưởng mạnh mẽ. "Chúng tôi sắp phá sản và có thể phải đóng cửa vài tuần. Tất cả nguyên liệu tôi phải nhập khẩu từ nước ngoài. Giờ thì giá nguyên liệu vụt tăng gấp đôi hoặc không có nữa vì họ không chuyển hàng", Chủ một tiệm bánh tại Isfahan cho biết.

Không chỉ có thị, dầu, sữa khan hiếm, rau quả cũng tăng giá chóng mặt. Chủ một cửa hàng rau quả ở phía Bắc Thủ đô Tehran cho biết: "Mấy tháng nay giá các mặt hàng ngoại nhập tăng 20-50%". Thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại di động, tivi và tủ lạnh cũng hoà vào cuộc đua bão giá khi tăng tới hơn 50%.

Điều trớ trêu với đất nước xuất khẩu dầu mỏ thuộc hàng đầu thế giới là nguồn cung ứng xăng đang cũng đang trở thành một vấn đề nan giải. Do thiếu đầu tư vào hệ thống lọc dầu, nên mặc dù có trữ lượng dầu mỏ thứ 3 thế giới, Iran vẫn phải nhập khẩu 1/3 lượng nhiên liệu tiêu thụ.

Là nhà cung cấp 50% nhiên liệu cho Iran, công ty Tupras có trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ các hoạt động ở Iran từ cuối tháng 8/2010, sau đó là các công ty như Vitol và Glencore (Thụy Sĩ), Reliance (Ấn Độ) và Lukoil (Nga). Iran giờ đây phải dựa vào các nguồn cung cấp nhiên liệu ở Turkmenistan, Trung Quốc, Venezuela và thậm chí là giới buôn lậu ở Iraq.

Hạt nhân, thứ dường như đã trở thành biểu tượng tinh thần dân tộc của quốc gia hồi giáo Iran đang góp phần làm cho cuộc sống người dân nơi đây thêm bộn bề khó khăn. Không biết bao nhiêu điện sẽ được phát đi từ nguồn năng lượng đó, cũng không thể khẳng định liệu Iran có cân bằng được sức mạnh bởi chương trình hạt nhân đang theo đuổi, nhưng trước mắt cuộc sống người dân đang lao đao vì hậu quả của nó.

"Tranh chấp hạt nhân là gì? Đừng hỏi những chuyện chẳng liên quan như thế. Tôi không quan tâm tới các vấn đề chính trị hay hạt nhân. Tôi còn phải kiếm cơm nuôi gia đình", ông Reza Zohrabi, một người bán rong tại Thủ đô Terhan than thở.

  • ASEAN thức tỉnh trước đòn thâm sâu của Bắc Kinh
  • Hàng nhái sắp hết thời ở Trung Quốc
  • Nhà giàu Trung Quốc ham địa ốc triệu đô ở Mỹ
  • Việt Nam là thị trường sơ khai tiềm năng nhất thế giới
  • Chênh lệch kinh tế Hàn Quốc - Triều Tiên trên 40 lần
  • Trung Quốc đứng ngay sau Mỹ về số tỷ phú
  • Biểu tình ở Trung Quốc: Hệ lụy kinh tế hay bất công xã hội?
  • Một góc nhìn khác về Ấn Độ