Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Malaysia: Chảy máu chất xám kìm hãm sự phát triển

Một góc Kuala Lumpur. (Ảnh: Internet)
Nhà kinh tế cấp cao Philip Schellekens thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, nếu có một môi trường đầu tư, sự đổi mới và nguồn nhân tài như của Singapore, chắc chắn vốn đầu tư nước ngoài mà Malaysia thu hút được sẽ gấp năm lần mức hiện nay.

Di trú đang là một hiện tượng đáng lưu tâm ở Malaysia, không chỉ phần đông người Malaysia gốc Hoa mà cả người gốc Ấn cũng muốn di cư. Hiện đang có tới hơn một triệu người Malaysia sinh sống ở nước ngoài, thêm vào đó, các chính sách ưu đãi đối với người Hồi giáo bản địa đang kìm hãm nền kinh tế phát triển, gây chảy máu chất xám và hạn chế nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Các vấn đề điều hành của chính phủ cũng như thiếu chính sách đãi ngộ người tài là những trở ngại căn bản đối với sự phát triển của Malaysia vì cạnh tranh là nhân tố thúc đẩy đổi mới. Bất bình đẳng xã hội cũng là một trong ba lý do hàng đầu đứng đằng sau tình trạng chảy máu chất xám của nước này.

Điển hình của sự bất bình đẳng ở đây được thể hiện trong giáo dục đào tạo đại học, trong đó cộng đồng người không phải gốc Mãlai khó được nhận học bổng và tỉ lệ được vào học tại các trường đại học cũng rất hạn chế. Đông người Malaysia ra nước ngoài học đại học cho thấy rằng tuổi di cư cũng trẻ hơn, khi ngày càng nhiều người dưới 23 tuổi rời nước ra đi.

Một cuộc thăm dò dư luận đối với những người Malaysia đang sống ở nước ngoài do WB tiến hành hồi tháng Hai cho thấy 66% người được hỏi ý kiến nói rằng cơ hội việc làm tốt hơn, mức lương cao hơn và công bằng xã hội là những nguyên nhân giữ chân họ ở lại.

Nhiều người khẳng định họ chỉ trở về nếu chính phủ chuyển đổi các chính sách dựa trên chủng tộc sang chính sách hành động dựa trên nhu cầu.

Theo kết quả điều tra dân số của Singapore hồi năm ngoái, hiện có tới 385,9 cư dân là người Malaysia, chiếm tới 47% lực lượng lao động nước ngoài có học vấn tại nước này, trong đó, số người gốc Hoa chiếm tới gần 90%.

Tăng trưởng kinh tế của Malaysia đã giảm 4,6% trong thập kỷ qua so với 7,2% trước đó. Thủ tướng Najib Razak cũng đã nới lỏng một số chính sách để hút vốn nước ngoài, trong đó có bãi bỏ quy định các nhà đầu tư bản địa được nắm giữ 30% vốn của các công ty nước ngoài đầu tư vào Malaysia.

Năm ngoái Thủ tướng Najib cũng đã công bố Chương trình chuyển đổi kinh tế, theo đó chính phủ đã thông qua các dự án trị giá 444 tỷ USD từ xây dựng đường xe lửa cho tới nhà máy điện hạt nhân.

Tuy nhiên, để chương trình này đạt hiệu quả, và tham vọng trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2020 thành hiện thực, Malaysia cần phải chú trọng tới chính sách thu hút nhân tài và nâng cao trình độ tay nghề lực lượng lao động của họ./.
 
Thanh Thủy/Kuala Lumpur (Vietnam+)

  • Thế giới sẽ ra sao, khi Nhật Bản dời đô?
  • Iraq muốn chiếm “ngôi” nước xuất khẩu dầu mỏ số 1 của Saudi Arabia
  • Trung Quốc cấm xuất khẩu dầu diesel
  • “Tiến sỹ tận thế” N. Roubini báo động về kinh tế Trung Quốc
  • Khi Trung Quốc không còn là “công xưởng thế giới”
  • Những bài học về an toàn hạt nhân chưa bao giờ cũ
  • Singapore nỗ lực thu hút thêm nhiều quỹ đầu cơ thế giới
  • Trung Quốc: Gian nan trong cuộc chiến chống lạm phát