Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nam Á: Khủng bố hoành hành

Ấn Độ vừa tổ chức lễ tưởng niệm một năm sự kiện Mumbai bị khủng bố và đã cướp đi mạng sống của 174 người. Hơn 8 năm, với bao tiền của đổ vào, hàng loạt các vụ đánh bom khủng bố đã và đang diễn ra ở Nam Á, đang khiến vùng đất này trở thành “hang ổ” của bọn khủng bố.

Khủng bố hồi sinh mạnh mẽ ở Nam Á

Các vụ khủng bố tại Pakistan đã tăng từ 890 vụ trong năm 2007 lên gần 1.850 vụ vào năm 2008 và số nạn nhân thiệt mạng trong vòng 2 năm trở lại đây cũng đã tăng từ 1.340 người lên gần 2.300 người. Từ đầu năm 2009 đến nay, tại Pakistan đã xảy ra hàng loạt các vụ đánh bom liều chết, riêng trong tháng 10-2009 bạo lực ở đây đã làm thiệt mạng 200 người vô tội.

Đánh bom khủng bố ở Pakistan.

Ngày 8-11 tại thành phố Peshawar lại xảy ra vụ đánh bom liều chết làm ít nhất 12 người thiệt mạng và 36 người bị thương. Peshawar có 2,5 triệu dân, nằm sát vành đai các bộ lạc bất ổn và là một trong những thành phố nguy hiểm nhất ở Pakistan nơi bọn tội phạm và phiến quân chọn làm căn cứ địa. Chỉ trong tháng 11 Peshawar đã hứng chịu nhiều vụ đánh bom làm hàng trăm người chết và bị thương khiến các con số thống kê trước đó trở nên vô nghĩa.

Các vụ đánh bom mới đây đã cho thấy một mức độ liều lĩnh mới của các nhóm khủng bố hiện nay: có khả năng tấn công vào những mục tiêu ở trung tâm đất nước, chứ không chỉ thực hiện những vụ khủng bố ở những khu vực ngoại vi. Nổi tiếng trong danh sách những nhóm khủng bố hoạt động tại Pakistan là Al-Qaeda; Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP); Lashkar-e-Taiba (LeT); Harkatul-Jihad-e-Islami; Jaish-e-Mohammed; Sipah-e-Sahaba Pakistan (SSP); Lashkar-i-Jhangvi.

Tại Ấn Độ chỉ trong 1 ngày 22-11 đã có ít nhất 6 người thiệt mạng và 40 người bị thương trong 2 vụ đánh bom ở bang Assam thuộc miền Đông Bắc Ấn Độ. Các quả bom được gài vào những chiếc xe đạp đã phát nổ ở phía trước một đồn cảnh sát và một khu thương mại ở thị trấn Nalbari, cách thủ phủ Dispur của bang Assam khoảng 70 km về phía Tây.

Còn tại Afghanistan, hơn 8 năm qua, kể từ ngày 11-9-2001, một Afghanistan hòa bình, yên bình vẫn là “giấc mơ”. Các vụ đánh bom ven đường diễn ra thường xuyên ở các tỉnh miền Nam. Phiến quân Taliban còn tấn công vào thủ đô Kabul, đánh bom liều chết, đặt bom, bắn rốckét, …

Tại sao các nhóm khủng bố không thể bị tiêu diệt?

Các tổ chức, chính phủ quốc tế đã thất bại trong việc chặt đứt nguồn tài chính cung cấp cho bọn khủng bố bao gồm thuốc phiện; tống tiền, bắt cóc đòi tiền chuộc và bảo kê các công việc làm ăn. Quân Taliban rất “giỏi” làm ra tiền và kiếm được rất nhiều tiền từ những hoạt động trên. Afghanistan là cái nôi, là nơi để quân Taliban “làm ăn” và họ đã rất thành công và ngày càng phát triển. Mạng lưới phiến quân Taliban đã tận dụng sự cai trị kém cỏi, chính sách thiếu hiệu quả và một hệ thống pháp lý yếu kém của nhà cầm quyền để kiếm hàng tỷ đôla. Còn nguồn nhân lực cho bọn khủng bố được nhận xét là còn lâu mới bị suy yếu.

Al-Qaeda rất giỏi chiêu mộ nhân lực và mở rộng chân rết của chúng với chủ trương thánh chiến đến cùng. Là cái ô thánh chiến toàn cầu, Al-Qaeda mở rộng phạm vi địa lý của chúng: từ Bali ở châu Á tới Jerba và Casablanca, Yemen và Somali, Kenya ở châu Phi rồi sang Luân Đôn, Madrid, Istanbul (châu Âu)…

Các tổ chức dân quân Hồi giáo ở Iraq, Syria, Yemen, vùng Vịnh và Bắc Phi đều tập hợp dưới trướng của tổ chức này. Bọn khủng bố sử dụng chiến tranh du kích ở các vùng đồi núi hiểm trở, các cuộc tấn công liều chết, đánh bom bằng ô tô, bắn tỉa ở thủ đô. Với mục tiêu là tấn công nước Mỹ, Al-Qaeda đang sát cánh Taliban trong cuộc chiến nhằm làm tiêu hao sinh lực để chống lại quân đội Mỹ ở Afghanistan và Pakistan.

