Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhật Bản đau đầu với năng lượng hạt nhân

Công chúng Nhật Bản kiên quyết chống lại việc quay lại với năng lượng hạt nhân. Vậy tại sao chính phủ lại vất vả cố gắng đưa các nhà máy hạt nhân của đất nước hoạt động trở lại?

LTS: Những ngày qua cả thế giới cùng kỷ niệm và nghiêng mình chia sẻ với những nỗi đau mà người dân Nhật Bản phải chịu từ thảm họa động đất sóng thần từ cách đây một năm. Bên cạnh sự ủng hộ cho một đất nước đang quật cường hồi sinh, nhiều người đang tự hỏi về tương lai năng lượng hạt nhân của Nhật Bản.

Ai ủng hộ phát triển năng lượng hạt nhân?

Một năm sau trận động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân kinh hoàng, làm rung động Nhật Bản vào ngày 11/3/2011, có vẻ như quốc gia này một lần nữa trở lại con đường ủng hộ năng lượng hạt nhân lâu dài. Được ủng hộ bởi các công ty năng lượng hùng mạnh, chính phủ Nhật Bản có vẻ háo hức khởi động lại hàng chục lò phản ứng hạt nhân vốn đã bị đóng cửa trong bối cảnh cuộc khủng hoảng.

Chín tháng sau thảm họa, Thủ tướng Yoshihiko Noda tuyên bố chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân, thông báo rằng các lò phản ứng bị hư hại của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã nguội lại và ổn định.

Vào tháng 2, các nhà điều hành hạt nhân của Nhật Bản công khai khẳng định với cả nước rằng hai lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Ohi tại Fukui, duyên hải phía tây Nhật Bản, có thể tồn tại trong một cuộc động đất kết hợp với sóng thần lớn như lần thảm họa đã gây ra hơn 20.000 cái chết tại miền đông bắc Nhật Bản vào tháng 3 năm ngoái.

Chính phủ thậm chí còn tiến xa hơn khi xin phê duyệt quốc tế: Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc tế, tổ chức giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc đã gửi chuyên gia đến vào cuối tháng Một như kỳ vọng của các nhà lập pháp Nhật Bản. Hiện tại, Thủ tướng Noda đang lập kế hoạch đến thăm Fukui để thuyết phục thống đốc và những người đứng đầu các cộng đồng địa phương quan tâm đến sự an toàn của năng lượng hạt nhân đồng ý cho các lò phản ứng hạt nhân hoạt động trở lại trước những tháng mùa hè cao điểm.

Nhưng liệu đây có phải là con đường phục hồi mà người dân Nhật Bản mong muốn?

Rõ ràng là không. Trong một cuộc khảo sát được tiến hành vào tháng 7 năm ngoái, 74% những người được hỏi trả lời rằng Nhật Bản cần phải từng bước loại bỏ năng lượng hạt nhân với mục tiêu cuối cùng là từ bỏ nó. Một câu hỏi lớn được đặt ra cho sự khôn ngoan của việc duy trì hoạt động các nhà máy hạt nhân tại vùng quần đảo vốn hay xảy ra động đất.

Câu trả lời cho sự vội vã hướng tới tương lai hạt nhân là tiền và thiếu các giải pháp tốt hơn. Trước tai nạn Fukushima, các công ty năng lượng Nhật Bản vận hành 54 lò phản ứng hạt nhân, cung cấp khoảng 30% nhu cầu điện của đất nước.

Năng lượng tái tạo chiếm chỉ khoảng 1%, phản ánh sự ngần ngại của chính phủ và công ty năng lượng - dưới ánh sáng thành công của ngành công nghiệp hạt nhân - trong việc phát triển năng lượng mặt trời, thủy điện, gió và nhiệt điện.

Sự ưu tiên cho năng lượng hạt nhân dẫn đến kế hoạch năm 2010 của chính phủ bổ sung 14 lò phản ứng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng dự kiến của đất nước vào năm 2030, tăng tỷ trọng năng lượng hạt nhân lên tới 50% trong tổng lượng năng lượng của Nhật Bản.

