Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc: Kiếm đậm nhờ đổi hàng cũ lấy hàng mới

“Đổi hàng cũ lấy hàng mới” mang lại lợi ích không chỉ cho khách hàng, doanh nghiệp mà còn cho cả nền kinh tế. Doanh thu khủng được tạo ra nhờ những thứ tưởng chừng như bỏ đi. Đề xuất của chính phủ về chính sách “đổi hàng cũ lấy hàng mới” trong ngành công nghiệp nội thất đang được cân nhắc.


Doanh thu khủng từ ý tưởng không mới

Anh Fang Jianhui, 35 tuổi vừa mua một bộ bàn ăn tại cửa hàng Easyhome Bắc Kinh. Dịch vụ “đổi hàng cũ lấy hàng mới” đã giúp anh Fang tiết kiệm được 800 tệ (126 USD) và “giải quyết” được bộ đồ cũ không dùng đến.

Tập đoàn đầu tư Easyhome Bắc Kinh là một trong những nhà tiên phong cung cấp dịch vụ này từ tháng 9 năm ngoái. Các đối thủ khác trong đó có Jimei Furnishings, Red Star Macalline International Furniture và Real Estate Chain, cũng đưa ra những chính sách tương tự.

Ông Wang Linpeng chủ tịch tập đoàn Easyhome - hãng bán lẻ nhà nước với 49 cơ sở trên khắp cả nước đã thuyết phục phòng thương mại thành phố Bắc Kinh và Bộ Thương mại Trung Quốc thực hiện thí điểm dịch vụ này, xây dựng quy định. Tập đoàn này cũng tiến hành đào tạo nhân viên và tìm kiếm các cơ sở, xí nghiệp có thể giúp họ tái chế những vật dụng cũ từ khách hàng.

Bộ thương mại đã đưa ra đề xuất thúc đẩy dự án này trên khắp cả nước kể từ đầu năm ngoái. Bắc Kinh đã được chọn là thành phố thí điểm triển khai dịch vụ này. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có một chính sách cụ thể nào được ban hành.

Các nhà phân tích cho biết, rõ ràng chính sách của chính phủ là khuyến khích thị trường tiêu dùng sản phẩm nội thất đồng thời tạo cơ sở cho hoạt động tái chế mặt hàng cũ. Tuy nhiên để tạo ra những chính sách thực tiễn, tối ưu và hoàn thiện thì không phải là chuyện dễ.

Ông Tong Jian trợ lý cửa hàng Easyhome tại đường vành đai 4 phía Bắc cho rằng, “Thủ tục trao đổi vô cùng đơn giản". Nếu khách hàng muốn mua sản phẩm và đồng giao lại đồ cũ của mình cho cửa hàng, họ sẽ được giảm 5% giá sản phẩm mới.  Easyhome có trách nhiệm giao sản phẩm đến nhà khách hàng và chuyên chở đồ cũ của khách đến một nhà kho của công ty.

Những món đồ cũ này sẽ được phân ra làm một vài loại. Nếu chất lượng vẫn còn tốt, chúng sẽ trở thành hàng second-hand được bán lại cho những người có nhu cầu. Còn nếu như quá cũ nát thì sẽ được tháo rỡ, những bộ phận có thể tái chế sẽ được bán lại cho các doanh nghiệp với giá cả phải chăng. Còn những thứ bỏ đi sẽ được các tổ chức chuyên nghiệp tiêu hủy theo phương pháp an toàn và thân thiện môi trường.

Từ ngày 10/9/2011 đến 20/5 vừa qua, đã có 30.515 lượt mua bán trao đổi với tổng cộng 53.888 đồ nội thất cũ được chuyển đến 5 cửa hàng Easyhome ở Bắc Kinh. Doanh thu từ những sản phẩm này lên tới 363 triệu nhân dân tệ, chiếm đến 16,8% tổng doanh thu của các cửa hàng này. Từ ngày 1/5 đến 20/5, (đúng dịp mùa mua sắm đồ nội thất), con số này là 35,6%. Easyhome vừa mở rộng dịch vụ tới toàn bộ hệ thống cửa hàng trên cả nước.

