- Ngày 10-10 đã diễn ra cuộc gặp cấp cao ba bên lần thứ hai, giữa Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Nhật Bản Y-u-ki-ô Ha-tô-y-a-ma và Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (giữa) cùng hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc trước cuộc gặp. Ảnh: Reuters |
Cuộc gặp đã kết thúc với Tuyên bố chung về một loạt vấn đề, trong đó kêu gọi sớm nối lại các cuộc đối thoại đa phương nhằm chấm dứt tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên; cam kết phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế và đối phó với sự biến đổi khí hậu… Diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu chưa thực sự chấm dứt, lại đúng dịp kỷ niệm 10 năm khởi động cơ chế này, cuộc gặp là cơ hội để đánh giá lại sự hợp tác ba bên kể từ năm 1999 đến nay và vạch ra kế hoạch hợp tác trong tương lai. Vì thế, Tuyên bố chung khẳng định: "Duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực Đông Bắc Á, từ đó xây dựng một châu Á hòa bình, hài hòa, cởi mở và thịnh vượng" như một thông điệp cho thấy thời kỳ bất đồng giữa ba nước đang dần nhường bước cho những hợp tác mới hướng đến tương lai.
Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã trở thành "điểm nóng" trong cuộc gặp lần này là dễ hiểu, vì cùng với Nga và Mỹ, cả ba nước này đều là những đối tác không thể thiếu trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt trong bối cảnh những tín hiệu lạc quan vừa phát đi từ Bình Nhưỡng sau chuyến thăm CHDCND Triều Tiên của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Trong đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng In đã lần đầu tiên tuyên bố để ngỏ khả năng trở lại bàn đàm phán sau khi tiến hành cuộc đàm phán song phương với Mỹ đang được cả hai bên trù tính. Vì thế, đây là dịp quan trọng để các nhà lãnh đạo ba bên tìm kiếm tiếng nói chung cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Cùng với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, ý tưởng thành lập Cộng đồng Đông Á (EAC) là chủ đề quan trọng được ba nhà lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Mặc dù chưa có sự thống nhất cuối cùng trong vấn đề này, song với từ ngữ trong Tuyên bố chung rằng: "Ba nước duy trì cam kết phát triển một EAC dựa trên nguyên tắc cởi mở, minh bạch như một mục tiêu lâu dài" đã cho thấy đường hướng của EAC trong tương lai.
Đây không phải lần đầu tiên việc thành lập EAC được các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đưa ra. Gần đây nhất, tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Pít-xbớc (Mỹ) cũng như trong cuộc gặp cấp ngoại trưởng ba nước cuối tháng 9 vừa qua, vấn đề này cũng đã được đề cập. Trong bối cảnh các nền kinh tế Đông Á đang khởi sắc trở lại sau khủng hoảng, trở thành một trong những khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, ý tưởng xây dựng một EAC dường như hoàn toàn phù hợp. Việc thành lập EAC được kỳ vọng không chỉ góp phần tạo dựng một khuôn khổ hợp tác ba bên mới cùng có lợi, mà cộng hưởng của "3 nhà" sẽ góp phần nâng cao vị thế của các nền kinh tế này trên trường quốc tế.
Song con đường đến với EAC vẫn còn không ít gập ghềnh. Bởi giữa ba nước vẫn tồn tại nhiều bất đồng cả trong quá khứ và hiện tại. Trong đó, nổi cộm nhất là các vấn đề về lãnh thổ trên đất liền cũng như biển đảo và sách lịch sử… Đặc biệt trong tương tác chiến lược toàn cầu, việc Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đồng minh quan trọng bậc nhất ở châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ - một đối trọng chính của Trung Quốc sẽ trở thành nhân tố tác động mạnh tới việc hình thành EAC. Thêm vào đó, trong khi Nhật Bản chủ trương EAC gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, 10 nước ASEAN, thậm chí có thể mở rộng kết nạp thêm Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. Trung Quốc lại chỉ có kế hoạch xây dựng cộng đồng gồm 13 thành viên (ASEAN+3); tái khẳng định tuyên bố ASEAN có vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng EAC tương lai.
Rõ ràng ý tưởng thành lập một EAC theo mô hình Liên minh châu Âu (EU) khá thú vị, song đường đi còn không ít gian truân.
(Theo Đình Hiệp // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com