Kinh tế năng lượng không phải là lý do duy nhất cho việc thúc đẩy khởi động trở lại của các nhà máy hạt nhân. Có những động lực chính trị mạnh mẽ quyết định việc duy trì những ngọn lửa hạt nhân cháy tại Nhật Bản. Trong mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, các công ty năng lượng  Nhật Bản được cấp độc quyền đối với việc sản xuất và phân phối điện trong các khu vực nhất định.

Ngược lại, các công ty này cũng thuê tuyển hàng trăm viên chức chính phủ nghỉ hưu của Bộ Kinh tế, Thương Mại và Công nghiệp (METI) và các bộ khác. Công ty năng lượng điện Tokyo (TEPCO) sử dụng cựu bộ trưởng cơ quan năng lượng và tài nguyên thiên nhiên (một cơ quan của METI phụ trách lựa chọn các vị trí đặt các nhà máy hạt nhân) và cựu giám đốc METI làm cố vấn cấp cao.

Ngành công nghiệp này cũng đóng góp hào phóng cho các chính trị gia và các nhà khoa học hạt nhân. Vào ngày 1/1, tờ nhật báo quốc gia Asahi Shimbun báo cáo rằng ngành năng lượng cung cấp 85 triệu yên (khoảng 1 triệu USD) trong việc hỗ trợ nghiên cứu trong 5 năm gần nhất cho hơn hai chục nhà khoa học hạt nhân, vốn là thành viên của Ủy ban an toàn hạt nhân, ban giám sát của các nhà lập pháp chính phủ.

Một câu hỏi lớn được đặt ra cho sự khôn ngoan của việc duy trì hoạt động các nhà máy hạt nhân tại vùng quần đảo vốn hay xảy ra động đất.

Con đường nào cho tương lai phi hạt nhân?

Cuộc khủng hoảng Fukushima đã có những tác động sâu rộng tại các khu vực khác nhau của thế giới, đặc biệt là châu Âu. Sau thảm họa diễn ra tại Nhật Bản, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bãi bỏ quyết định duy trì các lò phản ứng hạt nhân hoạt động cho đến khoảng năm 2040. Chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định loại bỏ dần 5 lò phản ứng hạt nhân hiện đang hoạt động của đất nước vào năm 2034.

Năm 2009, hơn 90% cử tri Ý ủng hộ việc phi hạt nhân trong cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc về việc liệu có nên quay trở lại với năng lượng hạt nhân theo kế hoạch phát triển lò phản ứng hạt nhân mới của Thủ tướng Silvio Berlusconi.

Công chúng Nhật Bản theo dõi sát sao những phát triển này, đôi khi với một tiếng thở dài ghen tị. Nhật bản không có nhiều đảng ủng hộ môi trường mạnh mẽ và những cuộc biểu tình với quy mô lớn như ở Đức, nơi hàng nghìn các nhà hoạt động môi trường và chống hạt nhân đã xuống đường, không phổ biến. Và không giống Italy, Nhật Bản thiếu truyền thống bỏ phiếu công khai để làm rõ nguyện vọng của người dân.

Những nỗ lực của thủ tướng Naoto Kan, nắm quyền trong suốt thảm họa Fukushima nhằm hướng tới một "xã hội không phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân" bị chống đối ác liệt bởi lực lượng đối lập đã không thành công trong việc giành lại chiến thắng cho chính quyền của ông. Vào cuối tháng 8, Đảng dân chủ cầm quyền Nhật Bản đã chọn Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda, có danh tiếng gắn chặt với các quan chức có nhiều quyền lực, để kế nhiệm ông làm người lãnh đạo đảng và thủ tướng.

