Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Năm điều hoang tưởng về sức mạnh của Trung Quốc

Trong khi Trung Quốc đang đuổi kịp những nền kinh tế tiến bộ nhất trên thế giới, quốc gia này đã kích động niềm hứng khởi cũng như lo ngại - đặc biệt là tại Hoa Kỳ, nơi nhiều người e rằng Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ để trở thành cường quốc của thế kỷ 21. Nhiều người hỏi rằng làm thế nào Trung Quốc lại tiến nhanh tiến mạnh đến thế, liệu Đảng Cộng sản có thể nắm giữ quyền lực và việc Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng trên thế giới mang ý nghĩa gì cho mọi người chúng ta. Nhưng để hiểu vai trò mới của Trung Quốc trên trường thế giới, thật hữu ích khi xem xét lại những nhầm lẫn đang thống trị trong suy nghĩ của phương Tây.

Sự đi lên của Trung Quốc đang hạn chế ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại châu Á

Ngược lại thì có. Rõ ràng, sức mạnh của Trung Quốc tại châu Á đang tăng trưởng; nền kinh tế của nó hiện đang lớn nhất trong khu vực,và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất đối với mọi quốc gia ở châu Á. Và việc hiện đại hoá quân đội đã biến Quân đội Giải phóng Nhân dân thành một lực lượng chiến đấu hiệu quả hơn.

Nhưng thay vì giới hạn hoặc hất cẳng ảnh hưởng của Hoa Kỳ, sự bành trướng quyền lực của Trung Quốc đang đẩy hầu hết các quốc gia châu Á gần Washington hơn - và nâng cao vị thế của Hoa Kỳ trong khu vực. Sự hiện diện của chú Sam vẫn được hoan nghênh vì nó ngăn chặn một cường quốc rong khu vực thống trị những nước láng giềng và phát huy tính cân bằng chiến lược. Hiện nay, Trung Quốc càng có thêm sức mạnh, sự cam kết của Hoa Kỳ trong khu vực càng thêm quan trọng, và Washington càng gây thêm nhiều ảnh hưởng. Không gì ngạc nhiên khi chính phủ Obama vừa thông báo chuyển hướng chiến lược về châu Á thì Trung Quốc đã bực bội, trong khi đa số các nước trong khu vực lại cảm thấy được trấn an và đã âm thầm hoan nghênh. Hiện nay, quan hệ an ninh giữa Hoa Kỳ và những quốc gia châu Á quan yếu - Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí Việt Nam - đang tốt hơn bao giờ hết.

Quỹ dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc tạo cho nó một thanh thế vô cùng lớn

Trung Quốc sở hữu khoảng 2 nghìn tỉ Mỹ kim trong Ngân khố Hoa Kỳ, nợ thế chấp bằng bất động sản và 800 tỉ công phiếu châu Âu. Sự sở hữu khổng lồ này có thể tạo lo lắng cho phương Tây và cho phép Bắc Kinh quyền ưu tiên và hãnh diện - nhưng nó vẫn không tạo ra nhiều ảnh hưởng ngoại giao cho Bắc Kinh. Kịch bản đáng sợ nhất là việc Trung Quốc bán tháo nợ công của Hoa Kỳ ra thị trường thế giới để bắt buộc Washington làm theo ý mình vẫn chưa thành hiện thực - và có thể sẽ không xảy ra. Quỹ tài sản công của Trung Quốc, vốn được dùng để đầu tư vào một phần của những nguồn dự trữ này, thường muốn đầu tư vào tài sản kém rủi ro (ví dụ như những cổ phần thiểu số tại dịch vụ cung cấp nước của Anh) và đã tìm cách tránh né những mâu thuẫn địa chính trị. Và trước cơn khủng hoảng nợ của châu Âu, Trung Quốc rõ ràng là đã tránh mặt.

Việc vơ vét tiền mặt của Trung Quốc cũng chẳng làm tăng trọng lượng đối với quyền lực địa chính trị của mình vì thành quả của nó có được là từ chiến lược tăng trưởng dựa trên đồng nội tệ bị kềm giá để tăng sức cạnh tranh của xuất khẩu. Nếu Trung Quốc đe doạ sẽ giảm bớt đầu tư vào nợ của Hoa Kỳ, nó sẽ phải tìm môi trường đầu tư khác (không phải là việc dễ dàng dạo này) hoặc giảm xuất khẩu vào Hoa Kỳ (không phải là một điều tốt cho các nhà sản xuất Trung Quốc). Hơn nữa, với việc đầu tư quá nhiều vào nợ của phương Tây, Trung Quốc sẽ phải chịu đựng nạn thua lỗ tài sản thảm hại nếu nó khuấy động thị trường tài chính.

Đảng Cộng sản đã kiểm soát được Internet.

Bất chấp việc đầu tư khổng lồ vào kỹ thuật và nhân sự, Đảng Cộng sản vẫn đang gặp khó khăn trong việc thuần phục không gian mạng đầy năng động. Trong khi kỹ thuật ngăn chặn Internet của Trung Quốc thì tân tiến hơn và qui định sử dụng thì nhiêu khê hơn những chính quyền độc tài khác, sự tăng trưởng của dân số mạng trong nước (hiện đang vượt qua 500 triệu) và những tiến bộ kỹ thuật (những micro-blog kiểu Twitter) đã khiến cho việc kiểm duyệt hầu như không hiệu quả. Chính quyền liên tục nằm trong vị thế đuổi bắt; nỗ lực mới nhất của họ là bắt buộc những người sử dụng micro-blog phải đăng ký tên thật. Những qui định loại này thường quá phí tổn để thực hiện, thậm chí trong một chính thể độc đảng.

