Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Malaysia: Đi lên từ thương mại hóa R&D

Ngay từ năm 1986, Malaysia đã xác định công nghệ là một trong những nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu bắt đầu được khuyến khích từ năm 1991 trong kế hoạch phát triển lần thứ 6 của Malaysia (1991-1995), nhấn mạnh vào các chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ phải định hướng thị trường hơn nữa và tạo ra các sản phẩm có thể thương mại hóa.
 
Các kế hoạch lần thứ 7 (1995-1999), 8 (2000-2005), 9 (2006-2010) của Malaysia tiếp tục đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong các cơ sở nghiên cứu và các doanh nghiệp ở Malaysia. Kết quả là những nỗ lực cải cách không ngừng đã và đang thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu của Malaysia ngày càng phát triển, đưa Malaysia trở thành quốc gia đạt được thành công trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

R&D ở Malaysia


Malaysia là quốc gia có tiềm năng nghiên cứu-phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu thống kê của Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), trong giai đoạn 2006-2010, Malaysia là nước đứng thứ hai chỉ sau Singapore ở Đông Nam Á về số lượng bằng sáng chế (Bảng 1).

Bảng 1: So sánh số lượng văn bằng sở hữu trí tuệ được cấp trong giai đoạn 2006-2010 của các nước ở Đông Nam Á

Hạng

Nước

Dân số (triệu người)

Số bằng sáng chế 2006-2010

1

Singapore

4,8      

2496

2

Malaysia

27,9

877

3

Thái Lan

68,1

206

4

Philippines

93,6

143

5

Indonesia

232

74


(Dân số: nguồn BBC, số bằng sáng chế: nguồn USPTO)

Số liệu trên cho thấy khả năng nghiên cứu sáng tạo ra các tài sản trí tuệ của Malaysia là rất tốt. Đây chính là tiền đề để hoạt động thương mại hóa dưới hình thức chuyển giao/li-xăng công nghệ hay thành lập các công ty công nghệ mới được phát triển. Tuy nhiên, các loại tài sản trí tuệ như các bằng sáng chế chỉ là những sản phẩm công nghệ ban đầu và những sản phẩm này không chắc chắn có thể đưa ra được thị trường. Trên thực tế hoạt động thương mại hóa của Malaysia vẫn đang gặp nhiều trở ngại và vẫn đang trong quá trình tìm kiếm các giải pháp tối ưu để phát triển.

Những rào cản

Một cuộc điều tra do Chính phủ Malaysia tiến hành đối với 5232 dự án nghiên cứu được thực thi bởi các cơ quan nghiên cứu công và các trường đại học của Malaysia trong quá trình thực hiện kế hoạch lần thứ 6 (1991-1995) và thứ 7 (1995-1999) cho thấy 14.1% số lượng dự án có tiềm năng thương mại hóa và chỉ 5.1% là thực sự được thương mại hóa. Con số này giảm xuống còn 3.4% trong kế hoạch lần thứ 8 (2000-2005).

Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do nguồn vốn đầu tư từ cả khu vực công và khu vực tư nhân cho việc thương mại hóa công nghệ ở Malaysia còn thiếu và chưa đa dạng; các chính sách hỗ trợ về quyền sở hữu trí tuệ và thuế chưa hoàn thiện; không có sự liên kết giữa khu vực doanh nghiệp tư nhân và các cơ quan nghiên cứu phát triển trong việc đưa nghiên cứu vào thực tiễn; điều này có thể xuất phát từ nhận thức và hiểu biết lẫn nhau giữa các bên còn thấp.

Trong giai đoạn 1991-2005, ở Malaysia, các quỹ đầu tư cho hoạt động thương mại hóa không có nhiều. Bên cạnh Bộ Khoa học Công nghệ và Đổi mới Malaysia, có một số cơ quan như Tập đoàn phát triển truyền thông đa phương tiện, Tập đoàn phát triển công nghệ Malaysia, Quỹ đầu tư mạo hiểm Malaysia là những nguồn cung cấp tài chính và hỗ trợ chủ yếu cho hoạt động thương mại hóa nghiên cứu phát triển. Tuy nhiên, ngân sách của các quỹ này là không nhiều (khoảng 20-80 triệu USD/5 năm) trong khi chi phí cho thương mại hóa thường chiếm 70-85% tổng chi phí đầu tư.