Một số nhà phân tích chính trị cho rằng sự sụp đổ của Kan phản ảnh thức tế rằng các quan chức Nhật Bản vẫn còn là những người đưa ra quyết định mạnh nhất đất nước, bất chấp vai trò của họ trong việc soạn thảo một chính sách hạt nhân sai lầm đã quá rõ ràng sau thảm họa Fukushima. Nhưng trong giai đoạn bất ổn chính trị kéo dài, các quan chức quan liêu đã giành lại thế thượng phong, dẫn đầu một con đường chính trị trong đó công chúng không dễ dàng thách thức lại nhà nước.

Cũng có những tia hy vọng mong manh. Người Nhật Bản đang cố gắng vươn lên từ đống tro tàn của "huyền thoại an toàn hạt nhân" mà họ bị các chương trình truyền thông do chính phủ và các công ty thực hiện dẫn dắt tin tưởng trong hàng thập kỷ. Sự tức giận và mệt mỏi của họ đã châm ngòi cho chủ nghĩa hoạt động hiếm khi thấy ở Nhật Bản.

Hàng nghìn người mẹ mua những thiết bị phát hiện phóng xạ và hiện đang kiếm tra các đồ vật  bị nhiễm phóng xạ trong nhà cũng như trường học và sân chơi của con họ, rõ ràng là biểu hiện của sự thiếu tin cậy vào các dữ liệu được công bố bởi chính phủ và các công ty. Tại Tokyo và Osaka, hàng vạn chữ ký được thu thập để kiến nghị tới chính quyền thành phố để tổ chức trưng cầu dân ý về liệu Nhật Bản có nên duy trì điện hạt nhân.

Trong khi đó, những người đứng đầu các chính quyền địa phương nơi có những nhà máy hạt nhân đang tránh những trợ cấp hấp dẫn nhưng nguy hiểm về mặt chính trị của nhà nước. Trong một cuộc họp với Bộ trưởng phụ trách năng lượng hạt nhân, thị trưởng Tokai, một thành phố có nhà máy điện hạt nhân Tokai Daini, 80 dặm về phía đông bắc Tokyo, thậm chí còn yêu cầu loại bỏ lò phản ứng hạt nhân của thành phố.

Gần 67 năm đã trôi qua kể từ vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki. Trong thời kỳ hậu chiến tại Nhật Bản, phong trào chống hạt nhân chỉ đơn giản kêu gọi việc bãi bỏ vũ khí hạt nhân chứ không phải năng lượng hạt nhân. Sau thảm họa Fukushima, phần lớn người dân Nhật Bản đang ủng hộ ý tưởng rằng năng lượng hạt nhân chỉ đơn giản là quá nguy hiểm để sống cùng.

Nhưng họ cũng nhận thức được rằng sự lựa chọn của họ bị hạn chế, với quá ít nguồn tài nguyên nhiên liệu hóa thạch và lĩnh vực năng lượng tái chế kém phát triển. Tuy nhiên, hầu hết đều chia sẻ quan điểm của Kan về mặt: " Không có nhà máy điện hạt nhân sẽ là sự an toàn tối thượng."

Khi Nhật Bản đứng trước thời điểm quan trọng trong việc quyết định tương lai, người dân Nhật Bản có rất nhiều việc phải làm nếu họ hy vọng thay đổi xu hướng và hướng tới trở thành một quốc gia không hạt nhân.

(VEF)

  • Nhà giàu Trung Quốc đổ xô xuất ngoại sinh con
  • Cảnh đời ở các khu ổ chuột châu Á
  • Nhật Bản: Tỷ lệ thất nghiệp tăng, chi tiêu dùng giảm
  • Trung Quốc: Ổn định kinh tế để chuyển giao quyền lực
  • Hàng hiệu Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy
  • Các tập đoàn nhà nước Trung Quốc: cải tổ hay... khủng hoảng
  • Tiết lộ chấn động của một quan chức công an Trung Quốc
  • 'Mục sở thị' các xưởng sản xuất hàng hiệu 'fake'