Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

22% công ty châu Âu cân nhắc rút khỏi Trung Quốc

Hơn 1/5 số công ty châu Âu hoạt động tại Trung Quốc có thể tìm kiếm địa điểm đầu tư khác trước tình trạng chi phí nhân công ngày càng tăng cao cùng các quy định thủ tục rườm rà, theo báo cáo công bố hôm 29.5 của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu.

Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) cho biết, nhiều công ty châu Âu cảm thấy nản lòng trước sự gia tăng lương nhân công và các rào cản quy định tại Trung Quốc mặc dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là một thị trường ngày càng quan trọng.

Tổng cộng, có 22% số công ty trả lời cuộc khảo sát doanh nghiệp thường niên của Phòng Thương mại EU cho biết, họ sẽ xem xét chuyển đầu tư từ Trung Quốc đến các thị trường khác, theo AFP.

Chủ tịch Phòng Thương mại EU Davide Cucino phát biểu: “Chúng tôi vui mừng báo cáo rằng các công ty châu Âu sẽ tiếp tục đầu tư và tạo ra việc làm ở Trung Quốc song việc thiếu cải cách môi trường pháp luật gây ra lo ngại và có tác động không cân xứng với doanh nghiệp nước ngoài cũng như lĩnh vực tư nhân trong nước”.

“Có những dấu chỉ từ cuộc khảo sát cho thấy, khi cải cách tiếp tục bị trì hoãn và chi phí gia tăng, dòng chảy FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) đáng tin cậy trước đây có thể sẽ chậm lại và những kế hoạch đầu tư có thể sẽ được chuyển sang những thị trường mới nổi khác”, ông Cucino nói tiếp.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, lương nhân công trung bình trong lĩnh vực tư nhân ở các thành phố Trung Quốc vào năm ngoái đã tăng 12,3% so với năm trước đó, lên đến 24.556 NDT/năm (3.900 USD/năm).

Mặc dù vẫn thấp so với các nước châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng lương nhân công ở Trung Quốc đã tăng nhanh hơn các quốc gia láng giềng.

Sơn Duân // Thanh Niên

  • Bric: Bệnh mới của kinh tế Asean
  • Trung Quốc xôn xao về quy định “hai con ruồi”
  • Nhà giàu Trung Quốc rộ mốt thuê quản gia “Ăng-lê”
  • Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc đang “quá đà” ở biển Đông
  • Trung Quốc trả giá thê thảm cho sự phát triển
  • Trung Quốc hết “đạn” để cứu tăng trưởng?
  • Dầu mỏ và tranh chấp biển Đông
  • Trung Quốc: Khi đất đai không thuộc về người nghèo