Sự tham gia của khu vực tư nhân và ngân hàng cho các hoạt động thương mại hóa các nghiên cứu phát triển cũng rất hạn chế. Hầu như không có hình thức đầu tư ban đầu của khu vực tư nhân (angel investors) cho các kết quả nghiên cứu ở Malaysia, và các ngân hàng cũng không cung cấp những khoản vay cho các công ty công nghệ mới khi rủi ro kinh doanh cao. Do đó, hoạt động thương mại hóa nghiên cứu chủ yếu trông chờ vào nguồn tài trợ, hỗ trợ ban đầu từ Chính phủ. Ngoài ra, ở Malaysia các chính sách về sở hữu trí tuệ và khuyến khích thương mại hóa qua ưu đãi thuế, ví dụ như thuế thu nhập doanh nghiệp, nhập khẩu, đầu tư, thuế giá trị ra tăng cũng chưa hoàn thiện. Không có nhiều bằng chứng cho thấy Malaysia có các chính sách riêng biệt cho các công ty công nghệ mới. 

Một vấn đề nữa cản trở hoạt động thương mại hóa nghiên cứu phát triển của Malaysia đó là hầu như không có sự liên kết giữa khu vực nghiên cứu với khu vực doanh nghiệp tư nhân. Thực tế này có lẽ xuất phát từ nhận thức của khu vực doanh nghiệp tư nhân về nghiên cứu phát triển còn kém, thậm chí khu vực này còn không xem các trường đại học và viện nghiên cứu như một nguồn sáng tạo quan trọng mà họ chỉ tập chung gia công cho các tập đoàn nước ngoài và vì vậy trong suốt thời gian qua khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thất bại trong việc vượt qua hàng rào của chuỗi giá trị toàn cầu. Về phía đại học, nhận thức về đại học doanh nghiệp cũng rất hạn chế, phần lớn các đại học của Malaysia tin rằng đại học chỉ nên tham gia vào việc tạo ra tri thức chứ không tham gia vào kinh doanh theo kiểu thương mại hóa. Chính vì vậy mà ở các trường đại học Malaysia không thực sự có chiến lược khoa học công nghệ định hướng thương mại hóa cũng như không có các bộ phận chuyên biệt hỗ trợ cho thương mại hóa nghiên cứu phát triển.

Tăng cường đổi mới

Bên cạnh việc tăng đầu tư cho nghiên cứu phát triển và thương mại hóa (năm 2010 đầu tư 60 tỉ USD), các khoản đầu tư của Chính phủ cũng được đa dạng hóa dưới dạng các chương trình, các quỹ định hướng thương mại hóa cho nghiên cứu phát triển. Các kế hoạch tài trợ nghiên cứu mới được thiết lập bên cạnh kế hoạch tài trợ cho nghiên cứu cơ bản truyền thống, ví dụ như kế hoạch tài trợ cho nghiên cứu khám phá (ERGS), kế hoạch tài trợ nghiên cứu dài hạn (LRGS) hay kế hoạch tài trợ nghiên cứu Prototype (PRGS). Ngoài ra, các chương trình tài trợ cũng được đa dạng hóa và mang tính chuyên biệt cho hoạt động thương mại hóa.

Dưới đây là các loại hình chương trình, quỹ thúc đẩy các hoạt động thương mại hóa nghiên cứu của Malaysia:

- Chương trình đầu tư Cradle: Cấp vốn ban đầu cho việc cải tiến các công nghệ thành các sản phẩm có khả năng thương mại hóa. Chương trình cũng bao gồm cả các chương trình trợ giúp cho các công ty công nghệ và việc bán quyền sở hữu trí tuệ của trường đại học.

- Chương trình hỗ trợ ứng dụng tin học (DAGS): là chương trình được quản lý bởi Bộ Khoa học Công nghệ và Đổi mới Malaysia (MOSTI) cấp vốn tài trợ cho các dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông cho cộng đồng.

- Quỹ eContent: tài trợ cho các dự án tạo ra các nội dung số.

