Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỹ -Trung: Đối đầu hay đối thoại

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn mà một ngày nào đó có thể dẫn tới chiến tranh.

Vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tiết lộ, đến năm 2020, 60% hải quân Mỹ sẽ được triển khai đến Thái Bình Dương. Tháng 11 năm ngoái, tại Australia, Tổng thống Obama cũng đã tuyên bố thành lập một căn cứ quân sự của Mỹ trên nước này, đồng thời không ngần ngại chỉ trích gay gắt Trung Quốc với tuyên bố rằng Mỹ sẽ "tiếp tục nói chuyện thẳng thắn với Bắc Kinh về tầm quan trọng của việc duy trì các chuẩn mực quốc tế và tôn trọng quyền con người phổ quát của người dân Trung Quốc".

Các mối nguy hiểm tồn tại trong diễn biến chính sách của Mỹ, Trung Quốc và khu vực hiện nay  được đề cập trong tác phẩm "Lựa chọn trước Trung Quốc: Tại sao Mỹ nên chia sẻ quyền lực", một cuốn sách sắp ra mắt quan trọng của chuyên gia quan hệ quốc tế người Úc Hugh White. Như ông viết, "Washington và Bắc Kinh đang mặc nhiên lao vào một cuộc đối đầu". Để tránh được điều này, White cho rằng cần có một "bản hòa tấu giữa các cường quốc" ở châu Á, như là cách tốt nhất - và cũng có lẽ là duy nhất - để có thể tránh khỏi cuộc đụng độ sắp diễn ra. Cơ sở kinh tế của một bản hòa tấu, hay thỏa thuận, như vậy giữa Mỹ và Trung Quốc đã tồn tại.

Nguy cơ xung đột không bắt nguồn từ tham vọng lãnh đạo thế giới của Trung Quốc. Ngoài Đông Á, Bắc Kinh vẫn kiên trì chính sách rất thận trọng, tập trung vào các lợi thế thương mại thay vì các yếu tố quân sự. Điều này một phần vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa hiểu rằng sẽ phải mất nhiều thập niên cùng những khoản đầu tư khổng lồ cho hải quân nữa mới có thể cho phép nước này nổi lên trở thành một thách thức toàn cầu đối với Mỹ. Ngay cả khi đó, khả năng thất bại cũng còn rất lớn.

Tại Đông Á, mọi chuyện đã rất khác. Trong phần lớn chiều dài lịch sử, Trung Quốc chi phối hoàn toàn khu vực. Khi trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc chắc chắn sẽ muốn tìm lại ánh hào quang đó.

Mặc dù Trung Quốc chưa thể xây dựng các lực lượng hải quân đủ sức thách thức Mỹ tại các vùng biển xa, nhưng sẽ là bất ngờ nếu trong tương lai nếu Trung Quốc không thể tạo ra các tên lửa và không quân đủ để ngăn chặn Mỹ tiếp cận các vùng biển bao quanh mình.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng đang tham gia các tranh chấp với các nước khác trong khu vực về chủ quyền một số hòn đảo - các tranh chấp trong đó tinh thần chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc có vai trò rõ ràng.

Chính phủ Trung Quốc đang trông cậy rất lớn vào chủ nghĩa dân tộc như một sự hỗ trợ lý tưởng cho những quyết định của mình - và họ đã rất thành công. Vấn đề ở đây là nếu đụng độ nổ ra xung quanh các hòn đảo này, Bắc Kinh có thể sẽ ở vào vị trí không thể nhượng bộ nếu không muốn gây hại nghiêm trọng đến tính chính danh trong vai trò lãnh đạo đất nước của chính phủ hiện nay - giống như vị trí của các cường quốc châu Âu vào năm 1914.

Trong các tranh chấp này, chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc xung đột với các chủ nghĩa dân tộc khác. Tinh thần phản đối Trung Quốc của một số nước trong khu vực ngay lập tức trở thành tài sản lớn nhất và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với Mỹ. Điều đó có nghĩa là, hầu hết các nước láng giềng của Trung Quốc đều muốn Mỹ duy trì hiện diện quân sự tại khu vực.

