Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc đối mặt với bất ổn

Liên tiếp những dấu hiệu suy thoái kinh tế cùng với sự khai mạc muộn hơn dự kiến của Đại hội Đảng toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) tại Bắc Kinh cho thấy một sự bất ổn mang tính hệ thống rất đáng lo ngại ở Trung Quốc.

 

Và khi mà Trung Quốc đứng trước những thách thức kinh tế và địa chính trị, họ có thể sử dụng những phương thức mới để thực thi các mục tiêu chính sách đối ngoại.

Những biến động chính trị, rắc rối kinh tế và sự gia tăng quyền lực tương đối của Trung Quốc sẽ có những ảnh hưởng to lớn và lâu dài đến quan hệ của nước này đối với láng giềng và những cường quốc có thái độ quan ngại trên thế giới. Sự "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc chỉ có thể được bảo đảm trong một môi trường ổn định trong nước cùng với sự tôn trọng của quốc tế.

CCP dự kiến khai mạc Đại hội lần thứ 18 vào ngày 8/11, muộn hơn so với kế hoạch ban đầu là giữa tháng 10. Điều này cùng với vụ bê bối làm rúng động hàng ngũ lãnh đạo cấp cao là những dấu hiệu tiềm tàng cho thấy sự bất ổn chính trị thực sự. Vụ việc Bạc Hy Lai đã làm xấu đi hình ảnh của một CCP thống nhất trong cuộc chuyển giao quyền lực giữa hai thế hệ sau một thập kỷ. Mới đây, Bạc Hy Lai đã bị khai trừ khỏi đảng và đang đứng trước nhiều cáo trạng hình sự. "Mô hình Trùng Khánh" của ông trong nỗ lực của chính phủ về tái phân phối của cải trước đó đã nhận được ít nhiều sự ủng hộ của dân chúng giữa lúc khoảng cách thu nhập tại Trung Quốc đang nới rộng.

Bất cứ dấu hiệu ganh đua nào trong đảng cũng có ảnh hưởng thực tế tới chính sách đối ngoại của nước này. Hơn nữa, sự chậm lại tương đối trong tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc có thể tác động xa hơn đến trọng tâm chính sách đối ngoại của nước này.

Để hiểu chính sách đối ngoại của Trung Quốc có thể thay đổi ra sao bởi cuộc chuyển giao trọng đại này trong bối cảnh kinh tế và chính trị hiện nay, cần phải xác định mục tiêu chính của chính sách đối ngoại Trung Quốc là gì.

Có ba lĩnh vực trọng tâm nhất quán trong chính sách đối ngoại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trước hết là thúc đẩy hội nhập kinh tế với mọi quốc gia trên thế giới. Thứ hai là nỗ lực mở rộng khả năng triển khai quyền lực truyền thống. Thứ ba là kiên định bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Song hành với tất cả ba hướng quan trọng này là chủ đề chung mang tên "sự trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc.

Trung Quốc đã có những bước tiến lớn trong 30 năm qua trong việc hội nhập thị trường trong nước với nền kinh tế toàn cầu.  Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của hàng chục quốc gia, từ Nhật Bản và Ấn Độ cho tới Peru hay Angola. Sự hội nhập kinh tế với thế giới đã giúp ích rất lớn cho quá trình phát triển trong nước của Trung Quốc, trong khi mang lại cho giới lãnh đạo một cán cân ngoại giao quan trọng.

Một bài viết gần đây trên tờ China Daily còn tô vẽ hình ảnh Trung Quốc là vị cứu tinh của nền kinh tế toàn cầu:

"Khi phần còn lại của thế giới đang bị tê liệt bởi cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Phố Wall, Trung Quốc đã kịp thời tung ra gói kích thích 4 nghìn tỷ NDT (khoảng 570 tỷ USD), biến mình thành một động lực chính thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Trung Quốc cũng cam kết đóng góp 43 tỷ USD tái cấp vốn cho Quỹ Tiền tệ quốc tế vốn đang rất cần tiền để cứu giúp một châu Âu đang lao đao vì khủng hoảng".

Không thể phủ nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, Trung Quốc đã nổi lên trở thành đàu tàu tăng trưởng và nguồn lực cung cấp vốn không thể thiếu.

Tuy nhiên, sự chững lại trong tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có liên quan trực tiếp đến sự hội nhập sâu rộng của Trung Quốc với thị trường thế giới. Khi mà châu Âu và Mỹ bất ổn kinh tế kéo dài, xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng, những cơn sóng ngầm tác động đến mọi ngành kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng cao bằng cách thúc đẩy sức mua của hàng trăm nhiệu người nghèo nông thôn và thành thị. Thị trường tiềm năng cho các thiết bị tiện nghi như máy giặt, xe điện, máy tính có thể tạo doanh thu nhiều nghìn tỷ USD cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng làm được điều này sẽ là cả một thách thức đối với giới lãnh đạo.

Những biến động chính trị và kinh tế tiềm tàng tại Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách đối ngoại lấy kinh tế làm trung tâm của nước này. Gần như sẽ không có chuyện Trung Quốc bế quan tỏa cảng khỏi thị trường toàn cầu như những thế kỷ trước đây. Tuy nhiên, một xu hướng dân túy hơn trong giới lãnh đạo, hay có thể những cuộc cải cách dân chủ thực sự, có thể mang đến những thay đổi lớn trong cách thức chính phủ Trung Quốc sử dụng khối tài sản khổng lồ thu được thông qua thương mại quốc tế.

