Ấn Độ đang có những thành công rực rỡ hay đang thất bại thê thảm? Tùy vào người bạn đang nói chuyện, có thể bạn sẽ thường xuyên nhận được một trong hai câu trả lời sau.
Câu trả lời thứ nhất - phổ biến trong một số ít người - là những người Ấn Độ đang ăn nên làm ra (và trong giới truyền thông chủ yếu phục vụ nhu cầu của họ) - bao gồm những ý kiến đại loại như: "Sau nhiều thập niên tầm thường và loạng choạng, nền kinh tế Ấn Độ đã có cú cất cánh ngoạn mục trong hai thập niên vừa qua. Sự cất cánh đã giúp mang lại những cải thiện chưa từng có về thu nhập đầu người này được thúc đẩy chủ yếu bởi các sáng kiến thị trường. Bất bình đẳng có gia tăng, nhưng đó là hiện tượng bình thường trong quá trình tăng trưởng nhanh. Với đủ thời gian, lợi ích từ tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ tới được đến cả những người nghèo nhất, và chúng tôi đang vững chắc trên con đường đến đó". Nhưng nhìn vào Ấn Độ hiện nay từ một góc độ khác, người ta cũng có thể thấy một câu chuyện nữa - đáng buồn và đáng trách hơn: "Cải thiện trong mức sống của dân thường, ngược lại so với của số ít người được hưởng lợi lớn, luôn chậm chạp một cách đáng sợ - chậm đến mức các chỉ số xã hội của Ấn Độ vẫn đang chạm đáy". Đơn cử, theo dữ liệu của Ngân hàng thế giới, chỉ 5 quốc gia ngoài châu Phi (Afghanistan, Bhutan, Pakistan, Papua New Guinea và Yemen) có tỷ lệ thanh thiếu niên nữ biết chữ thấp hơn Ấn Độ. Lấy một vài ví dụ khác, chỉ 4 nước (Afghanistan, Campuchia, Haiti, Myanmar và Pakistan) có tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao hơn Ấn Độ; chỉ 3 nước có tỷ lệ tiếp cận "hệ thống vệ sinh mới" thấp hơn Ấn Độ (Bolivia, Campuchia và Haiti); và không nước nào (ngay cả ở châu Phi) có tỷ lệ trẻ em thiếu cân như ở Ấn Độ. Gần như bất kỳ chỉ số cấu thành nào trên đây và các chỉ số liên quan khác về y tế, giáo dục và dinh dưỡng đều cho thấy Ấn Độ đang ở rất gần hàng cuối trong danh sách các quốc gia ngoài châu Phi. Tăng trưởng và phát triển Vậy thì đâu mới là hình dung đúng đắn về Ấn Độ - một thành công chưa từng có hay một thất bại lớn? Câu trả lời là cả hai, bởi cả hai đều có giá trị và chúng toàn toàn phù hợp với nhau. Nghe có vẻ ly kỳ, nhưng ý nghĩ thoạt tiên này chỉ phản ánh việc người ta chưa hiểu được nhu cầu phát triển không chỉ dừng lại ở vấn đề tăng trưởng kinh tế. Thực tế, tăng trưởng kinh tế về cơ bản không hoàn toàn đồng nghĩa với phát triển, tức là cải thiện chung về mức sống, đảm bảo sức khỏe, hạnh phúc và tự do của con người. Dĩ nhiên, tăng trưởng có thể giúp ích rất nhiều cho việc đạt được các mục tiêu phát triển, nhưng điều này đòi hỏi những chính sách công chủ động để đảm bảo thành quả của tăng trưởng được chia sẻ rộng rãi hơn, cũng như đòi hỏi việc sử dụng có hiệu quả doanh thu công từ tăng trưởng kinh tế nhanh cho các dịch vụ xã hội, đặc biệt là y tế công cộng và giáo dục công. Có thể gọi quá trình này là "phát triển nhờ tăng trưởng". Thực tế, đây là con đường hiệu quả để từng bước tiến tới phát triển; nhưng rõ ràng chúng ta cần phải xác định rõ những gì có thể đạt được thông qua tăng trưởng kinh tế nhanh, và những gì tăng trưởng kinh tế không thể mang lại nếu không có các cải thiện phù hợp về mặt xã hội. Tăng trưởng kinh tế bền vững có thể là một động lực lớn không chỉ giúp nâng cao thu nhập, thay đổi mức sống và chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn rất hiệu quả cho việc đạt được nhiều mục tiêu khác, như giảm thâm hụt ngân sách và gánh nặng nợ công. Các mối liên hệ với tăng trưởng này đáng được nhấn mạnh, không phải chỉ ở châu Á, châu Phi, và Mỹ Latinh, mà còn ở cả châu Âu ngày