Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điều gì xảy ra khi kinh tế Trung Quốc suy giảm?

Nếu như sự trỗi dậy của Trung Quốc gây lo ngại cho nhiều người thì một Trung Quốc yếu hơn với những thách thức kinh tế và chính trị tại quốc nội có thể là một thách thức lớn hơn.

Một Trung Quốc trỗi dậy đã là nỗi lo ngại và bất an của nhiều nước

Một trong những câu hỏi luôn hiện hữu ở hầu hết các nhà quan sát về Trung Quốc ngày nay là Trung Quốc sẽ cư xử như thế nào với các vấn đề bên ngoài khi gặp phải nhiều khó khăn hơn ở vấn đề quốc nội.

Những thách thức dễ được nhận thấy mà Trung Quốc phải đối mặt trong những năm tới là nền kinh tế bùng nổ đang chững lại, cơ chế để đưa ra quyết định do sự phân tán quyền lực cùng với sự thiếu tin cậy của chính quyền, chủ nghĩa dân tộc gia tăng, đòi hỏi lớn hơn cho cải cách chính trị và ngày càng lan rộng sự vỡ mộng với tình trạng hiện tại.

Nói tóm lại, những khó khăn từ bên trong sẽ hạn chế khả năng của Trung Quốc để duy trì và mở rộng tầm ảnh hưởng ra bên ngoài, cản trở tiến trình hiện đại hóa lực lượng quân sự của Trung Quốc và khiến lãnh đạo Trung Quốc trần trừ hơn khi đưa ra các phán quyết về các vấn đề lớn của quốc tế và khu vực.

Điều đáng lo ngại nhất, chính là cách ứng xử khó lường trước do sự kết hợp giữa việc thiếu kinh nghiệm ở thế hệ lãnh đạo mới, cùng với nỗ lực đảm bảo ổn định chính trị trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong những năm tới.

Vấn đề phát sinh từ nền kinh tế suy giảm

Với tiềm lực ngày càng lớn, Trung Quốc đã thể hiện rõ việc theo đuổi chính sách gây ảnh hưởng kinh tế trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển có nguồn tài nguyên phong phú.

Nhiều người có thể nghĩ rằng những khó khăn ngày càng mở rộng trong nền kinh tế Trung Quốc khó có thể ảnh hưởng sâu sắc tới khả năng của Trung Quốc để trở thành một sự thay thế đối với kinh tế phương Tây. Nhưng nhìn kỹ hơn về việc Trung Quốc đã đầu tư thế nào tại châu Phi, Trung Á và Mỹ Latinh có thể rút ra rằng những đầu tư này không chỉ tốn kém mà rất mạo hiểm. Tổng lượng tiền đầu tư và cho vay ưu đãi Trung Quốc đối với nhiều nước nhằm tạo sự tín nhiệm có giá trị ít nhất là hàng chục tỷ USD (nhưng không ai biết con số cụ thể là bao nhiêu). Lượng tiền này được dùng trong thời kỳ Trung Quốc tăng trưởng ở tốc độ 2 con số và có quá nhiều tiền mặt để vung vãi.

Nhưng khi kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và dòng vốn đổ vào hầu bao của Bắc Kinh ít hơn, chính phủ Trung Quốc sẽ có ít vốn hơn để duy trì chính sách kinh tế và ngoại giao mạnh bạo. Về mặt chính trị, tiếp tục duy trì các chương trình viện trợ tốn kém khi chính người dân Trung Quốc phải đối đầu với những khó khăn sẽ làm tăng lên những chỉ trích nặng nề vào chính quyền.

Sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc sau 3 thập kỷ liên tiếp phát triển ở tốc độ cao
đã khiến tình hình xã hội thêm bất ổn bởi nạn thất nghiệp gia tăng

Cách đây không lâu, chính Ngoại trưởng Trung Quốc bị dư luận trong nước lên án nặng nề khi tiết lộ rằng Trung Quốc viện trợ Macedonia xe bus an toàn đưa học sinh tới trường trong khi chính trẻ em Trung Quốc phải đến trường bằng những phương tiện thiếu an toàn.

Việc Trung Quốc đổ bộ mạo hiểm vào các nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với những rào cản khác. Những dự án tốn kém nhất mà Trung Quốc phải thực hiện ở các nước phát triển được lấy vốn từ các ngân hàng nhà nước. Đây là hoạt động dựa vào kinh nghiệm trước đây nên rất nhiều dự án có khả năng sẽ bị thất bại.

