Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Châu Á có thể cạn kiệt gỗ trong vòng 30 năm tới

Với tốc độ khai thác hiện nay, châu Á sẽ cạn kiệt gỗ trong chưa đầy 30 năm tới. (Nguồn: Internet)
Theo Hãng truyền thông quốc gia Australia (ABC), báo cáo mới được Tổ chức nghiên cứu công nghiệp và khoa học liên bang Australia (CSIRO) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc công bố cho thấy với tốc độ khai thác hiện nay, khu vực châu Á sẽ cạn kiệt gỗ trong vòng chưa đầy 30 năm tới.

Phát biểu trên Chương trình Liên kết châu Á của ABC, giáo sư Steve Keen thuộc CSIRO cho biết việc sử dụng tài nguyên tại châu Á cần cắt giảm 80%, để có thể duy trì tài nguyên rừng một cách bền vững.

Nếu xu hướng khai thác hiện tại vẫn tiếp diễn, nguồn cung cấp gỗ sẽ cạn kiệt vào năm 2038.

Theo giáo sư Adreas Schloenhardt, chuyên gia pháp luật tại Đại học Queensland, sự thiếu hụt nguồn cung là động lực dẫn tới nạn khai thác gỗ lậu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Giáo sư Schloenhardt cho biết ở một số nơi, trong đó có Australia và Trung Quốc, chính phủ đã cố gắng đảo ngược xu hướng khai thác gỗ bừa bãi bằng cách đặt một số vùng rừng rộng lớn dưới sự bảo vệ đặc biệt.

Như vậy, các công ty hoặc tội phạm chỉ còn một số ít các khu vực có thể khai thác gỗ. Tất nhiên, mặt trái của biện pháp này là việc khai thác gỗ chuyển sang các khu vực khác, đặc biệt là các nước láng giềng lân cận như quần đảo Solomon, Papua New Guinea, Indonesia, Malaysia và những nước không có quy định về bảo vệ môi trường tương tự hoặc không coi việc bảo vệ rừng là một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế.

Giáo sư Schloenhardt cho hay có nhiều phản hồi trái ngược về các phương án đối phó với mối đe dọa nói trên. Ở một số nước, trong đó có Indonesia, suy nghĩ đã thay đổi. Nhiều bằng chứng cho thấy tốc độ khai thác gỗ hiện nay không bền vững và nước này sẽ chuyển sang hệ thống cung cấp gỗ từ đồn điền, một nguồn tài nguyên ổn định. Điều này nghĩa là Indonesia sản xuất lượng gỗ thấp hơn nhưng ổn định hơn.

Tuy nhiên, các nước khác như Malaysia và Brazil tách biệt khỏi xu hướng chung và là những thủ phạm chính trên toàn thế giới. Các nước này tiếp tục khai thác và sản xuất gỗ với một tốc độ không bền vững để giá thành cạnh tranh rẻ hơn những nơi khác. Hai nước này không sẵn sàng hòa nhập xu hướng toàn cầu, nghĩa là có phương án bảo vệ rừng, bởi họ không muốn làm tổn hại tới ngành công nghiệp của nước mình.

Từ nhiều năm qua, Chính phủ Australia đã phải chịu sức ép đòi hành động nhằm chấm dứt tình trạng nhập khẩu gỗ được khai thác từ những cánh rừng già và các nguồn không bền vững.

Số liệu được ABC công bố năm ngoái cho thấy khoảng 10% lượng gỗ nhập khẩu vào Australia là gỗ khai thác trái phép, phần lớn dưới dạng bàn ghế dùng ngoài trời, gỗ dùng cho xây dựng và gỗ dán (ván ép). Khai thác gỗ trái phép là một vấn đề nghiêm trọng ở nhiều nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Indonesia, nơi tình trạng phá rừng đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tại những nước như Papua New Guinea, 90% các vụ khai khác gỗ là bất hợp pháp.

Ngọc Quang (TTXVN/Vietnam+)

  • Malaysia sẽ miễn học phí hoàn toàn cho học sinh
  • Châu Á-Thái Bình Dương là điểm sáng về hàng không
  • Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại vào 2016?
  • Trung Quốc bội thu ngũ cốc, giá vẫn tăng
  • Trung Quốc: Sản xuất mở rộng nhờ xuất khẩu tăng
  • Nhật sẽ tăng thuế và bán cổ phần các doanh nghiệp
  • Thái Lan công bố tài sản của thành viên nội các
  • “Trung Quốc sau khủng hoảng” và câu chuyện “soi người, ngẫm ta”