Trung Đông vốn được biết tới là điểm nóng của thế giới với những bất ổn về chính trị-xã hội kéo dài nhiều năm nay, tuy nhiên, nhiều quốc gia trong khu vực này lại đang là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp châu Âu trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế-tài chính.
Sau 16 năm làm việc cho Morgan Stanley, May Nasrallah nhân viên ngân hàng người Li Băng đã phát hiện ra những tiềm năng của thị trường Trung Đông. Điều đó đã thôi thúc cô rời khỏi Morgan Stanley để đến Dubai xây dựng một công ty tư vấn tài chính riêng của mình. Nasrallah chỉ là một trong nhiều trường hợp của xu hướng chuyển hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tài chính về Trung Đông trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay.
Nơi DN đang tiếp tục sinh sôi
Các ngân hàng toàn cầu bắt đầu đổ xô tới vùng Vịnh trong các năm 2003-2007 nhằm mục tiêu chiếm giữ thêm thị phần tại khu vực giàu tài nguyên năng lượng nhất thế giới này. Tuy nhiên, các ngân hàng này vẫn chưa thể cạnh tranh được với những tập đoàn tài chính giàu có của các quốc gia Trung Đông. Chiến lược xâm lược Trung Đông của các tập đoàn đa quốc gia tỏ ra chưa thu được nhiều hiệu quả trong vài năm trở lại đây, do phải tập trung nguồn lực để giải quyết những khó khăn mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tình trạng suy thoái kinh tế gây ra tại các trung tâm tài chính, kinh tế của thế giới.
Thống kê của Reuters cho biết, doanh thu của 20 ngân hàng quốc tế tại Trung Đông trong nửa đầu năm 2012 chỉ là 234.8 triệu USD, mặc dù đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã giảm đáng kể so với con số 450 triệu trong cùng giai đoạn của năm 2007.
Nhưng trong khi các ngân hàng toàn cầu cắt giảm đầu tư thì những giám đốc ngân hàng dày dạn từng dành nhiều năm bám trụ thị trường Trung Đông vẫn đang tận tâm phục vụ khách hàng và nói rằng họ tìm thấy ở đây nhiều cơ hội kinh doanh bởi họ hiểu rõ sự năng động của thị trường này. Việc khởi động công việc kinh doanh tại Dubai hay Abu Dhabi của Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) cũng đơn giản hơn so với đa số các trung tâm tài chính lớn khác và hơn nữa, họ còn được hưởng lợi từ việc kinh doanh trong các khu vực miễn thuế theo quy định của UAE.
Trong năm 2011, khi nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới chứng kiến sự ra đi của từ những DN nhỏ cho tới nhiều ông lớn thì theo Cơ quan kinh tế phát triển, Dubai đã cấp 14.360 giấy phép kinh doanh mới, tăng 14% so với năm trước.
Pushpak Damodar, một chuyên gia tài chính khác,đã từng làm việc cho chi nhánh quản lý tài sản của Deutsche Bank trước khi thành lập công ty Tư vấn toàn cầu tại Dubai năm 2009. Damodar cho rằng công việc kinh doanh ở Trung Đông khá đơn giản và quan trọng là phải đem lại sự tiện ích tối đa cho khách hàng. Công ty của Damodar cung cấp dịch vụ tư vấn tận nơi cho khách và các dịch vụ nghiên cứu, tham vấn cho những nhà đầu tư tìm kiếm các thị trường mới nổi và rủi ro.Hiện nay, nhiều nhà đầu tư quốc tế đang suy tính lại chiến lược của họ đối với khu vực và tìm kiếm những đối tác tin cậy để đảm bảo rằng họ sẽ không bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng trong tương lai tại đây.
“Thị trường sẽ có bước nhảy vọt trong vài năm tới, nếu bạn không nhảy ngay vào từ bây giờ, bạn sẽ mất đi lợi thế và chậm chân hơn người khác tới 5 năm”, Damodar nói.
Zaid Maleh, Trưởng chi nhánh tại Trung Đông và châu Phi về đầu tư ngân hàng của công ty tài chính VTB, có trụ sở tại Nga đã thành lập công ty tư vấn Dach vào đầu năm nay để tư vấn cho các công ty của Nga trong việc thâm nhập thị trường. Trong số các khách hàng của Dach có tập đoàn tài chính liên doanh của Nga Synergy Innovations, một bộ phận của Đại học Synergy, đại học tư nhân lớn nhất của Nga, đang tìm cách xây dựng một cơ sở tại Trung Đông.
Tiềm năng không chỉ về dầu mỏ
Ông Paul Gamble, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của tập đoàn Jadwa Investment cho biết Dubai đang liên tục thu được lợi nhuận lớn từ ngành du lịch. Trong khi đó, sự phát triển tích cực của lĩnh vực tài chính có thể được nhận thấy khá rõ ở Qatar. Tháng 2 vừa qua, hoạt động tín dụng ngân hàng của nước này tăng 5,3% so với tháng 1 và tăng tới 30,3% so với cùng kỳ năm 2011. Lĩnh vực tín dụng công của Qatar trong tháng 3 năm nay cũng tăng 13% so với tháng trước đó và tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số các nền kinh tế tiềm năng của khu vực, Ả-rập Xê-út là nền kinh tế lớn nhất với thu nhập bình quân đầu người khoảng 25.000 USD (2011), GDP của Ả-rập Xê-út đạt 560 tỉ USD trong năm 2011, dự trữ ngoại tệ đạt 650 tỷ USD, đứng thứ ba sau Trung quốc và Nhật Bản. Kinh tế nước này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2012 mặc dù các chỉ số kinh doanh quý đầu năm nay bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chính trị tại khu vực và căng thẳng giữa Iran và phương Tây. Với khả năng thanh toán cao do có nguồn thu lớn từ dầu mỏ và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa lớn, Ả-rập Xê-út là thị trường tiềm năng cho các DN khai thác và phát triển.
Chi tiêu đầu tư của nước này được dự báo sẽ ở mức tăng cao nhất từ trước đến nay với mức tổng chi tiêu chính phủ sẽ tương đương với 36% của GDP, so với mức trung bình 30,1% trong các năm từ 2003-2008. Khu vực kinh tế tư nhân cũng tăng trưởng ở mức trung bình gần 6% mỗi năm. Bên cạnh tăng trưởng trong chi tiêu chính phủ, sự phục hồi tăng trưởng cho vay của ngân hàng sẽ là một yếu tố quan trọng hỗ trợ cho khu vực tư nhân.
Theo đánh giá của Cơ quan chuyên tổ chức triển lãm mỹ phẩm quốc tế Epoc Messe Frankfurt, khu vực Trung Đông, nhất là Ả-rập Xê-út và UAE là những thị trường mỹ phẩm tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Giá trị của thị trường Ả-rập Xê-út ước tính sẽ đạt 502.9 triệu USD vào năm 2015, tăng 26% sau 5 năm, còn thị trường hàng xa xỉ phẩm của UAE sẽ tăng 26% và đạt 331.3 triệu vào năm 2014 so với 267 triệu USD của năm 2011.
“Có rất nhiều lợi ích mà các nhà đầu tư có thể tìm thấy và đảm bảo cho tương lai của họ. Bạn chỉ cần chọn đúng đối tác đã từng bám rễ ở đây thời gian dài”, Maleh một người Úc gốc Syria nói.
Theo VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com