Theo lý do của tác giả White, ngay cả khi Mỹ phải rút lui, vẫn rất ít có khả năng rằng những nước này sẽ ngoan ngoãn quy phục sự bá quyền của Trung Quốc.

Nhưng nếu Mỹ phải cam kết một liên minh quân sự với các nước này để chống lại Trung Quốc, Washington sẽ có nguy cơ tự đẩy mình vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ này. Trong trường hợp xảy ra đụng độ quân sự giữa các nước với Trung Quốc, Washington phải lựa chọn hoặc là đứng ngoài cuộc và để cho uy tín của mình với tư cách là một đồng minh bị phá hủy, hoặc là chiến đấu với Trung Quốc.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều khó tốc chiến tốc thắng trong cuộc chiến nhiều hậu quả này, và chắc chắn sẽ gây thiệt hại thảm khốc cho nhau và cho nền kinh tế thế giới. Nếu xung đột leo thang thành cuộc đáp trả hạt nhân, nền văn minh hiện đại sẽ bị chôn vùi. Thậm chí chỉ cần cuộc đối đầu quân sự và chiến lược với một Trung Quốc mạnh về kinh tế này kéo dài sẽ gây suy yếu nghiêm trọng đến vị thế toàn cầu của Mỹ. Thực tế, việc Mỹ bị kéo quá căng đã thể hiện rất rõ - ví dụ như sự bỏ bê của Washington đối với các nhà nước Trung Mỹ.

Để tránh điều này, White gợi ý tại Đông Á sẽ thiết lập đường màu đỏ mà Mỹ và Trung Quốc sẽ không vượt qua - đáng chú ý nhất là đảm bảo chắc chắn không sử dụng vũ lực nếu không được sự chấp thuận của bên kia hay trong trường hợp rõ ràng cần sự phòng thủ. Nhạy cảm nhất là, trong khi Trung Quốc phải từ bỏ việc sử dụng vũ lực đối với Đài Loan, Washington gần như chắc chắn cam kết công khai ủng hộ việc thống nhất Đài Loan với Trung Quốc.

Một điểm quan trọng không kém,Trung Quốc phải thừa nhận tính hợp pháp trong sự hiện diện của Mỹ tại Đông Á, bởi điều này đáp ứng nguyện vọng của các quốc gia Đông Á và Mỹ sẽ phải thừa nhận trận tự chính trị hiện nay của Trung Quốc, bởi nó đã tạo ra những đột phá về kinh tế và củng cố đáng kể sự tự do thực sự của người dân Trung Quốc.

Theo lập luận của White, một bản hòa tấu quyền lực như vậy giữa Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực sẽ khó có thể dàn xếp được, đến mức nó sẽ gần như không đáng xem xét nếu các lựa chọn thay thế không đến nỗi tệ". Nhưng như cuốn sách của ông chỉ ra, các lựa chọn khác sẽ cũng có thể là thảm họa.
--------------------------------
Tác giả: Đình Ngân theo nytimes.com // Nguồn: Tuần Việt Nam

  • Anatol Lievenlà giáo sư Khoa Nghiên cứu chiến tranh tại Đại họcCollege London và thành viên cấp cao của Quỹ New America Foundation tại Washington.

  • Điện hạt nhân: Cứu cánh kinh tế Nhật Bản?
  • Trung Quốc ngày càng nhiều “tàu ma”
  • Những thay đổi khác thường ở Triều Tiên
  • Người Trung Quốc mê hàng hiệu 'fake' và đồ nhái
  • Malaysia: Đi lên từ thương mại hóa R&D
  • Kinh tế Triều Tiên bất ngờ khởi sắc
  • Kinh tế Trung Quốc: Voi cưỡi xe đạp lao dốc?
  • Năm dấu hiệu chứng minh kinh tế Trung Quốc tụt dốc