Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chính trường Philippines: Bài toán đồng minh

Chỉ 6 tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ 2, Tổng thống Philippines Arroyo đã phải đón nhận một thách thức lớn liên quan đến đảng Liên minh cầm quyền Lakas Kampi CMD. Thị trưởng Datu Unsay, Andal Ampatuan hay còn gọi là “Ampatuan con” thuộc dòng dõi Ampatuan quyền thế tại tỉnh Maguindanao, đồng minh thân cận của Tổng thống Arroyo, là nghi can chính trong vụ thảm sát 57 người tham gia vận động tranh cử cho một chính trị gia đối lập vào ngày 23-11.

Đây là một tội ác không thể dung thứ khi đa số nạn nhân là phụ nữ, trẻ em và có đến 27 nhà báo. Chính phủ của Tổng thống đã bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp. Hai ngày sau khi vụ việc xảy ra, xác của những nạn nhân mới được phát hiện. Bà Arroyo một mặt tuyên bố sẽ có những biện pháp mạnh trừng trị những kẻ đứng sau vụ việc này nhưng mặt khác lại trì hoãn yêu cầu Thống đốc Ampatuan, cha của “Ampatuan con” giải thích lý do vì sao đã để xảy ra vụ thảm sát ngay tại khu vực đang quản lý.

Trước sức ép của dư luận, “Ampatuan con” ra đầu thú và bị cáo buộc 7 tội danh giết người. Lúc đó, Chính phủ Philippines mới bắt đầu chính thức mở cuộc điều tra nhằm vào gia tộc Ampatuan và hàng trăm binh sĩ.

Những phản ứng của Chính phủ Arroyo ngay sau đó đã không được dư luận đánh giá cao vì họ cho rằng đây chỉ là cách để xoa dịu dư luận. Những nhà phân tích nhận định, đây là lối hành xử “chuẩn” mà chính quyền này đang thực hiện: phản ứng rất chậm chạp nếu các liên minh chính trị thân cận bị nghi ngờ nhúng tay vào các tội ác. Thậm chí có người không tin vào tuyên bố của bà Arroyo bởi cả hai cha con ông Ampatuan đều là thành viên trong liên minh cầm quyền của bà và được xem là đồng minh quan trọng. Phe Ampatuan đã góp phần đưa bà Arroyo lên làm Tổng thống năm 2001, bảo đảm cho chiến thắng của bà tại Maguindanao trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2004 và sau đó, tiếp tục dồn phiếu cho các ứng viên thuộc đảng của bà vào Quốc hội năm 2007.

Vụ thảm sát kinh hoàng ở Maguindanao cho thấy hệ thống chính trị nước này đã bị kiểm soát bởi những triều đại theo kiểu “cha truyền con nối” mà gia tộc Ampatuan là một ví dụ. Ở Philippines, các chính trị gia có thói quen sử dụng những nhóm vũ trang của mình để gây rối và hăm dọa các đối thủ trước bầu cử. Dù đang trải qua chặng đường cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ 2 nhưng bà Arroyo vẫn chưa thể xóa được điều nhức nhối này trong suốt nhiệm kỳ.

Vào năm 2001, với sự hậu thuẫn của lực lượng quân đội, bà Arroyo lên làm Tổng thống sau khi loại bỏ cựu Tổng thống Estrada với các cáo buộc tham nhũng. Tái đắc cử Tổng thống năm 2004, bà Arroyo đã vướng phải các cáo buộc tham nhũng, gian lận bầu cử. Tuy rất nỗ lực trong việc kéo dài “triều đại Arroyo” nhưng bà đang mất dần sự ủng hộ của lực lượng quân đội và người dân trong nước.

Vụ thảm sát ở Maguindanao là một phép thử cho bà Arroyo trước sự phẫn nộ của dư luận trong và ngoài nước, đặc biệt là giới truyền thông. Nếu bà Arroyo trì hoãn việc xét xử thì có nhiều khả năng bà phải đối diện với sức ép rất lớn trong nước buộc phải từ chức trước thời hạn. Điều đó có xảy ra hay không thì còn phải chờ nhưng một chuyện chắc chắn là bà sẽ có những ngày tháng không yên ả trước khi rời nhiệm sở.

(Theo SGGP Online)

  • Băng tan trên dãy Hymalaya đe dọa cả châu Á
  • Các cô gái Nhật thích kết hôn với nhà sư
  • Ngành dầu mỏ Iraq có khiến Trung Đông “dậy sóng”?
  • Mông Cổ muốn "đón chào" Trung – Nga vào khai thác uranium
  • Qatar: Giá khí đốt nên neo với giá dầu mỏ
  • Trung Quốc vẫn duy trì kích cầu vào năm 2010
  • Trung Quốc: đóng cửa nhiều nhà máy thép
  • Hóa chất độc gây náo loạn hệ thống xe điện ngầm ở Tokyo