Trong khi đó, bản thân các ngân hàng Trung Quốc đang vật lộn để giải quyết làn sóng nợ xấu từ trong nước, điều mà các ngân hàng này mong muốn hiện tại là duy trì nguồn vốn để nuôi các dự án mạo hiểm ở nước ngoài, dù chúng sinh lợi rất ít. Đó chính là một kết quả đã được biết trước vì khi kinh tế quốc nội của Trung Quốc càng suy giảm thì tầm ảnh hưởng quốc tế Trung Quốc càng đi xuống.

Những thiệt hại dễ thấy khác chính là chương trình được khen ngợi quá mức về việc triển khai chính sách “quyền lực mềm” ra nước ngoài.

Chương trình được Trung Quốc gọi là “Đại tuyên truyền đối ngoại” dẫn tới sự mở rộng của các cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc ở khắp các nước trên thế giới. Ví dụ như Tân hoa xã đã triển khai kênh thời sự phiên bản tiếng Anh để tuyên truyền ra bên ngoài. Tờ báo tin tức lá cải Thời báo Hoàn cầu cũng đưa thêm phiên bản tiếng Anh. Tờ báo chính thức Nhật báo Trung Quốc cũng đặt quảng cáo dài hạn để đánh bóng hình ảnh trên các tạp chí tên tiếng của Mỹ như Thời báo New York, Tạp chí phố Wall và Bưu điện Washington.

Tuy nhiên, với hình ảnh của Trung Quốc ngày càng xấu xí trên khắp thế giới thì chương trình này là một sự thất bại. Khi các nhà điều hành chương trình này tại Bắc Kinh phải đón nhận nguồn ngân sách thắt lưng buộc bụng mới, họ sẽ quyết định không lãng phí tiền thêm nữa vào một chương trình thiếu khả quan.

Nền kinh tế, văn hóa và ngoại giao của Trung Quốc ngày càng xa sút do nguồn tài chính ngày càng hạn hẹp không chỉ là nạn nhân duy nhất từ những khó khăn từ bên trong.

Quân Giải Phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã hưởng lợi từ việc tăng trưởng kinh tế ở tốc độ 2 con số trong vòng gần 2 thập kỷ, sẽ phải xoay xở vì phải nhận phần nhỏ hơn của chiếc bánh ngân sách. Bước tiến của Trung Quốc trong hiện đại hóa quân sự có thể phải chậm lại.

Tàu sân bay Liêu Ninh của TQ, theo giới chuyên gia, còn lâu mới là một vũ khí chiến tranh được tác chiến một cách đầy đủ một phần vì thiếu trang bị

Đối với các nước láng giềng của Trung Quốc, điều này có thể làm giảm bớt sự lo lắng. Tất nhiên, Washington cũng cảm thấy dễ thở hơn. Tuy vậy, khả năng này vẫn không phải là một điều chắc chắn.

Một khả năng có thể xảy ra là PLA có thể coi việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược an ninh và những tranh cãi chủ quyền với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam là động lực thúc đẩy chi tiêu quốc phòng. Nếu PLA thành công trong việc duy trì được nguồn chu cấp ngân sách lớn, thì lực lượng này cũng phải trả cái giá đắt vì quân đội Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh với các nhóm lợi ích chính trị có vị thế ngang bằng khác như các tập đoàn nhà nước, bộ máy hành chính và chính quyền địa phương để giành lấy lượng ngân sách ngày càng bị thu hẹp. Một vài nhà quan sát phương Tây hồ hởi đón nhận những khó khăn gia tăng trong nội bộ Trung Quốc vì từ đó, họ sẽ làm giảm tầm ảnh hưởng và “mối đe dọa” Trung Quốc. Nhưng phương Tây cũng cẩn thận với những điều họ mong đợi vì một Trung Quốc yếu hơn có thể tác động tiêu cực nghiêm trọng tới trật tự thế giới.