Cùng lắm là đảng chỉ có thể lựa chọn kiểm duyệt những gì mà họ cho là "nhạy cảm" khi việc đã rồi. Mỗi khi có một tin nóng - một vụ tham nhũng tai tiếng, một tai nạn an toàn công cộng hoặc một biểu tình chống chính quyền lờn - thì mạng Internet nhanh chóng tràn ngập tin tức và những chỉ trích mạnh mẽ đối với chính quyền. Cho đến lúc cơ quan kiểm duyệt có thể tái lập việc kiểm soát, thiệt hại chính trị đã xảy ra.

Chính quyền Trung Quốc đã mua chuộc hẳn giới trung lưu.

Không hẳn thế. Ba thập niên tăng trưởng kinh tế với con số hàng chục đã nâng cấp khoảng 250 đến 300 triệu người dân Trung Quốc - chủ yếu là dân thành thị - lên vị thế trung lưu. Kể từ khi chính quyền đàn áp phong trào dân chủ ở Thiên An Môn vào năm 1989, giới trung lưu đã bận rộn làm giàu và không đòi hỏi tự do chính trị. Nhưng điều đó không có nghĩa là thành phần này đã hậu thuẫn đảng cầm quyền. Có một cách biệt khổng lồ giữa những người có cảm tình chính trị và giới trung thành cố hữu. Cùng lắm là giới trung lưu Trung Quốc chỉ chấp nhận tình trạng hiện tại bởi vì nó đã là một tiến bộ lớn so với sự độc tài trong quá khứ - và bởi vì hiện vẫn chưa có một giải pháp thực tế và cấp bách nào khác. Nhưng như cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập cho thấy, chỉ cần một sự kiện đơn lẻ hoặc một sai lầm của chính thể độc tài cũng đã có thể chuyển hoá những công dân trung lưu đồng cảm trở thành những nhà cách mạng cấp tiến.

Điều này có thể xảy ra mà không cần đến một cơn khủng hoảng kinh tế cấp thời. Ngày nay, giới trung lưu Trung Quốc đang trở nên bất mãn với tình trạng bất công, tham nhũng, nhà ở đắt đỏ, ô nhiễm môi trường và dịch vụ yếu kém. Vài năm trước đây ở Thượng Hải, hàng nghìn người dân trung lưu đã phát động một cuộc "tuần hành chung" và ngăn chặn dự án mở rộng tuyến đường cao tốc trong thành phố vì dự án này đã đe doạ giá trị nhà cửa của họ. Một cuộc biểu tình tương tự vào năm ngoái tại Đại Liên đã dẫn đến việc đóng cửa một nhà máy hoá dầu gây ô nhiễm.

Đảng biết rằng họ không thể dựa vào sự ủng hộ của giới trung lưu. Sự bất an này nằm sau việc họ liên tục cứng rắn hơn với sự chống đối chính trị.

Quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc không có dấu hiệu chậm lại.

Nhịp độ tăng trưởng đã nguội lại phần nào - từ mức trên 10,3% vào năm 2010 xuống còn 9,2% vào năm ngoái - và hướng đi xuống này sẽ còn tăng tốc trong những năm tới.

Như Hàn Quốc và Đài Loan, vốn đã đạt được thành quả tăng trưởng to lớn trong ba thập niên nhưng cũng từ từ chậm lại kể từ những năm 1990, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối diện với những cơn gió ngược mạnh mẽ. Dân số hiện nay đang già đi; những người dân tuổi 60 hoặc già hơn đang chiếm 12,5% tổng dân số trong năm 2010 và đang hướng đến mức 17% vào năm 2020. Điều này sẽ làm giảm việc tiết kiệm và nguồn lao động cũng như gia tăng chi phí hưu trí và y tế. Nếu Trung Quốc muốn giữ mức tăng trưởng cao, nó phải bắt đầu sản xuất những mặt hàng kỹ thuật cao cấp và có giá trị cao do Trung Quốc thiết kế. Nó sẽ phải cần sáng tạo thêm, việc này đòi hỏi bớt đi sự kiểm soát của chính phủ và nhiều tự do trí tuệ hơn nữa.

Điều tối trọng hơn hết là khuôn mẫu kinh tế thiên về đầu tư do nhà nước chỉ đạo đối với việc tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc phải nhường bước cho một khuôn mẫu kinh tế hiệu quả hơn, thiên về tiêu thụ và do thị trường định hướng. Một chuyển đổi như thế sẽ không thể xảy ra nếu không giảm bớt vai trò của chính phủ và bắt đảng phải chịu trách nhiệm trước người dân Trung Quốc.
-----------

Tác giả: LT theo Washington Post // Nguồn: Tuần Việt Nam

  • Lương tối thiểu làm đau đầu chính phủ châu Á
  • Kinh tế Myanmar sắp “cất cánh”?
  • Tín hiệu cải cách từ câu nói ít được chú ý của Kim Jong Un
  • Những rào cản ngáng đường Trung Quốc
  • Mắt thấy tai nghe ở Triều Tiên
  • Làn sóng kỹ sư Nhật kiếm sống ở Trung Quốc
  • Đông Nam Á: Tương lai của các ngân hàng đầu tư
  • Thời của tiếng Trung trên đất Mỹ