Thiếu Lâm tự nổi tiếng là một trong những cái nôi của võ học Trung Quốc. |
Ngôi chùa Thiếu Lâm nằm ở xã Đăng Phong, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) từ lâu đã nổi tiếng, đặc biệt là sau bộ phim cùng tên ra mắt hồi đầu những năm 1980. Tuy nhiên, gần đây, ngôi chùa này lại trở thành một điểm nóng tranh luận xung quanh vấn đề "tôn giáo bị thương mại hóa".
Chùa Thiếu Lâm được xây dựng vào năm 495. Cũng như hầu hết các ngôi chùa khác ở Trung Quốc, Thiếu Lâm tự đã bị hủy hoại nặng và phải đóng cửa vào thời Cách mạng Văn hóa (1966 - 1976). Ngôi chùa đã được khôi phục lại mặc dù không còn là một nơi thờ Phật đúng nghĩa như nhiều người mong đợi.
Theo hãng tin BBC, ngôi chùa Thiếu Lâm không chỉ nổi tiếng vì có lịch sử 1.500 năm, mà còn bởi đây là chiếc nôi của môn phái võ Thiếu Lâm từ hơn ngàn năm qua. Câu chuyện về các nhà sư tập võ tại ngôi chùa cổ kính này luôn là chủ đề hấp dẫn của nhiều bộ phim võ thuật Hồng Kông và Trung Quốc.
Tuy nhiên, giờ đây, các nhà sư ở chùa Thiếu Lâm đang tham gia đủ mọi hoạt động kinh doanh, từ quảng cáo tìm nhân tài cho tới trình diễn võ thuật, nghệ thuật với các tour khắp thế giới, thậm chí là mở trường dạy võ. Tất cả những hoạt động kinh doanh này đã được bắt đầu, kể từ khi hòa thượng Thích Vĩnh Tín trở thành trụ trì ngôi chùa vào năm 1999.
Hòa thượng Thích Vĩnh Tín (tên thật là Lưu Vĩnh Thành), quê ở An Huy. Ông là một nhà sư nổi tiếng ở Trung Quốc. Hòa thượng Thích Vĩnh Tín đã đi máy bay tới nhiều nơi trên thế giới để quảng bá cho Thiếu Lâm. Ông cũng là nhà sư Trung Quốc đầu tiên có bằng quản trị kinh doanh kiểu Mỹ, MBA.
Tuy nhiên, ý tưởng biến Thiếu Lâm tự, ngôi chùa được xây dựng vào năm 495 này, thành điểm kiếm tiền kiểu Mỹ của hòa thượng Thích Vĩnh Tín, đã trở thành tâm điểm của sự chỉ trích, cho dù ông từng tuyên bố: “Chùa Thiếu Lâm là chiếc nôi của võ thuât vì thế chúng ta phải có trách nhiệm lớn trong việc quảng bá võ thuật”.
Giáo sư Chu Hiếu Chính của trường Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh. Giáo sư Chính cho rằng, Thiếu Lâm tự đã đi quá xa trên con đường tìm kiếm lợi nhuận. "Không nên điều hành ngôi chùa như một doanh nghiệp", ông nói. Theo giáo sư, "chùa chiền phải là nơi để các tín đồ tới gửi gắm tâm linh. Biến chùa thành chỗ kiếm tiền là hoàn toàn sai trái".
Phản bác lại quan điểm này, hòa thượng Thích Vĩnh Tín cho rằng, chỉ bằng cách đón nhận thế giới bên ngoài và làm tốt nhất để sử dụng nguồn lực của chùa Thiếu Lâm thì mới có thể duy trì và phát triển môn võ học ở đây.
Ông Hoàng Hạ Niên thuộc tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo của Trung Quốc, thì cho rằng, kinh tế luôn là một phần quan trọng cho sự sống còn và phát triển của đạo Phật, do đó Phật giáo tại Trung Quốc luôn chú ý chăm lo tiềm lực nội bộ của mình. Theo giáo sư Chu Hiếu Chính, Thiếu Lâm tự không cần phải thương mại hóa vì bản thân chùa đã tự sống được nhờ tiền cúng viếng.
Tuy nhiên, một nhà bình luận sống ở Mỹ có tên là Trần Phá Không cho rằng, không hề có cái gọi là "văn hóa hiến tặng" ở Trung Quốc. "Người Trung Quốc có đầu óc thực tiễn và không quen cúng dường lớn cho các hoạt động tôn giáo. Chùa Thiếu Lâm sẽ không thể tồn tại được nếu chỉ dựa vào tiền cúng viếng", ông Không tranh luận.
Theo nhà bình luận này, không có gì sai khi chùa Thiếu Lâm tự thu tiền dạy võ cho những ai thích họ, nhưng nhà sư Thiếu Lâm phải chọn đúng ưu tiên. Họ nên coi dạy võ và hoằng dương Phật giáo là ưu tiên hàng đầu, chứ không phải là chỉ lo kiếm tiền.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com