Với một nền kinh tế hướng ngoại, dựa vào xuất khẩu để phát triển và có giá trị xuất khẩu chiếm tới 70% GDP như Thái-lan, việc bản tệ tăng giá so với ngoại tệ là vấn đề lớn của kinh tế, xã hội. Dư luận Thái-lan lo lắng, bàn tán về những hệ lụy kinh tế, xã hội với tâm trạng bất an khi đồng bạt tăng giá đều so với USD. Ngưỡng "tâm lý" 34 bạt ăn một USD đã bị phá vỡ trong tháng 9. Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội hiện nay ở Thái-lan, các cơ quan hữu trách không mạnh tay đưa ra được biện pháp giải quyết cụ thể nào, mà chờ đợi tác động của gói kích thích kinh tế thứ hai của chương trình Ðầu tư cho sức mạnh, được khởi động từ đầu tháng 10 này.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến đồng bạt tăng giá được nêu, trong đó có hai nguyên nhân chính được nhiều người tán đồng: đồng bạt tăng giá do USD mất giá và xuất khẩu giảm (23,9% trong chín tháng đầu năm), ít hơn so với tỷ lệ giảm của nhập khẩu (34,9% cùng kỳ), làm nguồn cung USD dư thừa và dự trữ ngoại tệ của Thái-lan tăng tới mức kỷ lục khoảng 111 tỷ USD.
Ðánh giá về sự kiện này, nhiều nhà kinh tế cho rằng, nền kinh tế Thái-lan thiệt nhiều hơn lợi. Ðồng bạt tăng giá, những nhà nhập khẩu được lợi, là thời cơ để Thái-lan nhập khẩu thiết bị, thay thế công nghệ, nhập nguyên vật liệu, là thời điểm tốt khuyến khích người Thái-lan đi du lịch nước ngoài do chi phí thấp hơn trước. Một số ngành như viễn thông, tài chính, ngân hàng, xây dựng... vẫn có khả năng thu lợi khi bạt tăng giá và có lợi cho việc kiềm chế lạm phát. Theo Ngân hàng Thái-lan (BOT), khi tỷ giá đồng bạt tăng thêm 1% so với USD sẽ làm giảm 0,26% GDP nhưng tỷ lệ lạm phát cũng giảm 0,09%.
Phòng Thương mại Thái-lan đánh giá, khi đồng bạt xuống dưới mức 34 bạt ăn một USD, các nhà xuất khẩu Thái-lan sẽ bị ảnh hưởng nặng do hàng của Thái-lan giảm sức cạnh tranh, theo đó là đình đốn sản xuất, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình trong lĩnh vực may mặc và nông nghiệp. Sản phẩm tôm, gạo, bị cạnh tranh về giá với các nước Việt Nam, Ấn Ðộ, Mỹ và nhiều nước châu Á khác. Các mặt hàng công nghiệp như điện tử, xe hơi sẽ giảm sức cạnh tranh với các mặt hàng từ nhiều nước Ðông Á và Ðông-Nam Á. Thu nhập từ du lịch sẽ còn giảm nhiều hơn, do du khách ít đến nước này khi phải trả nhiều tiền hơn với cùng một dịch vụ; đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) và đầu tư nước ngoài gián tiếp giảm. Kinh tế đình đốn, thu hẹp sản xuất, nhiều doanh nghiệp phá sản, dẫn đến số người mất việc tăng thêm.
Năm ngoái, nhiều nhà kinh tế, tài chính Thái-lan dự báo và lập kế hoạch năm 2009 với tỷ giá đồng bạt khoảng 35, thậm chí mức 36 đến 37 bạt ăn một USD. Từ đầu năm 2009 đến nay, đồng bạt dao động không quá mạnh, nhưng lại tăng giá đều và với đà như hiện nay vẫn trong khoảng gây rủi ro và thiệt hại lớn đối với nền kinh tế. Chủ tịch Ngân hàng xuất nhập khẩu Thái-lan Na-rong-chai tính toán, nếu đồng tiền tăng giá thêm một bạt so với USD, thu nhập từ xuất khẩu của Thái-lan mất 150 tỷ bạt/năm. Nền kinh tế Thái-lan đang chạy ở công suất 60%, so với 50% sau khủng hoảng 1997 và 90% tổng công suất của nền kinh tế trong thời kỳ bùng nổ kinh tế những năm 90 của thế kỷ trước và nếu đồng bạt lên đến mức 30 bạt ăn một USD sẽ xảy ra thảm họa đối với nền kinh tế nước này, một cuộc khủng hoảng tài chính mới tệ hại là khó tránh khỏi.
Nhiều nhà tài chính, kinh doanh, dịch vụ và xuất khẩu Thái-lan kêu gọi Chính phủ Băng-cốc nên theo đuổi một chiến lược tiền tệ yếu để tăng xuất khẩu, đón bắt thời cơ khi kinh tế toàn cầu ổn định và phát triển trong vòng ba đến năm năm tới. Chính sách tiền tệ yếu sẽ giúp nền kinh tế phục hồi nhanh và thích hợp, hơn là lo ngại trước áp lực lạm phát tăng. BOT nên có biện pháp can thiệp mạnh, để đẩy giá đồng bạt xuống, tốt nhất là 37 bạt ăn một USD, sẽ làm tăng giá trị từ xuất khẩu hơn bảy tỷ USD/năm so với tỷ giá hiện thời. Ðồng bạt yếu sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu, nhưng tổng thể cho nền kinh tế sẽ lợi hơn, chưa kể các yếu tố tích cực về mặt xã hội khác.
Nhiều người hy vọng, gói kích thích kinh tế thứ hai có tên "Ðầu tư cho sức mạnh" từ nay đến năm 2012, trị giá 1.430 tỷ bạt (khoảng 42 tỷ USD) từ các khoản đi vay, từ chấp nhận lạm phát tăng (hơn 6%/năm), từ bội chi ngân sách (5,9%/năm)... sẽ làm đồng bạt giảm giá. Khoản chi lớn này sẽ được đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở y tế, tạo công ăn việc làm, kích thích tiêu dùng... Cùng với gói kích thích này, Thái-lan đã thông qua bảy biện pháp kích thích kinh tế, trong đó có thúc đẩy du lịch; hâm nóng thị trường bất động sản - giảm thuế cho người mua nhà; trợ giúp tài chính khoảng 97 nghìn các doanh nghiệp vừa và nhỏ; giảm lãi suất ngân hàng; giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp dịch vụ công cộng; giúp thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành khách sạn và du lịch; tiếp tục ưu đãi thuế cho các quỹ đầu tư rủi ro; miễn thuế cho người đã thanh toán hết nợ nần; và cắt giảm thuế chuyển dịch doanh nghiệp. Khuyến khích thay đổi cơ cấu kinh tế, giảm chi phí, nâng khả năng cạnh tranh.
Mười năm qua, Thái-lan trải qua hai cuộc khủng hoảng lớn. Trong đó, cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội nổ ra từ cuối năm 2006 đến nay vẫn chưa nhìn thấy lối thoát. Trong khi đó, khó khăn từ khủng hoảng kinh tế làm cho đời sống của phần lớn người dân trở nên ảm đạm. Nhiệt tình và gắn kết xã hội bị bào mòn, niềm tin giảm sút...
(Theo Nhan dan)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com