Chính sách đầu tư mạnh lượng dự trữ ngoại tệ vào trái phiếu chính phủ Mỹ hiện nay của Trung Quốc không được dân chúng ủng hộ nhiều. Nhiều người dân Trung Quốc cũng không hài lòng không kém với những khoản cho vay lớn của chính phủ cho các quốc gia nghèo. Người lao động và người phải thuê nhà Trung Quốc muốn hàng tỷ USD dự trữ ngoại tệ của nước này phải được đầu tư cho cải thiện giáo dục, cơ sở hạ tầng và chăm sóc y tế ở trong nước. Nếu giới lãnh đạo Trung Quốc bị thực tiễn chính trị mới này tác động và trở nên nhạy cảm hơn với tâm lý chung, nước này có thể không bao giơ trở thành nguồn cung cấp vốn tin cậy đối với cả các nước nghèo và nước giàu.

Lĩnh vực trọng tâm thứ hai trong chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc - triển khai quyền lực truyền thống - cũng sẽ chịu ảnh hưởng của những biến động chính trị và kinh tế. Giới lãnh đạo đã mở rộng đáng kể nguồn lực cho việc củng cố các năng lực quân sự tầm xa. Việc triển khai Hải quân PLA dọc bờ biển Somali trong các chiến dịch chống cướp biển, sự hỗ trợ quân sự ngày một lớn của Trung Quốc cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, và việc hạ thủy tàu sân bay đầu tiên là những minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực này.

Khi tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc chậm lại, chính phủ sẽ muốn tập trung hơn vào việc nâng cấp các năng lực hải quân "biển khơi" và các tài sản quân sự khác. Tăng trưởng kinh tế là nguồn lực chính yếu tạo tính chính danh cho CCP trong ba thập niên qua. Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại, giới lãnh đạo sẽ phải đẩy mạnh các trang thiết bị quân sự hào nhoáng để vực dậy sự ủng hộ chính trị ở trong nước.

Nhưng những khả năng này có thể đã và sẽ được triển khai theo cái cách đe dọa trực tiếp đến các cường quốc lớn khác. Giới lãnh đạo sẽ phải tính toán làm sao đóng một vai trò chủ động hơn trong các sứ mệnh quốc tế giúp củng cố uy tín của Trung Quốc trong khi hạn chế được các rủi ro địa chính trị như các nỗ lực gìn giữ hòa bình và chống cướp biển quốc tế của LHQ.

Trọng tâm thứ ba trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc là nỗ lực kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc. Trong bài phát biểu mới đây nhân dịp kỷ niệm 63 năm thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tái khẳng định cam kết từ lâu của chính phủ với việc "Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ". Chương trình chính sách này có thể sẽ vẫn không thay đổi bất chấp những biến động chính trị và kinh tế bên trong. Tuy nhiên, phương thức Trung Quốc triển khai chính sách để bảo vệ chủ quyền có thể thay đổi nếu xảy ra suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị.

Cuộc khủng hoảng với Nhật Bản xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, cùng các tranh chấp lãnh thổ với Philippine và Việt Nam trên Biển Đông, cho thấy chính phủ Trung Quốc đã theo đuổi lập trường cứng rắn trong việc bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Những tuyên bố này sẽ không thay đổi hay giảm nhẹ đi do những chuyển giao lãnh đạo. Đó là chưa kể, Đài Loan cũng ban hành những chính sách mạnh mẽ liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.

Trong trường hợp xảy ra những đấu đá chính trị lớn hay một cuộc khủng hoảng kinh tế thực sự ở trong nước, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ tiến hành những biện pháp quyế liệt hơn để bảo vệ chủ quyền tự nhận tại các vùng biển tranh chấp. Các cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản gần đây tại các thành phố lớn của Trung Quốc thể hiện rằng người dân Trung Quốc đã sẵn sàng tiếp nhận cách tiếp cận quân sự đối với giải quyết các tranh chấp này hơn giới lãnh đạo. Ngay cả không có những rắc rối kinh tế hay chính trị lớn, chính phủ Trung Quốc cũng đã trở nên hung hãn hơn trong các tranh chấp lãnh thổ đơn giản bởi sứng mạnh tương đối của Trung Quốc đã tăng lên.

Khi giới lãnh đạo muốn bấu víu vào những nguồn lực khác để bảo vệ tính chính danh của mình trước các bất ổn kinh tế, rất có thể Trung Quốc sẽ trở nên ngày càng quyết liệt hơn trên trường quốc tế. Nhưng người ta sẽ không thể tôn trọng Trung Quốc nếu nước này cứ lấy sức mạnh kinh tế, năng lực quân sự hay một quan điểm hung hăng ra để hù dọa nhau trong các tranh chấp lãnh thổ.

 

 

Tác giả: Đình Ngân theo atimes
Theo Tuần Việt Nam

  • Điều gì xảy ra khi kinh tế Trung Quốc suy giảm?
  • Giới trẻ Trung Quốc bạo tay vay tiền mua sắm
  • Singapore vẫn “nhất thế giới” về môi trường kinh doanh
  • Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu khởi sắc
  • Tiền đang đổ về châu Á
  • Chung cư mini, cứu tinh của kinh tế Trung Quốc?
  • Bất ngờ với sang trọng và hoành tráng của Triều Tiên
  • Doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc gặp rắc rối