nay, nơi đang thiếu trầm trọng những hiểu biết về vai trò của tăng trưởng trong việc giải quyết vấn đề nợ và thâm hụt. Người ta có xu hướng chỉ tập trung vào những chính sách hạn chế khắc nghiệt nhằm giảm chi tiêu công, bất chấp những chính sách này có ảnh hưởng và liên quan như thế nào đến khả năng giết chết một con ngỗng đẻ trứng vàng cho tăng trưởng kinh tế. Người ta đã thờ ơ vai trò của tăng trưởng kinh tế trong ổn định kinh tế và tài chính trong các cuộc tranh luận ở châu Âu, mà chỉ tập trung vào cắt giảm chi tiêu công để thỏa mãn thị trường và tuân theo các mệnh lệnh của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, cũng cần xác định ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế đối với mức sống phụ thuộc nhiều vào bản chất của quá trình tăng trưởng (như các ngành cấu thành và cường độ làm việc) cũng như các chính sách công - đặc biệt những chính sách liên quan tới giáo dục cơ bản và chăm sóc y tế - được sử dụng để cho phép mỗi người dân được tham gia và được chia sẻ trong quá trình tăng trưởng như thế nào. Ấn Độ cũng cần tập trung hơn nữa vào khía cạch tiêu cực của tăng trưởng, bao gồm sự hủy hoại môi trường (như hoạt động phá rừng, khai mỏ bừa bãi, cạn kiệt nguồn nước ngầm, sông ngòi và biến mất các quần thể động vật) và sự di chuyển không tự nguyện của các cộng đồng - đặc biệt các cộng đồng thiểu số - có mối gắn kết chặt chẽ với một hệ sinh thái cụ thể nào đó. Thành tựu tăng trưởng của Ấn Độ thực tế khá ấn tượng. Theo các dữ liệu chính thức, thu nhập bình quân đầu người đã tăng ở tốc độ trung bình gần 5% mỗi năm trong giai đoạn 1990-1991 đến 2009-2010. Tốc độ tăng trưởng kinh tế gần đây còn đáng nể hơn: Ủy ban hoạch định dự doán, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7.8% và trong giai đoạn kế hoạch thứ 10 (2002-2003 đến 2006-2007) và có thể khoảng 8% trong Kế hoạch lần thứ 11(2007-2008 đến 2011-12). Đây rõ ràng là mức tăng trưởng hết sức ấn tượng - cao thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Các kết quả khả quan này đang tạo hưng phấn rất lớn và được nhà kinh tế học Meghnad Desai miêu tả là những con số thần kỳ. Ấn Độ cần tăng trưởng kinh tế cao, chỉ vì thu nhập trung bình đang thấp đến mức họ không thể duy trì một mức sống hợp lý, ngay cả với khả năng phân phối thu nhập cao nhất. Thực tế, ngay cả ngày nay, sau 20 năm tăng trưởng nhanh, Ấn Độ vẫn là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, điều vẫn thường không được chú ý tới, đặc biệt bởi những người đang đưởng hưởng mức sống "đẳng cấp" thế giới nhờ những bất bình đẳng trong phân phối thu nhập. Theo Chỉ số phát triển thế giới 2011, trong năm 2010, chỉ 16 quốc gia ngoài châu Phi có "tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người" thấp hơn Ấn Độ: Afghanistan, Bangladesh, Campuchia, Haiti, Iraq, Kyrgyzstan, Lào, Moldova, Nepal, Nicaragua, Pakistan, Papua New Guinea, Tajikistan, Uzbekistan, Việt Nam và Yemen. Nói vậy, nhưng sẽ là sai lầm nếu chỉ ngồi im và trông chờ tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người giúp thay đổi điều kiện sống của bộ phận sống dưới mức bình thường. Cùng với việc bàn tới về phát triển nhờ tăng trưởng, chúng ta cũng nên chú ý đến những cạm bẫy của việc theo đuổi tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, không quan tâm tăng trưởng được chia sẻ và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân như thế nào. Một ví dụ dễ thấy là Brazil cuối những năm 1980, nơi tăng trưởng kinh tế thường đi liền với sự nghèo khổ hơn của một bộ phận. Ngược lại với đó là mô hình tăng trưởng cân đối hơn ở Hàn Quốc. Những gì xảy ra gần đây đã