Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

"Gót chân Asin" của kinh tế Trung Quốc

Khi Mỹ và châu Âu phải vật lộn với khủng hoảng nợ thì kinh tế Trung Quốc có vẻ vẫn khỏe mạnh, tuy nhiên mô hình tăng trưởng phụ thuộc quá mức vào đầu tư sẽ khó mà bền vững.

Tốc độ tăng trưởng chóng mặt

Trong khi Mỹ và châu Âu phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ thì nền kinh tế Trung Quốc có vẻ như vẫn khỏe mạnh, tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng mô hình tăng trưởng của quốc gia này phụ thuộc quá mức vào đầu tư và không thể bền vững.

Chiếm giữ lượng dự trữ ngoại hối trị giá 3,2 nghìn tỷ USD và tốc độ tăng trưởng quá nhanh với mức 9,5% trong quý thứ hai, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này dường như đã lướt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo Fraser Howie- đồng tác giả cuốn "Chủ nghĩa tư bản Đỏ: Cơ sở tài chính dễ tan vỡ của sự gia tăng bất thường của Trung Quốc" thì "Rõ ràng là Trung Quốc đang dần có vai trò lớn hơn trong nền kinh tế thế giới, và tốc độ tăng trưởng của quốc gia này cao hơn tốc độ tăng trưởng của các quốc gia đã phát triển".

 Phụ thuộc quá mức vào đầu tư

Tuy nhiên Fraser Howie cho rằng "Kết quả của tốc độ tăng trưởng này là Trung Quốc đang trở nên mạnh hơn, nhưng sức mạnh đó đang đi chệch hướng".

Mô hình tăng trưởng của quốc gia này phụ thuộc quá mức vào đầu tư và không thể bền vững.(Ảnh: Economic Times)

Khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu đánh vào ngành xuất khẩu lớn của Trung Quốc hồi năm 2008-2009, họ đã cấp tín dụng mạnh cho các dự án xây dựng đường quốc lộ, đường cao tốc và bất động sản mới, nhằm kích thích nhu cầu trong nước.

Hiện nay các chuyên gia cảnh báo sự tăng trưởng của Trung Quốc đã phụ thuộc quá mức vào đầu tư.

Theo Patrick Chovanec- Phó giáo sư tại ĐH Thanh Hoa, Bắc Kinh "Nếu bạn quan sát các dự án cơ sở hạ tầng thì sẽ thấy rõ ràng các ngân hàng coi các dự án này là khoản cho vay không rủi ro bởi chúng có sự bảo đảm của chính phủ. Nó cũng góp phần vào sự tăng trưởng nhưng đồng thời cũng gây ra những vấn đề lớn liên quan đến nợ xấu".

Kiểm toán nhà nước tháng trước cho biết, tính đến cuối năm 2010, tổng các khoản vay của các chính quyền địa phương đã lên đến 10,7 nghìn tỷ NDT (1,65 nghìn tỷ USD), cảnh báo nguy cơ một số khoản vay có thể không được hoàn trả đúng kỳ hạn.

Vài ngày sau, tổ chức xếp hạng toàn cầu Moody's cho biết, các cơ quan chức năng có thể đã công bố gánh nặng công nợ giảm nhẹ đi 541,6 tỷ USD, nghĩa là số nợ xấu có thể cao hơn dự đoán trước đó.

Mô hình tăng trưởng không bền vững

Ông Chovanec cho rằng "Vấn đề không thực sự là cuộc khủng hoảng diễn ra vào năm 2009 và ứng phó ban đầu của Trung Quốc với khủng hoảng tài chính, mà vấn đề là từ năm 2010 cho đến nay, quốc gia này đã trở thành một mô hình tăng trưởng mới nhưng đó không phải là một mô hình có thể bền vững".

Hoảng sợ trước vấn nạn lạm phát, Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn dòng tín dụng bằng cách tăng lãi suất, lo sợ giá cả tăng cao có thế gây bất ổn xã hội, đồng thời tăng dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng lên nhiều lần.

Tuy nhiên, giáo sư Michael Pettis tại trường Quản Lý, ĐH Guanghua, Bắc Kinh tin rằng "tăng trưởng của Trung Quốc đã mất cân bằng đến mức sẽ vô cùng khó khăn để họ chuyển sang một mô hình tăng trưởng mới".

Chính phủ đã quy định trong kế hoạch kinh tế mới trong năm năm rằng họ muốn nâng cao vai trò của tiêu dùng trong tăng trưởng kinh tế, bằng cách nâng cao sức mua của người dân và phát triển hơn nữa các dịch vụ và an sinh xã hội.

Nhưng hết tháng này qua tháng khác, các chỉ số kinh tế vẫn cho thấy đầu tư và xuất khẩu tiếp tục tăng nhanh hơn tiêu dùng.

 

Phân bổ nguồn lực yếu kém

Chính phủ có các đòn bẩy mạnh mẽ về mặt sở hữu để điều chỉnh hướng đi của nền kinh tế. Ví dụ, chính phủ kiểm soát phần lớn các công ty lớn trong nước.

Như vậy, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước có khả năng tiếp cận tín dụng cao hơn. Nhưng theo nhiều nhà kinh tế học thì đây là một sự phân bổ nguồn lực yếu kém, bởi khu vực tư nhân cạnh tranh hơn là nguồn tạo ra công ăn việc làm chính của quốc gia này.

Richard McGregor- tác giả cuốn "Đảng Cộng sản: Thế giới bí mật của các nhà cầm quyền Trung Quốc" cho biết: "Các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đã lớn mạnh hơn rất nhiều so với trước đây. Hiện tại quốc gia này đã trở nên hùng mạnh hơn, nhưng tôi không chắc đó là một hiện tượng kéo dài".