Ngày 17-10-2009, Chính phủ Pakistan đã mở màn một chiến dịch truy quét lớn nhất từ trước tới nay với khoảng 30.000 lính bộ binh Pakistan cùng sự yểm trợ của máy bay chiến đấu nhằm “quét sạch” nhóm Taliban và các phần tử khủng bố Al-Qaeda tại khu vực Waziristan, Pakistan. Tuy nhiên, hàng loạt vụ đánh bom ở Pakistan vừa qua là một cách đáp trả Chính phủ Pakistan.

Nhìn lại nỗ lực chống khủng bố

Cuộc tấn công do quân Mỹ, Anh sau 11-9-2001 vào Afghanistan ngoài mục tiêu lật đổ Taliban thì mục tiêu thứ 2 là truy lùng và trừng phạt Osama bin Laden và các nhân vật cầm đầu tổ chức Al-Qaeda. Cuộc tấn công ấy đã gây ra vụ khủng bố đẫm máu ngày 11-9-2001 tại Mỹ. Hơn 8 năm trôi qua, Bin Laden bặt tăm, đồng thời phe Taliban đang trỗi dậy mạnh mẽ và đang có mặt tại 80% lãnh thổ nước này. Tướng Stanley McChrystal, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Afghanistan, cảnh báo rằng liên quân có thể thua và đang yêu cầu Tổng thống Barack Obama tăng viện cho họ 40.000 quân.

Pakistan là tuyến đầu của cuộc chiến chống Al-Qaeda và cũng là đồng minh quan trọng trong chiến dịch bình định Afghanistan của Mỹ. Hiện Taliban đang kéo Pakistan sa vào một cuộc chiến còn đẫm máu hơn cuộc chiến Afghanistan.

Mỹ - nước đi đầu trong chiến lược chống khủng bố toàn cầu không chỉ thiệt hại vật chất, kinh tế mà còn là thiệt hại về sinh mạng các người lính tham chiến ở đó. Tháng 10-2009 là tháng đau thương nhất của quân đội Mỹ tại Afghanistan kể từ năm 2001. Thống kê của Bộ Quốc phòng và Trung tâm Cựu chiến binh bị thương của Mỹ cho thấy chỉ trong 10 tháng đầu năm 2009 đã có ít nhất 1.800 binh sĩ Mỹ bị thương tại chiến trường này, tương đương 40% tổng số binh sĩ bị thương từ tháng 10-2001. Như vậy, số binh sĩ Mỹ tại Afghanistan bị thương trong tháng 10 vừa qua tăng gần 300% so với số binh sĩ bị thương so với cùng kỳ năm 2008. Kể từ năm 2007, hơn 70.000 binh sĩ Mỹ được chẩn đoán bị sang chấn tâm lý, trong đó có hơn 20.000 ca trong năm nay.

Các binh sĩ cấp bậc thấp tham chiến ở Nam Á có vấn đề về sức khỏe tâm thần như phiền muộn, sầu não. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết tỷ lệ binh lính tại ngũ tự sát trong quân đội nước này vào khoảng 20‰, gần gấp đôi tỷ lệ tự sát trên cả nước Mỹ.

Chi phí cho nỗ lực chiến tranh của Mỹ đã leo lên khoảng 3.000 tỷ USD, trong đó có 684 tỷ USD rót vào các chiến dịch trực tiếp ở Iraq, 223 tỷ USD ở Afghanistan và 33 tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố. Chi phí này sẽ tăng thêm 338 tỷ USD nữa trong năm nay nếu Mỹ gửi thêm 30.000 quân đến Afghanistan, thêm 867 tỷ USD nữa nếu tăng quân lên 75.000 vào năm 2013 và thêm 2.000 tỷ USD vào năm 2019.

(Theo SGGP Online)

  • Trung Quốc: phát hiện nước ép trái cây có thạch tín
  • Sóng gió trên chính trường Nhật Bản
  • Công nghệ hạt nhân của Iran: Tiến và lùi!
  • Chính trường Philippines: Bài toán đồng minh
  • Băng tan trên dãy Hymalaya đe dọa cả châu Á
  • Các cô gái Nhật thích kết hôn với nhà sư
  • Ngành dầu mỏ Iraq có khiến Trung Đông “dậy sóng”?
  • Mông Cổ muốn "đón chào" Trung – Nga vào khai thác uranium