Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Trung Quốc: “Lành ít, dữ nhiều”

“Tuần báo kinh tế Trung Quốc” dẫn lời các “nhà tiên tri” trong và ngoài nước cảnh báo rằng bất chấp tình hình phát triển vẫn rất ngoạn mục và năng động, kinh tế Trung Quốc đang tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ.

“Tuần báo kinh tế Trung Quốc” số ra ngày 16/8/2011 viết: “Trong 30 năm qua, nhiều nhà kinh tế đã dự đoán về nguy cơ khủng hoảng, thậm chí dự báo sụp đổ của kinh tế Trung Quốc, nhưng rốt cuộc tất cả dự báo này đều không đúng sự thật. Tuy nhiên trong bối cảnh hai đối tác kinh tế lớn nhất của Trung Quốc là EU và Mỹ bỗng nhiên lâm vào khủng hoảng nợ công, thì những dự báo hiện nay đối với kinh tế Trung Quốc ‘lành ít dữ nhiều’ ngày càng tăng lên. Ngay cả những nhân vật nổi tiếng luôn đánh giá cao kinh tế Trung Quốc như Nouriel Roubini, George Soros cũng đã bày tỏ lo ngại về những nguy cơ đang ập đến với nền kinh tế Trung Quốc.”

Thời gian qua, “Tuần báo kinh tế Trung Quốc” đã tiến hành một loạt các cuộc phỏng vấn và tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế mang tên “Liệu kinh tế Trung Quốc có hạ cánh bằng bụng?” để thu thập những ý kiến đánh giá và quan điểm của các nhà kinh tế có tên tuổi về vấn đề này. Trong số này có nhà kinh tế nổi tiếng Mỹ Nouriel Roubini và trùm tài phiệt George Soros.

Nhà kinh tế nổi tiếng Nouriel Roubini là người đã dự báo chính xác từng giai đoạn của cuộc  khủng hoảng tín dụng thứ cấp năm 2008 ở Mỹ. Bởi vậy, ông được mệnh danh là “Tiến sĩ ngày tận thế” và dự báo của ông mang ý nghĩa lớn đối với Trung Quốc. Tiến sĩ Roubini nói: “Trong tình hình đổ tiền đầu tư quá mức, hiện tượng dư thừa xuất hiện và con tàu kinh tế Trung Quốc sẽ phải phanh gấp. Hiện nay, rất nhiều lĩnh vực và ngành nghề đang đầu tư thái quá. Từ đó sẽ nảy sinh quá nhiều các khoản nợ xấu, trái phiếu chính phủ tăng lên không thể thanh toán. Hậu quả là khủng hoảng nợ công sẽ xảy ra”.

Theo nhà kinh tế Roubini, các “Kế hoạch 5 năm” trước đây của Trung Quốc đều nhấn mạnh phải tăng tỉ lệ tiêu dùng trong GDP, nhưng kết quả đều ngược lại: 1990 tỉ lệ tiêu dùng chiếm 50% GDP nay tụt xuống chỉ còn 35%. Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 hiện nay cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự. Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một loạt cải cách, nhưng đều vấp phải sựu cản trở của nhân tố chính trị. Bởi vì, những cải cách này đều đụng chạm tới lợi ích của các phe nhóm trong xã hội, đặc biệt là các “tập đoàn lợi ích” có đại diện là các quan chức trong bộ máy công quyền. Những tập đoàn này đã tìm cách vận động ở  trong và ngoài quốc hội nhằm hạn chế “tác hại” của những cải cách này. Đây là điều đáng lo ngại.

Nhà kinh tế Roubini cho rằng Trung Quốc cần tiến hành một loạt cải cách kinh tế như cải cách chính sách tỉ giá, cải cách tiền lương, cải cách thị trường tiền vốn... Thông qua các cải cách này, Trung Quốc tìm cách thu hẹp cái hố ngăn cách giàu-nghèo, tăng thu nhập cho người dân, từ đó mới có thể nâng cao được tỉ lệ tiêu dùng trong GDP. Nếu những cải cách này không thành công, e rằng tới một ngày nào đó doanh nghiệp muốn đầu tư cũng không làm nổi. Lúc đó cho dù chính phủ không “nhấn chân phanh” khẩn cấp thì tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ chậm lại.
    
Nhà tài phiệt George Soros cũng tán thành quan điểm trên của ông Roubini và  rất lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu bóng xà phòng.

