Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Công nhân “cổ trắng” Trung Quốc thời suy thoái

 
Đội ngũ công nhân "cổ trắng" Trung Quốc đang tìm mọi cách cải thiện thu nhập. (Ảnh: minh họa/nguồn Internet)

Theo “Nhật báo Quảng Châu”, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái khiến kinh tế Trung Quốc không tránh khỏi ảnh hưởng, một số lượng không nhỏ đội ngũ công nhân “cổ trắng” nước này đang tìm mọi cách cải thiện thu nhập và họ không nề hà làm những công việc phụ như bán hàng rong ngoài đường phố sau giờ làm việc.

Khi đêm đổ xuống Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông (miền Nam Trung Quốc), những cửa hàng nhỏ mọc lên như nấm ở khắp mọi nơi với chủng loại mặt hàng phong phú. Chủ của các quầy hàng này đều còn rất trẻ. Họ bán những mặt hàng cũng phục vụ giới trẻ như túi xách, giầy dép, quần áo, đồ trang sức…


Hiện tượng này bắt đầu xuất hiện từ năm ngoái, khi những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu tấn công Trung Quốc. Theo thống kê, rất nhiều các chủ cửa hàng bán rong này là nhân viên văn phòng. Giờ hành chính, họ vẫn làm việc như thường lệ. Sau khi rời văn phòng, họ biến mình thành những nhà kinh doanh nhỏ. Một số thậm chí còn lái những chiếc xe tải nhỏ được cải tiến thành cửa hàng lưu động khá đơn giản bằng việc chỉ cần mở đằng sau là xong! Đây là hình ảnh hoàn toàn khác với quan niệm về những người bán hàng rong trên phố trước đây. 

Một cuộc thăm dò của “Nhật báo Quảng Châu” tiến hành với 1.463 nhân viên văn phòng cho kết quả đáng kinh ngạc. Vì lo ngại cuộc khủng hoảng kinh tế, hơn 60% được hỏi cho biết họ tìm kiếm những công việc khác ngoài giờ để tăng thêm thu nhập. Cuộc thăm dò trên cho thấy khi các công nhân “cổ trắng” trẻ mới gia nhập thế giới văn phòng, lương của họ không cao. Và giờ đây, trước nguy cơ có thể mất việc bất cứ lúc nào, họ phải tìm cách “bảo hiểm” cho cuộc sống của mình. Nếu “chân trong, chân ngoài” thuận lợi, họ không chỉ cải thiện được cuộc sống mà còn tích lũy được đôi chút phòng thân.

“Nếu tôi có thể đi ngược thời gian và quyết định cuộc sống sau này, tôi sẽ không trở thành một nhà khoa học, một học giả hay một giáo viên. Tôi sẽ trở thành một kỹ sư thủy điện hay một chủ cửa hàng”. Đó là tuyên bố của nhà vật lý vĩ đại Einstein khi nhìn lại cuộc đời ở tuổi 75. Ông lí giải thích trở thành một chủ cửa hàng vì đó là cuộc sống tự do và thú vị. Và nhiều nhân viên văn phòng Trung Quốc hiện nay đang lựa chọn cuộc sống đó. Xiao Xiao là một ví dụ.

Một nữ nhân viên phụ trách tài chính của một công ty với tấm bằng MBA chói ngời cũng quyết định gia nhập đội ngũ bán dạo và kiếm được tới hơn 2.000 Nhân dân tệ một tháng. 
Sau khi tốt nghiệp đại học, Xiao Xiao làm việc cho một công ty trong nửa năm trời với mức lương tháng chưa đầy 2.000 Nhân dân tệ. Nghe lời khuyên của một người bạn, cô bắt đầu mở một cửa hàng bán quần áo dạo trên phố trong thời gian rảnh rỗi. Xiao Xiao kể lại: “Lúc mới đầu, tôi ngượng ngùng không dám phô mặt ra và quyết định đeo kính đen. Có người tưởng tôi…bị mù. Nhưng chỉ trong một tháng, tôi có thể kiếm hơn 3.000 Nhân dân tệ từ công việc đó”. 

Được khích lệ bởi thành công, Xiao Xiao thuê một cửa hàng nhỏ. Nhưng mỗi khi động hàng hay có sản phẩm đặc biệt, cô lại bán chúng trên đường phố. Theo Xiao Xiao, bán hàng trên phố là một cách tuyệt diệu để kiếm tiền: “Mỗi khi ví rỗng, tôi lại đứng ra bán dạo một lúc. Công việc này đặc biệt quan trọng khi giờ đây, sức ép chi tiêu với nhân viên văn phòng như tôi đang ngày một tăng”. 

Xiao Xiao cho biết mới đây, một nữ nhân viên phụ trách tài chính của một công ty với tấm bằng MBA chói ngời cũng quyết định gia nhập đội ngũ bán dạo! Với kiến thức tài chính của mình, cô này kiếm được tới hơn 2.000 Nhân dân tệ một tháng khi mỗi ngày chỉ “làm thêm” 3 tiếng. 

Khó khăn lớn nhất cho những người như Xiao Xiao là gì? Là lo ngại bất chợt giáp mặt đồng nghiệp. Xiao Xiao chưa bao giờ kể về công việc “tay trái” này cho các đồng nghiệp biết dù không ít người thắc mắc cứ sau giờ làm, cô lại…mất tích đầy bí ẩn. Trong khi đó, bạn bè của Xiao Xiao thì đôi lúc ghé qua mua ủng hộ. 

Những quận Wudaokou và Tongzhou ở Bắc Kinh đang chứng kiến hiện tượng “cửa hàng lưu động” mà người bán dùng chính ôtô của mình làm nơi trưng bày hàng hóa và giao dịch. Một số “ông chủ” này là những người từng du học hẳn hoi, nói tiếng Anh làu làu. Một số là các nhân viên văn phòng. Một số là giáo viên. Nhưng dù nghề nghiệp chính thức là gì, họ chung một phong cách kinh doanh là sau giờ làm việc, họ lái những chiếc xe chất đầy hàng đến các địa điểm hút khách và rao bán. Kiểu “họp chợ” bằng ôtô này đang khiến các nhân viên quản lý thị trường đau đầu bởi họ khó giải quyết những trường hợp công nhân cổ trắng “chân trong, chân ngoài”, không phải là đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp.

Lợi nhuận là phần thưởng rõ ràng cho những nhân viên văn phòng chịu khó như vậy. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng rất khó cho mọi người “vừa xay lúa vừa ẵm em”. Làm nhiều việc một lúc mà những công việc lại không có mối liên hệ đến nhau dễ dẫn đến nguy cơ sa sút chuyên môn. Mà nếu điều đó xảy ra, thì nguy cơ mà các nhân viên văn phòng này lo ngại là bị đuổi việc sẽ trở nên rất rõ ràng…/.
 
Trung Sơn/Hongkong (Vietnam+)

 

  • Châu Á : Một bong bóng mới đang được thổi
  • Lao động châu Á lao đao vì khủng hoảng
  • Trung Quốc: Lún 3 châu thổ lớn do biến đổi khí hậu
  • Gần 89.000 người Trung Quốc chết vì thiên tai
  • Hàn Quốc loạn quảng cáo đồ chống cúm H1N1
  • Điều tra chống trợ giá sản phẩm gà của Mỹ
  • Trung Quốc trở thành đối tác thương mại số một của Nam Phi
  • Hàn Quốc đào tạo 3.000 “cảnh sát trưởng trên mạng”