chứng minh cho điều này. Và điều thú vị là, Brazil đã biết cách thay đổi, và theo đuổi các chính sách xã hội tích cực hơn nhiều, bao gồm quy định trong hiến pháp về đảm bảo y tế miễn phí và mọi người dân đều được hưởng cũng như các chương trình an sinh xã hội và phân phối kinh tế táo bạo (như chương trình an sinh xã hội Bolsa Familia). Đó là một lý do giải thích tại sao Brazil đang đạt được những kết quả tích cực, như tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong chỉ 9 trên 1000 em (so với 48 ở Ấn Độ), 99% phụ nữ trong độ tuổi 15-24 biết chữ (so với 74% ở Ấn Độ), và chỉ 2,2% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu cân ( so với những 44% ở Ấn Độ. Có nhiều điều Ấn Độ có thể học từ những kinh nghiệm đi trước về phát triển nhờ tăng trưởng ở những nơi khác trên thế giới, không thực hiện tăng trưởng bằng mọi giá - tức là gố gắng cải thiện chất lượng cuộc sống của người nghèo một cách thiếu bền vững và lãng phí. Sự đi xuống của Ấn Độ ở Nam Á Một dấu hiệu cho thấy điều gì đó không ổn trong chiến lược phát triển của Ấn Độ là việc Ấn Độ bắt đầu tụt lùi so với các quốc gia Nam Á khác (trừ ngoại lện Pakistan) về các chỉ số xã hội, ngay cả khi vẫn đang đạt hiệu quả cao về thu nhập bình quân đầu người. Có lẽ trước tiên nên làm phép so sánh giữa Bangladesh và Ấn Độ. Trong chừng 20 năm qua, Ấn Độ đã trở nên giàu hơn nhiều Bangladesh: ước tính thu nhập đầu người của Ấn Độ cao hơn Bangladesh 60% vào năm 1990, và 98% (tức gần gấp đôi) vào năm 2010. Nhưng cũng trong thời gian này, Bangladesh đã vượt qua Ấn Độ trong một loạt các chỉ số xã hội: tuổi thọ, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ sinh đẻ, tiêm chủng phòng bệnh, và thậm chí trong một số chỉ số giáo dục như số năm đi học trung bình. Đơn cử, tuổi thọ trung bình ở Ấn Độ vào năm 1990 cao hơn ở Bangladesh, nhưng đến năm 2008, đã thấp hơn 3 năm. Tương tự, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong năm 1990 ở Bangladesh cao hơn Ấn Độ 24%, nhưng sau đó năm 2009 ở Ấn Độ đã cao hơn 24%. Hầu hết các chỉ số ở Bangladesh xem ra đều tốt hơn ở Ấn Độ, dù Bangladesh chỉ có thu nhập bình quân đầu người chưa bằng nửa của Ấn Độ. Một trường hợp khác là Nepal cũng đang nhanh chóng đuổi kịp Ấn Độ, và thậm chí vượt qua Ấn Độ ở một số khía cạnh. Khoảng năm 1990, Nepal còn thua xa Ấn Độ ở gần như mọi chỉ số phát triển. Nhưng hiện nay, các chỉ số xã hội ở cả hai nước đã gần như tương đương (có lúc tốt hơn ở Ấn Độ, nhưng có lúc lại ngược lại), mặc dù thu nhập bình quân đầu người ở Ấn Độ cao gấp khoảng 3 lần của Nepal. Nhìn vấn đề này từ góc độ khác, Ấn Độ chỉ ngang hàng với 6 quốc gia Nam Á khác (bao gồm cả đất nước Maldives nhỏ bé) vào những năm 1990 cũng như ngày nay. Về thu nhập bình quân đầu người, Ấn Độ đã nhích lên đôi chút - từ thứ 4 (sau Bhutan, Pakistan và Sri Lanka) lên thứ 3 (sau Bhutan và Sri Lanka). Nhưng trong gần như mọi khía cạnh khác, thứ hạng của Ấn Độ đều đang tụt lùi, thậm chí khá nhanh trong nhiều trường hợp. Nhìn chung, Ấn Độ có các chỉ số xã hội tốt thứ 2 ở Nam Á năm 1990, sau Sri Lanka, nhưng hiện đang đứng thứ 2 từ dưới lên, chỉ trên Pakistan. Nhìn vào các quốc gia Nam Á láng giềng, người nghèo Ấn Độ có quyền đặt câu hỏi họ đã thu được những gì - ít nhất cho tới hiện nay - từ tăng trưởng kinh tế. Ấn Độ và Trung Quốc Một trong những yêu cầu để có thể phát triển thông qua tăng trưởng một cách thành công là phảisử dụng khôn ngoan các cơ hội tạo ra từ tăng doanh thu công. Có một sự tương phản thú vị và quan trọng trong chính sách giữa 2 nước khác nhau ở khía cạnh này. Bởi vì Trung Quốc thường được nêu ra là nước chủ trương chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế, nên sẽ rất thú vị nếu so sánh những gì Trung Quốc làm với những gì Ấn Độ đã và đang tiến hành làm. Trung Quốc đã tận dụng tốt hơn nhiều cơ hội tạo ra bởi tăng trưởng kinh tế cao để mở rộng nguồn lực xã hội cho các mục tiêu phát triển. Đơn cử, chi tiêu chính phủ cho chăm sóc y tế ở Trung Quốc bằng gần gấp 4 lần ở Trung Quốc (sau khi đã điều chỉnh theo "ngang giá sức mua" - và khoảng cách hiện nay thậm chí còn lớn hơn). Dĩ nhiên, Trung Quốc có dân số lớn hơn và thu nhập bình quân đầu người cao hơn Ấn Độ, nhưng ngay cả trong tỷ lệ GDP, chi tiêu công cho y tế ở Trung Quốc (khoảng 2.3%) vẫn cao hơn ở Ấn Độ (khoảng 1,4%). Hầu hết chỉ số xã hội thể hiện mức sống, như tuổi thọ (73 tuổi ở Trung Quốc và 64 tuổi ở Ấn Độ), tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong (16/1000 ở Trung Quốc so với 48/1000 ở Ấn Độ), số năm đi học trung bình (ước tính 7,6 năm ở Trung Quốc, so với chỉ 4,4 năm ở Ấn Độ), hay phạm vi tiêm chủng (ở Trung Quốc đạt gần như mọi người dân đều được phòng ngừa bệnh vắc xin DPT hay sởi, so với chỉ 2/3 ở Ấn Độ). Trong khi Ấn Độ gần bắt kịp Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng, nhưng có vẻ như còn thua xa Trung Quốc trong việc sử dụng tài nguyên công cho các hỗ trợ xã hội và cùng với đó cũng đã không làm tốt bằng trong việc biến tăng trưởng thành tiến bộ nhanh chóng trong các chỉ số xã hội. Trong khi rõ ràng có những chỉ số khác đằng sau sự tương phản Trung Quốc-Ấn Độ, cách sử dụng thành quả của tăng trưởng khác nhau vào hỗ trợ xã hội dường như có sức ảnh hưởng quan trọng trong bức tranh tương phản này. Nhưng mục đích của phân tích không phải là để tranh luận rằng Ấn Độ nên học tập Trung Quốc mọi thứ. Ấn Độ có lý để tự hào với các thể chế dân chủ của mình. Ngay cả với tất cả những hạn chế của mình, những thể chế này vẫn cho phép tiếng nói của người dân được lắng nghe hơn, và tạo cơ hội đáng kể cho các hình thức tham gia của người dân vào công tác quản trị. Sự tương phản Trung Quốc-Ấn Độ đặt ra một câu hỏi thú vị khác: liệu có phải hệ thống dân chủ của Ấn Độ là rào cản cho việc sử dụng thành quả của tăng trưởng kinh tế vào mục đích thúc đẩy y tế, giáo dục và các mục đích phát triển xã hội khác? Để trả lời câu hỏi này, cần thiết phải xem lại quá khứ. Khi Ấn Độ có tăng trưởng kinh tế rất thấp, giới phê bình dân chủ thường cho rằng dân chủ là kẻ thù của tăng trưởng nhanh. Gần như không thể thuyết phục những người chủ trương phản dân chủ rằng tăng trưởng kinh tế cao phụ thuộc vào mức độ thân thiện của môi trường kinh tế, hơn là vào sự dữ tợn của hệ thống chính trị. Trong bối cảnh này, cần phải hiểu các quyết định dân chủ được đề xuất và lựa chọn như thế nào/ Những gì một hệ thống dân chủ có thể đạt được phụ thuộc vào các vấn đề được đem ra chính trị hóa. Một số vấn đề cực kỳ dễ chính trị hóa, như vấn đề nạn đói - và kết quả là nghèo có xu hướng giảm nhanh với việc thành lập một hệ thống chính trị dân chủ. Nhưng các vấn đề khác - ít đặc biệt hơn và cũng ít trưc tiếp hơn - lại mang lại thách thức lớn hơn nhiều. Sử dụng các công cụ dân chủ để tăng cường số diện được hưởng chăm sóc y tế công, cải thiện tình hình suy dinh dưỡng hay cơ hội đến trường đòi hỏi không chỉ cách thực hành dân chủ. Jean Dreze là giáo sư thỉnh giảng, Khoa Kinh tế học, ĐH Allahabad. Chủ nhân giải thưởng Nobel Amartya Sen là giáo sư ĐH Lamont và giáo sư Kinh tế học và Triết học tại ĐH Harvard.
----------------------------------
Tác giả: Đình Ngân lược dịch theo FP // Nguồn: Tuần Việt Nam
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com