Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam |
Trong những ngày gần đây, tình hình tại biển Đông lại có xu hướng nóng lên với những tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Đây là điều dễ hiểu vì lợi ích tại biển Đông đối với Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền ở khu vực này là rất lớn.
Những năm gần đây, các quần đảo, vùng nước và tài nguyên của biển Đông ngày càng trở thành nội dung tranh cãi, đặc biệt là khi sự quan trọng của việc khám phá các nguồn năng lượng được quan tâm. Nhiều quốc gia có nhu cầu về năng lượng ngày càng cao, trong đó có Trung Quốc, nên đã tuyên bố chủ quyền về biển Đông cùng với các nước Đông Nam Á quanh biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei... Ngoài ra còn có Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền tại đây. Theo website: www.GlobalSecurity.org, biển Đông có khoảng 7,5 tỉ thùng dầu dự trữ và 145,5 tỉ mét khối khí gas tự nhiên.
Nhưng con số về năng lượng chưa được thăm dò còn lớn hơn nhiều, ước tính lượng dầu chưa phát hiện còn tới 213 tỉ thùng. Do đó giữa các nước quanh biển Đông có sự lựa chọn cần phải tính toán: đối đầu hay hợp tác. Vì Trung Quốc là quốc gia lớn nhất trong vùng nên sự căng thẳng với các nước liên quan trong thời gian qua đã diễn ra với xu hướng tăng lên, nhất là khi nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc gia tăng mạnh. Trong các xung đột thì căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam và giữa Trung Quốc với Philippines tiềm ẩn nhiều phức tạp nhất. Hiện tại, mặc dù có nguy cơ xung đột với Trung Quốc nhưng Việt Nam và Philippines vẫn tiếp tục thăm dò dầu và khí tự nhiên trong vùng biển Đông thuộc chủ quyền của mình.
Xung đột giữa Trung Quốc với Philippines tập trung vào vấn đề nước nào có quyền cho phép các Cty nội địa và nước ngoài khai thác lượng dầu và khí đầy tiềm năng tại vùng biển tranh chấp ở biển Đông. Sự căng thẳng này gia tăng mạnh khi Philippines tuyên bố đang chuẩn bị cấp giấy phép cho việc khai thác dầu tại 15 lô, trong đó có 3 lô thuộc biển Đông. Trung Quốc phản đối và cho rằng việc hoạt động khai thác tại hai trong những lô này thuộc quyền tài phán của mình và nó thuộc một phần trong quần đảo Trường Sa. Quan chức Philippines khẳng định hai lô đó không thuộc về Trung Quốc. Về phía mình, mới đây tập đoàn sản xuất năng lượng lớn nhất ngoài khơi của Trung Quốc là CNOOC đã ký hợp đồng với Cty dầu lửa lớn nhất Tây Ban Nha, Eni SpA mở rộng hoạt động thăm dò dầu khí tại biển Đông (biển Nam Trung Hoa – theo cách gọi Trung Quốc) ở vùng nước sâu cách Hong Kong 400 km với tiềm năng có dầu cao. Chi phí cho mọi hoạt động thăm dò dầu này do Eni SpA chi trả, trong trường hợp thấy dầu phía CNOOC có quyền tham gia vào hoạt động khai thác dầu lên đến 51% trong bất kỳ liên doanh nào giữa hai bên nhằm thương mại hóa sản phẩm.
Cùng chung sống và tìm giải pháp xử lý vấn đề trong hòa bình sẽ được hoan nghênh nhất. |
Quần đảo Trường Sa được coi là rất quan trọng vì nhiều lý do. Chúng có trữ lượng dầu và khí gas tự nhiên lớn, chúng tạo thành vùng biển đánh cá rộng lớn và có nhiều tàu thuyền thương mại qua lại. Các quốc gia ven biển có thể thu được nhiều lợi ích từ thềm lục địa mở rộng. Trung Quốc, Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền lịch sử với Trường Sa. Ngoài ra, Trung Quốc đang chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa của VN. Mặc dù các đảo ở Hoàng Sa có ít giá trị về quân sự nhưng các khảo sát địa chất cho thấy có trữ lượng dự trữ đáng kể của khí đốt và dầu trong vùng nước xung quanh. Quần đảo này cũng được bao quanh bởi các khu vực đánh cá giàu tiềm năng.
Để thúc đẩy những tiến triển trong các vấn đề liên quan đến quyền lợi đối với các quần đảo tại biển Đông, một Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được ký kết tháng 11/2002. Mặc dù DOC có đóng góp làm giảm căng thẳng nhưng nó chưa tạo được một bộ quy tắc ràng buộc về hành vi với các nước tham gia. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), có hiệu lực vào năm 1994, đã tạo nên trình tự thủ tục cho các nước ven biển để nộp tuyên bố chủ quyền về thềm lục địa được mở rộng 200 hải lý từ bờ biển của mình. Tháng 5/2009, cả Việt Nam và Malaysia đã đệ trình khiếu nại theo UNCLOS và đã ngay lập tức gặp phải sự tranh cãi của Trung Quốc, kêu gọi Liên Hợp Quốc không xem xét. Trong khi đó Trung Quốc đưa ra khái niệm về vùng biển của mình, thường được gọi là đường lưỡi bò, gần bao trọn cả biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và gây phản ứng dữ dội của các nước Đông Nam Á.
Hiện tại, sức mạnh kinh tế và quân sự của các nước Đông Nam Á kết hợp vẫn còn khá nhỏ so với Trung Quốc. Khả năng cơ động về hải quân, tàu ngư chính trên biển giúp Trung Quốc dọc ngang trên một khu vực rộng lớn của biển Đông và điều đó giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng về kinh tế và chiến lược trong khu vực. Tuy nhiên, với sự phức tạp của lịch sử về vùng biển Đông thì chỉ có sự thỏa thuận giữa các nước có quyền lợi liên quan tại biển Đông mới có thể giúp giải quyết các vấn đề về chủ quyền và các nguồn tài nguyên ở đây. Do đó, sự lựa chọn giữa đối đầu hay hợp tác phát triển chung của tất cả các nước tại biển Đông sẽ có ý nghĩa quan trọng với thế giới.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com