- Quỹ InnoFund: Được quản lý bởi MOSTI, chuyên cấp vốn cho các dự án thương mại hóa cải tiến (innovation).

- Chương trình tài trợ sở hữu trí tuệ và hành lang truyền thông đa phương tiện: Được quản lý bởi Tập đoàn phát triển truyền thông đa phương tiện, Chương trình này cung cấp hỗ trợ lên đến 70% chi phí bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, điều này được thực hiện trên cơ sở hoàn trả và ứng dụng phải được thực hiện sau khi quá trình kết thúc.

- Chương trình tài trợ nghiên cứu phát triển (MSC): Chương trình được quản lý bởi Tập đoàn phát triển truyền thông đa phương tiện, cung cấp hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển ở Malaysia.

- Quỹ eScience: Quản lý bởi MOSTI, tài trợ cho các dự án nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực ưu tiên ở các trường đại học.

- Quỹ công nghệ (Techno Fund): tài trợ cho các dự án tiền thương mại hóa và các dự án có khả năng tạo ra quyền sở hữu trí tuệ.

- Chương trình tài trợ ươm mầm cho doanh nghiệp công nghệ: quỹ tài trợ cho việc sáng tạo để tạo ra các công ty mới về công nghệ.

Về mặt tổ chức đối với sự phát triển hoạt động thương mại hóa, Malaysia khuyến khích i) thành lập các trường đại học tư nhân, ii) thành lập các trung tâm tư vấn kỹ thuật và dịch vụ, iii) Nhấn mạnh vào nghiên cứu, ví dụ như đưa ra các chương trình nghiên cứu, thiết lập khái niệm “đại học nghiên cứu” và “đại học đỉnh cao” cho các trường đại học công, khuyến khích thành lập các trung tâm quản lý nghiên cứu trong các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp và cuối cùng là iv) nhấn mạnh vào thương mại hóa các nghiên cứu phát triển. Bên cạnh các chính sách về khoa học công nghệ và tổ chức, Malaysia cung đã đưa ra nhiều chính sách về thuế để khuyến khích việc thành lập các công ty công nghệ mới từ các nghiên cứu phát triển. Các chính sách ưu đãi về tài chính bao gồm miễn thuế thu nhập cho các công ty công nghệ tiên phong hay bao 100% thuế đầu tư cho các chi phí vốn nâng cấp, phát triển công ty, giảm hai lần chi phí nghiên cứu phát triển và chi phí vốn, miễn thuế nhập khẩu và cấp vốn xây dựng...

Những cải cách về chính sách của Malaysia đối với hoạt động thương mại hóa nghiên cứu nói chung và trong các trường đại học nói riêng đã và đang thúc đẩy hoạt động này phát triển. Ví dụ hoạt động thương mại hóa trong các trường đại học và việc nghiên cứu ở Malaysia đã được cải thiện đáng kể. Bảng dưới đây cho thấy trong năm 2008 các trường đại học công lập Malaysia đã đóng góp 40 sáng chế, 122 nhãn hiệu, 58 sản phẩm mới, và 313 sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa trong năm 2008.

Bảng 2: Sản phẩm thương mại hóa ở các trường Đại học công  Malaysia 2008


Trường đại học

Sáng chế

Nhãn

hiệu

Sản phẩm được thương mại hóa

Sản phẩm tiềm năng

Tổng tài sản trí tuệ

Universiti Teknologi Malaysia

9

28

6

110

153

Universiti Putra Malaysia

12

27

16

15

70

Universiti Kebangsaan Malaysia

3

20

0

33

56

Universiti Malaya

0

11

3

31

45

Universiti Sains Malaysia

11

4

15

9

39

Universiti Teknologi Mara

5

22

8

0

35

Các trường đại học công lập khác

0

10

16

130

156

Tổng số

40

122

58

313

533


Nguồn:Bộ Giáo dục đại học Malaysia

Nếu xét theo số liệu của giai đoạn 2006-2010 (Bảng 1), thì hằng năm các trường đại học công lập của Malaysia trung bình đóng góp khoảng 25% số lượng sáng chế của cả nước.
-----------------
Thành Nguyên Phương // Tia Sáng