Nhà kinh tế học nổi tiếng Trung Quốc Ngô Kính Liễn nói kinh tế thị trường của Trung Quốc “không phải  chững lại mà đang thụt lùi”. Điều này thể hiện rất rõ qua tình trạng lũng đoạn, độc quyền đang tăng lên. Hiện tượng “quốc tiến, dân lùi” (tức là doanh nghiệp quốc doanh bành trướng, choán hết không gian của kinh tế tư nhân, trong khi không gian phát triển của kinh tế tư nhân ngày càng bị thu hẹp) đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội hài hòa ở Trung Quốc. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn trong nền kinh tế Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là các “tập đoàn lợi ích” trong xã hội có đại diện là các quan chức trong bộ máy công quyền không muốn cải cách.

Một số các nhà kinh tế có chung quan điểm với Ngô Kính Liễn và bổ sung tài chính của nhà nước là có hạn và không thể trở thành “lính cứu hỏa” chữa cháy cho các doanh nghiệp. Cho dù nhà nước có chi ra tới hàng chục ngàn tỉ nhân dân tệ cũng không thể cải thiện được cơ chế thị trường đã bị bóp méo hiện nay do đã tích tụ quá nhiều vấn đề trong thời gian dài.

Vấn đề tồn tại lớn nhất của kinh tế Trung Quốc hiện nay là cơ cấu không hợp lý, phát triển kinh tế theo kiểu “ỷ lại” vào nhà nước. Đây chính là vấn đề cốt lõi khiến cho đến một lúc nào đó, con tàu kinh tế Trung Quốc buộc phải phanh gấp.

Trưởng ban kinh tế Cao Đức Tín của Ngân hàng ngoại hối Đông Phương nói: “Hiện nay một số nhà kinh tế nước ngoài cho rằng tăng trưởng GDP của kinh tế Trung Quốc là giả tạo, bởi vì sự tăng trưởng này chủ yếu dựa vào nhân tố nhà nước đổ tiền đầu tư. Điều này khiến cho tăng trưởng khó bền vững. Loại hình kinh tế quốc doanh đã làm cho nợ công của các địa phương tăng lên. Diễn biến hiện nay của kinh tế Trung Quốc rất giống diễn biến thời gian đầu xảy ra khủng hoảng nợ công ở Mỹ, EU và Nhật Bản. Những nguy cơ tồn tại ở Trung Quốc cũng tương tự như các nước này và cuối cùng tất yếu sẽ xảy ra khủng hoảng.”

Giám đốc Trương Xuân của Học viện tiền tệ - Đại học Giao thông Thượng Hải nói: Diễn biến kinh tế Nhật Bản trước khi rơi vào ‘10 năm trì trệ’ rất giống tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay. Khi GDP bình quân đầu người xấp xỉ với Mỹ thì kinh tế Nhật Bản xảy ra vấn đề kết cấu kinh tế không hợp lý, nhưng họ chủ quan không tiến hành điều chỉnh sớm. Nếu còn tỉnh táo,  thì ngay từ bây giờ, Chính phủ Trung Quốc phải bắt tay tiến hành điều chỉnh. Sau 8-10 năm nữa sẽ là quá muộn. Nếu tình trạng lạm phát từ 5% - 6% kéo dài trong thời gian một năm thì kinh tế Trung Quốc sẽ có vấn đề lớn. Nếu không kịp thời giải quyết vấn đề này thì triển vọng phát triển kinh tế Trung Quốc không có gì lạc quan”.

“Tuần báo kinh tế Trung Quốc” cho biết trong hội thảo này, một số nhà kinh tế khác nêu ra một số tình huống có thể dẫn tới buộc phải “phanh gấp” con tàu kinh tế Trung Quốc:

- Tăng trưởng GDP dưới 8%, lạm phát  5%. Tình trạng này có thể xảy ra trong năm 2013.
- Tăng trưởng GDP  dưới 7%, lạm phát  từ 5% - 6%.

- Tăng trưởng GDP dưới 6%, lạm phát 5% -7% dứt khoát phải phanh gấp.

“Tuần báo kinh tế Trung Quốc” cho rằng những ý kiến của các “nhà tiên tri” nói trên là rất chân thành và cầu thị. Họ đã rung hồi chuông báo động giúp Trung Quốc tránh sa vào “vết xe đổ” của các nước Âu Mỹ, khi nước này vẫn còn thời gian để xử lý những nguy cơ đang tiềm ẩn trong nền kinh tế hiện nay.

Tuyên bố trách nhiệm:Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

(tamnhin)