![]() |
Bản đồ sông Mekong. Ảnh tư liệu |
Ông Pornlert Prompanya nhớ lại khung cảnh làng quê Sop Ruak, miền bắc Thái Lan, khi vùng sông Mekong còn nguyên sơ, dân làng tắm dọc bờ sông, chợ búa bán đầy đặc sản rừng núi, ngư dân luôn kiếm được đầy giỏ cá tôm. Giờ 32 tuổi, ông là chủ một công ty tổ chức tour du lịch bằng thuyền máy tốc độ cao trong làng, nơi dòng Mekong chảy qua giao với Lào và Myanmar. Nơi này giờ hiện đại có sòng bạc mới, mái vòm bằng vàng. Những con bạc giàu có lái những chiếc Bentley, Limousine, Cadillac dài dọc bờ sông.
Sông Mekong, dài 4.880 km, chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam rồi ra biển Đông, từng mang nhiều bí ẩn đối với lính Mỹ ở đồng bằng sông Cửu Long thời chiến tranh Việt Nam và các nhà thám hiểm người Pháp thế kỷ 19. Những người đầu tiên đến với Mekong cho rằng sông nguy hiểm và khó chế ngự, với thác nước và độ dốc, Mekong khó trở thành một Rhine hay Mississippi của Đông Nam Á.
Nhưng Mekong ngày nay đã được tận dụng nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế, đáp ứng cho khu vực đang khát điện và muốn dùng sông làm đường lưu thông hàng hóa. Trung Quốc sẽ xây khoảng 10 con đập trên thượng nguồn sông Mekong, trong đó có đập Tiểu Loan tại tỉnh Vân Nam, dự tính trở thành đập cao nhất thế giới. Lào cũng quy hoạch 70 đập trên sông Mekong và các nhánh của sông với tham vọng trở thành “pin năng lượng ở châu Á”. Campuchia cũng sẽ xây hai đập.
Song song đó, Trung Quốc còn thông đường sông bằng cách phá hủy một loạt đá, thác ghềnh, giúp thương mại trên sông giữa Thái Lan và Trung Quốc tăng gần 50% trong thập niên qua. Việc vận chuyển hàng hóa qua các khu vực dân cư ngày càng gia tăng. Các thành phố ở Lào trước kia lặng lẽ giờ đầy ắp khách du lịch ngay cả khi suy thoái kinh tế và hoạt động xây dựng đang diễn ra.
Các nhà hoạt động môi trường lo rằng việc ồ ạt phát triển trên sông Mekong, nhất là các đập nước, không chỉ thay đổi cảnh quan của sông mà còn phá huỷ kế sinh nhai của những người sống phụ thuộc vào sông. Từng viết sách về sông Mekong, ông Milton Osborne nhận xét: “Những con đập là vấn đề rất lớn đối với 60 triệu người ở lưu vực sông Mekong. Họ phụ thuộc chính vào sự dồi dào phong phú của sông”.
![]() |
Đâp thuỷ điện tại Trung Quốc, thượng nguồn sông Mekong. Ảnh tư liệu |
Liên hiệp quốc, các nhóm hoạt động môi trường và nhiều học giả đưa ra hàng loạt báo cáo cảnh báo về Mekong, một trong những con sông có nguồn tài nguyên phong phú nhất đang bị đe doạ. Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là các đập nước ảnh hưởng đến sự di cư của các loài cá và hoạt động trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất ½ lương thực của Việt Nam. Các đập của Trung Quốc đã chặn mất phần nào độ phù sa dành cho đất đai đồng bằng. Các đập mới sẽ chặn thêm trầm tích, ngăn chặn các loại cá cần di cư xa đẻ trứng, phá hủy ngành ngư nghiệp trị giá khoảng 2 tỉ USD. Theo một nghiên cứu hồi năm 2006, trong số hàng trăm loài cá tại sông Mekong, 87% là loài di cư.
Một số nhà phân tích còn chỉ ra việc chạy đua xây đập trên sông còn là gốc rễ của sự xung đột quốc tế trong vùng. Hai nước nằm ở thượng nguồn sông Mekong là Trung Quốc và Myanmar không phải là thành viên của Ủy ban Sông Mekong (MRC), nên họ không phải tham khảo ý kiến của các nước khác khi xây đập hay chia sẻ nguồn nước. Chưa kể, hiện nay nhiều nước dọc sông Mekong chưa đặt việc xây dựng đập nước là mối bận tâm hàng đầu. Đối với nhiều người, đập lại là biểu tượng của sự tiến bộ. Các nhóm hoạt ở Thái Lan đã nổi giận khi Trung Quốc không hề quan tâm đến những tác động xấu mà những đập nước gây ra cho đời sống của người dân hạ nguồn. Ông Carl Middleton, người đứng đầu chương trình Mekong thuộc tổ chức những con sông quốc tế cho biết tháng 8.2009, tỉnh An Giang cũng khởi động chiến dịch “Cứu sông Mekong” phản đối xây đập ở hạ lưu sông.
Giờ quê ông Pornlert có khu du lịch năm sao, các nhà hàng phục vụ du khách, nhưng ông vẫn cảm giác mất nhiều hơn được. Ông cho rằng sông nước có nhiều chuyện khó dự đoán, khó bắt cá hơn, bơi lội trên sông cũng khó vì rác quá nhiều và sông thì ô nhiễm. “Ngày xưa, mực nước sử dụng phụ thuộc vào mùa, giờ nó phụ thuộc vào lượng nước mà Trung Quốc muốn và cần”, ông Pornlert nói.
(Theo SGTT Online // theo New York Times)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com