Các nhà phân tích hoài nghi rằng liệu một Trung Quốc phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ mới trong thế giới đã phát triển có thể thực hiện các biện pháp khắc phục tương tự như họ đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ông Howie cho rằng Trung Quốc có thể làm tương tự trong trường hợp này - cấp thêm nhiều vốn đề xây dựng những dự án không hữu ích. Nhưng cuối cùng thì việc này chỉ gây lãng phí các nguồn lực và mô hình tăng trưởng này rồi sẽ thất bại.

Theo Lơ Nguyễn

VEF/Economic Times
--------------------------------------------------------

Đọc thêm

Ai có lợi khi kinh tế Trung Quốc thay đổi?
Ngọc Diệp // CFR// CafeF

Trung Quốc đang phải trả giá đắt cho mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại. Chắc chắn Trung Quốc sẽ thay đổi và đối tượng hưởng lợi từ việc này không hề ít.

Liệu các nước châu Á có được gì khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh?

Hiện nay, xét trên nghĩa nào đó, các nền kinh tế châu Á đã hưởng lợi từ tăng trưởng của Trung Quốc: khi nhu cầu hàng hóa của toàn cầu yếu đi, sức mạnh của Trung Quốc với mọi nền kinh tế tại châu Á tăng lên.

Thế nhưng còn một khía cạnh khác của vấn đề: Lãnh đạo Trung Quốc cam kết cân bằng kinh tế nước này, qua thời gian nó đồng nghĩa với một Trung Quốc cạnh tranh và quyền lực hơn, nhiều nước châu Á cũng sẽ có điều kiện phát triển nếu có chính sách đầu tư và sản xuất đúng đắn.

Tại sao lại cần đến thay đổi này? Trung Quốc đang đạt đến ngưỡng giới hạn cao trong mô hình tăng trưởng hiện tại. Trong cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đó, kinh tế Trung Quốc đã vươn lên mạnh hơn so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào. Tuy nhiên lãnh đạo hàng đầu của kinh tế Trung Quốc hiếm khi hài lòng về tương lai tăng trưởng kinh tế của nước này.

Dù đã rất thành công, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã coi mô hình tăng trưởng hiện nay, vốn phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và đầu tư vào tài sản cố định, thiếu cân bằng, ổn định, phối hợp và không bền vững.

Trung Quốc sản xuất nhiều nhưng tiêu thụ ít. Mô hình tăng trưởng kinh tế đặt trọng tâm nhiều vào sản xuất phụ thuộc khá nhiều vào việc phân bổ các dòng vốn. Rất ít người Trung Quốc được hưởng thành quả tăng trưởng của kinh tế nước này và nhóm đối tượng hưởng lợi thực ra đang làm vậy khi người khác phải chịu thiệt.

Chênh lệch tăng trưởng giữa các vùng đồng nghĩa với chất lượng cuộc sống giữa các vùng khác nhau rất nhiều. Trung Quốc cũng phải trả giá đắt về môi trường và năng lượng cho mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào đầu tư này.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã cho thấy mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc dễ chịu tác động bởi việc nhu cầu hàng hóa ở các khu vực khác trên thế giới biến động. Cùng lúc đó, chính sách công nghiệp và tài chính của Trung Quốc cũng gây ra nhiều vấn đề đối với nền kinh tế.

Với những lý do trên, mô hình tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ thay đổi trong những năm tới bởi chính phủ Trung Quốc cố gắng cân bằng giữa sản xuất và tiêu dùng và ngoài ra còn chú trọng vào phát triển nguồn nhân lực.

Đất nước Trung Quốc sẽ được đô thị hóa nhanh hơn. Hoạt động phân bổ vốn có thể chuyển từ các tập đoàn sang hộ gia đình. Khu vực nội địa Trung Quốc sẽ phát triển mạnh hơn. Và các ngành của Trung Quốc sẽ lên cao hơn trong ngưỡng giá trị.

Chi phí lao động tại Trung Quốc tăng cao có thể khiến Indonexia trở thành địa điểm sản xuất hấp dẫn. Kinh tế Indonexia có thể tăng trưởng tốt trong ngắn hạn và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên. Khi nhu cầu hàng hóa tại Trung Quốc tăng cao hơn, công ty Indonexia có thể hưởng lợi bằng cách sản xuất thêm nhiều sản phẩm và bán hàng tại Trung Quốc.

Cũng giống như vậy, Việt Nam, Thái Lan và nhiều nền kinh tế nhỏ khác trong khu vực sẽ đón nhận dòng vốn đầu tư. Lợi thế khu vực và quyền sở hữu trí tuệ có thể giúp Thái Lan hấp dẫn hơn cả, miễn khủng hoảng chính trị không tái diễn.

Người Ấn Độ cũng có thể vui vẻ hơn khi thu nhập và hoạt động sản xuất tại Trung Quốc phát triển. Đồng nhân dân tệ và nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc tăng, Ấn Độ có thể giảm thâm hụt với Trung Quốc trong 5 năm tới. Ngoài ra, Ấn Độ cũng có cơ hội để phát triển ngành sản xuất lên nấc cao hơn trong chuỗi giá trị.


  • Nhật có thể mất đà phục hồi kinh tế
  • Cách tiếp cận chiến tranh của Trung Quốc
  • Đông Nam Á: Ngọa hổ hay tàng long?
  • Trung Quốc lo ngại những tổn thương kinh tế từ Mỹ
  • Trung Quốc sẽ dẫm vào vết chân khủng hoảng của Mỹ?
  • Người Ấn Độ thay đổi cách nhìn đối với vàng
  • Trung Quốc có thể xoay chuyển kinh tế Mỹ bất cứ lúc nào?
  • Campuchia lên kế hoạch xóa bỏ đô la hóa