Túi xách Louis Vuitton là một trong những mặt hàng bị làm nhái phổ biến ở Trung Quốc - Ảnh: WAToday. |
Trong lúc nhiều công ty nước ngoài vẫn tỏ thái độ lo ngại về sự phổ biến của hàng giả, hàng nhái ở Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng nước này đã đến lúc chỉ muốn xài hàng xịn.
Tại một cửa hiệu đồ thể thao North Face ở Bắc Kinh, anh Liu Wenzhong rút ví 700 Nhân dân tệ, tương đương 110 USD, để mua một đôi ủng đi trong tuyết và một chiếc áo nỉ có mũ. Nếu mua hàng nhái bán ở một cửa hiệu khách cách đó không xa, hai món này chỉ tiêu tốn số tiền bằng 1/5.
“Sự khác biệt giữa mua hàng thật và hàng giả là cảm giác sau đó. Tôi chỉ có thể mặc trên mình một nhãn hiệu mà tôi đã bỏ tiền mua và tự hào vì điều đó”, anh Liu, 36 tuổi, chủ một công ty kinh doanh hàng công nghệ, nói với phóng viên báo Wall Street Journal.
Theo báo này, mặc dù hàng giả, hàng nhái các sản phẩm thương hiệu lớn vẫn còn phổ biến ở Trung Quốc, phát biểu của anh Liu phản ánh sự thay đổi trong quan điểm của người tiêu dùng ở quốc gia này.
Theo kết quả một cuộc điều tra cho hãng China Market Research thực hiện vào năm ngoái, 95% phụ nữ Trung Quốc tuổi từ 28-35 cho biết họ cảm thấy ngượng khi mang túi xách là hàng giả. Nhu cầu mua hàng giả, nhái cũng giảm nhanh. Theo hãng tư vấn McKinsey & Co., chỉ 15% số người tiêu dùng Trung Quốc được hỏi trong năm 2010 sẵn sàng mua quần áo và đồ da không phải là hàng thật. Vào năm 2008, tỷ lệ này lên tới 31%.
Xu hướng mới này đã thúc đẩy kế hoạch mở rộng hoạt động của các thương hiệu nước ngoài tại Trung Quốc. Các hãng như Nike, Columbia Sportsware, Shiseido, North Face… đều đang rục rịch mở cửa hiệu tại những thành phố xa xôi của Trung Quốc. Nhiều nhà bán lẻ đã áp dụng biện pháp như cách đóng gói đồ riêng cho khách để tạo sự khác biệt giữa hàng thật với hàng giả.
“Người tiêu dùng Trung Quốc đến nay thậm chí còn quan tâm tới chuyện hàng thật, hàng giả hơn cả ở phương Tây. Họ không muốn bị bắt gặp đang dùng hàng giả”, ông Aidan O’Meara, Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của VF, công ty mẹ của thương hiệu North Face, cho biết.
Cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, hàng North Face bị làm giả tràn lan ở Trung Quốc. Hiện nay, thương hiệu này đã có khoảng 500 cửa hiệu bán lẻ ở Trung Quốc và vẫn đang tiếp tục mở rộng mạng lưới. VF dự kiến sẽ mở 450 cửa hiệu North Face ở Trung Quốc trong vòng 3 năm tới.
Mặc dù vậy, hàng giả, hàng nhái vẫn là một vấn đề ở Trung Quốc. Theo Tổng cục Quản lý chất lượng của Trung Quốc, năm ngoái, giá trị hàng giả bị bắt giữ ở nước này là 5,33 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 847 triệu USD. Còn theo số liệu của Chính phủ Mỹ, Trung Quốc đang là một trong những nguồn hàng giả lớn nhất chảy vào nước này, chiếm 62% trong số 124,7 triệu USD giá trị hàng giả bị nhà chức trách Mỹ bắt giữ vào năm ngoái.
Trong mấy năm gần đây, công ty sản xuất hàng cao cấp Tod’s SpA của Italy đã mở hơn 30 cửa hàng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, hàng nhái sản phẩm của Tod’s vẫn xuất hiện trên thị trường, buộc công ty này phải lên chiến lược chống hàng giả.
Tổ chức Golf Anti-Counterfeiting Group, với sự tham gia của các công ty sản xuất thiết bị chơi Golf như Callaway Golf Co., đang tăng cường hoạt động chống hàng giả tại Trung Quốc. Năm ngoái, chỉ riêng hai vụ kiểm tra của tổ chức này đã phát hiện hàng ngàn sản phẩm phục vụ cho hoạt động chơi golf là hàng giả.
Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái. Năm 2010, nước này khởi động một trong những chiến dịch chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lớn nhất từ trước tới nay, tập trung vào các sản phẩm phần mềm, phụ tùng ôtô, điện thoại di động và thực phẩm ở các địa phương bờ biển Đông Nam. Nhà chức trách Trung Quốc cuối năm ngoái đã bắt giữ 2.000 sản phẩm giả thương hiệu Columbia, trị giá 2,7 triệu USD - công ty này cho biết.
Theo các công ty thời trang, sự chuyển biến trong quan điểm của người tiêu dùng Trung Quốc là một trong những lý do khiến họ tăng cường đầu tư vào Trung Quốc. Hãng Nike tháng trước tuyên bố kế hoạch mở một cơ sở ở Thượng Hải nhằm tăng doanh thu tại Trung Quốc lên 4 tỷ USD mỗi năm vào năm 2015. Năm ngoái, doanh thu của Nike tại Trung Quốc, bao gồm thị trường đại lục, Đài Loan và Hồng Kông là 2 tỷ USD.
Thương hiệu thời trang Columbia đã bắt đầu sản xuất tại Trung Quốc 20 năm trước. Cùng với sự hiện diện của Columbia tại Trung Quốc, hàng nhái thương hiệu này cũng “như nấm sau mưa”. Nhưng khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng Trung Quốc chuộng hàng thật, Columbia đã mở rộng mạng lưới bán lẻ, và đến nay hàng công ty đã có mặt tại hơn 600 trung tâm mua sắm và cửa hiệu của hãng tại Trung Quốc.
Theo ông William Tung, Phó chủ tịch phụ trách thị trường châu Á-Thái Bình Dương của Columbia, hãng này quyết tâm duy trì ngôi vị một trong những thương hiệu thời trang thể thao ngoài trời lớn nhất tại Trung Quốc. “Người tiêu dùng Trung Quốc đã nhận thấy sự khác biệt về chất lượng giữa hàng thật và hàng giả. Họ thất vọng với những chiếc áo khoác xổ cả lông vũ ra ngoài”, ông Tung nói.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com