Tại tập đoàn Jimei, một số đồ nội thất cũ nhưng vẫn dùng được sẽ được chuyển tới thị trường cho thuê nhà ở tại Bắc Kinh hoặc tặng cho các tổ chức từ thiện. Trong khi đó, không giống như Easyhome, công ty Red Star Macalline lại trả tiền trực tiếp cho khách hàng dựa trên giá trị mặt hàng cũ mà khách hàng mang tới trao đổi.

Mặc dù các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ tỏ ra khá hào hứng với đề xuất này nhưng các nhà chính sách dường như có vẻ vẫn còn rất thận trọng.

Đề xuất của chính phủ về chính sách “đổi hàng cũ lấy hàng mới” trong ngành công nghiệp nội thất đang được cân nhắc sau những thành công của chính sách thay thế thiết bị gia đình được thực hiện từ tháng 9/2009 đến tháng 12/2011.

Cần một chính sách cụ thể

Một chính sách cụ thể và chính thức dự tính sẽ được đưa ra trong tháng 7, tuy nhiên nổi lên hàng loạt vấn đề và lo ngại.

"Chính sách nên dựa trên hoặc mức giá được ghi rõ ràng của sản phẩm mới hoặc trên định giá chất lượng sản phẩm cũ. Tuy nhiên, khi mua những sản phẩm không được ghi giá, người tiêu dùng Trung Quốc thường có thói quen mặc cả. Hơn nữa lại không có những quy định thống nhất và rõ ràng, cụ thể về việc định giá trị mặt hàng cũ", ông Huang Weiye, chủ tịch hiệp hội công nghiệp nội thất Thâm Quyến cho hay.

Ông Wang Wei, một Giám đốc khu vực của tập đoàn Red Star Macalline cho biết, việc xác định tiêu chuẩn năng lực của các nhà tái chế cũng là một thử thách. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm này: chính phủ, các nhà sản xuất nội thất hay các nhà bán lẻ?

Zhao Jianguo, Chủ tịch tập đoàn Jimei Furnishings cho biết, công ty của ông đang có kế hoạch đầu tư 10 triệu nhân dân tệ cho dịch vụ “đổi hàng cũ lấy hàng mơi” trong năm nay. Số tiền này sẽ được chi tiêu cho việc chuyển đổi sản phẩm cũ, chi phí nhà kho và phí trả các công ty, đơn vị tái chế sản phẩm cũ". Ông cũng thừa nhận, những chính sách ưu đãi cũng như trợ cấp của chính phủ đối với các dịch vụ liên quan về dài hạn sẽ là rất cần thiết.

Du Fangmin, một nhân viên nhà nước tại Bắc Kinh nói, chị quan tâm đến hiệu quả của chính sách “đổi hàng cũ lấy hàng mới”. Nếu giá cả được ghi rõ ràng, các doanh nghiệp thường cố tình ghi mức cao hơn để bù lại các khoản chi phí mà họ phải bỏ ra để tái chế sản phẩm.

Chính sách này sẽ không ảnh hưởng đến dự định sắm sửa của cô. “Nhưng nếu tôi thực sự muốn mua một sản phẩm nội thất mới, thì một chính sách có lẽ sẽ tốt hơn là không có gì”, cô Du cho biết.

(Theo VEF)

  • Trung Quốc và Ấn Độ trước thách thức tăng trưởng
  • Trung Quốc đang đối diện nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn diện?
  • Phía sau sự đi xuống của thị trường hàng xa xỉ ở Trung Quốc
  • Châu Á trước vòng xoáy suy giảm tăng trưởng
  • Những sòng bạc bậc nhất ở Macau
  • GDP quý 2 của Trung Quốc tăng chậm nhất trong 3 năm
  • Kinh tế Nhật sẽ “quật khởi” nhờ rượu sake?
  • Mỹ -Trung: Đối đầu hay đối thoại