Một thiệt hại dễ thấy từ việc suy yếu của Trung Quốc là việc Bắc Kinh sẽ do dự trong đóng vai trò mang tính xây dựng hơn trong các vấn đề toàn cầu và khu vực. Một số người có thể chỉ trích rằng lãnh đạo Trung Quốc, thậm chí ngay cả thời kỳ nền kinh tế tốt, thường nói nhiều hơn những gì họ đóng góp. Một vài chỉ trích này là đúng nhưng một đánh giá khách quan khác có thể chỉ ra rằng Bắc Kinh đôi khi cũng đóng vai trò tích cực hơn những gì đã nhận được, như trong cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997-98 và việc Trung Quốc thúc đẩy tự do thương mại khu vực. Thậm chí trong vấn đề bán đảo Triêu Tiên, Trung Quốc đã khiến Bình Nhưỡng bớt thái độ thù địch kể từ đầu năm 2011 (Trung Quốc đã thất bại một lần vào năm 2010). Trong vấn đề Iran và Libya, Trung Quốc cũng chọn cách để không trở thành kẻ phá hại. Với vấn đề đàm phán về biến đổi khí hậu toàn cầu, Bắc Kinh cũng có nhiều nhượng bộ lớn. Tất nhiên, những đóng góp to lớn của Trung Quốc với trật tự thế giới có thể mất đi nếu lãnh đạo Trung Quốc quá vướng víu với những khủng hoảng nội địa mà quyết định không đóng góp gì với thế giới.

Ứng xử của Trung Quốc trong tình hình mới

Một phần của những hiểu biết thông thường về một Trung Quốc yếu hơn là Trung Quốc sẽ thù địch hơn bởi vì lãnh đạo Trung Quốc sẽ có cớ chuyển những vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội nội tại sang chủ nghĩa dân tộc và chính sách ngoại giao hiếu chiến. Đó là cách hiểu đơn giản về cách cư xử của Bắc Kinh. Lãnh đạo Bắc Kinh thực sự đang nuôi tham vọng đó và người dân Trung Quốc mong đợi một thế hệ lãnh đạo mới, tuy còn thiếu kinh nghiệm và vốn liếng chính trị nhưng sẽ làm hài lòng tình cảm của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc.

Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - dự kiến sẽ là tân lãnh đạo của Trung Quốc sau Đại hội Đảng sắp tới

Nhưng lãnh đạo Trung Quốc không phải những kẻ ngốc. Phát biểu cứng rắn là một chuyện nhưng hành động cứng rắn là chuyện khác. Khi nghiên cứu kỹ về ứng xử ngoại giao của Trung Quốc trong 60 năm qua nhận thấy rằng Bắc Kinh đã rất cẩn trọng khi tham gia vào các cuộc tranh giành. Trung Quốc biết chính xác những hạn chế về tiềm lực quân sự, lãnh đạo Trung Quốc tránh tham gia vào những cuộc chiến mà chắc chắn sẽ bị thua.

Nếu áp dụng cách nhìn nhận này để dự đoán về những ứng xử của Trung Quốc trong những năm tới, điều duy nhất chắc chắn về Trung Quốc là không có gì chắc chắn!

Sự tự tin đến từ nền kinh tế vững mạnh và tình hình nội địa tương đối ổn định sẽ biến mất cùng với những tuyên bố sô-vanh mang tính áp đặt. Thách thức nhiều mặt với giới lãnh đạo mới - khả năng kinh tế đình đốn, bất ổn xã hội, giới lãnh đạo thiếu thống nhất và sự trỗi dậy của lực lượng thúc đẩy dân chủ - sẽ khiến giới lãnh đạo Trung Quốc rối trí và giảm khả năng chính trị để duy trì các nguyên tắc trong chính sách đối ngoại. Tác động từ những vấn đề từ bên trong tất nhiên sẽ dẫn tới những hành xử khó đoán của giới lãnh đạo Trung Quốc, khiến các nước láng giềng và phần còn lại của thế giới phải lo lắng và lúng túng vì Trung Quốc.


Khôi Nguyên
Theo Petrotimes

  • Trung Quốc đối mặt với bất ổn
  • Giới trẻ Trung Quốc bạo tay vay tiền mua sắm
  • Singapore vẫn “nhất thế giới” về môi trường kinh doanh
  • Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu khởi sắc
  • Tiền đang đổ về châu Á
  • Chung cư mini, cứu tinh của kinh tế Trung Quốc?
  • Bất ngờ với sang trọng và hoành tráng của Triều Tiên
  • Doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc gặp rắc rối