Vụ thảm sát ở miền nam Philippines được cho là cuộc thanh toán giữa các gia tộc chính trị tranh quyền đoạt lợi ở nước này, do đó khó mong tìm ra thủ phạm thật sự.
![]() |
Nghi can Andal Ampatuan bị giải về trại giam. Ảnh: Reuters |
Cánh nhà báo tác nghiệp ở khu vực phía nam Philippines đều nói khu vực này do các gia tộc chính trị cầm đầu. Vụ thảm sát ngày 23.11 vén màn bí mật của nền chính trị do các gia tộc lũng đoạn và những vụ thanh toán đối thủ chính trị kiểu xã hội đen. Nhà phân tích chính trị Marites Vitug giải thích: “Một chính quyền trung ương yếu kém, một nền chính trị dựa trên mối quan hệ thân tình cắm rễ sâu cho phép các gia tộc lộng hành”.
Long tranh hổ đấu
Gia tộc Mangudadatu cũng có nguồn gốc từ tỉnh Maguindanao, như gia tộc Ampatuan, nhưng sau đó đã dời đến tỉnh Sultan Kudarat gần đó để gầy dựng thế lực. Cả hai gia tộc này đều là đồng minh thân cận của Tổng thống đương nhiệm Arroyo. Trong kỳ bầu cử trước, 90% phiếu bầu ở khu vực này dồn cho Tổng thống Arroyo.
Trong vụ thảm sát đó, vợ và hai em gái ông Ismael Mangudadatu phó thị trưởng Buluan, một thị trấn nhỏ ở Maguindanao, bị giết chết. Ông Ismael, người của gia tộc Mangudadatu, có anh họ là tỉnh trưởng tỉnh Sultan Kudarat. Chú của ông Ismael là nghị sĩ của đảng cầm quyền tại tỉnh này. Ông Ismael đang vận động để tranh cử ghế tỉnh trưởng Maguindanao, lâu nay đang bị gia tộc Ampatuan nắm giữ. Các nhà phân tích chính trị ở Philippines tin rằng nhà Mangudadatu ra tranh cử sẽ là đối thủ đáng gờm cho gia tộc Ampatuan trong cuộc bầu cử tháng 5 năm sau.
Ông Datu Andal Sr, tộc trưởng của Ampatuan, tỉnh trưởng tỉnh Maguindanao, có hơn mười đứa con trai và một số con rể. Con trai, con rể của ông Datu đều có chức quyền ở tỉnh Maguindanao, thấp nhất cũng là thị trưởng của thành phố nào đó trong tỉnh này. Nghi can hàng đầu trong vụ thảm sát là Andal Ampatuan, thị trưởng thành phố Datu Unsay và là con trai Datu Andal Sr.
Nghi can Andal Ampatuan ra trình diện nhà chức trách ngày 26.11. Người phát ngôn cảnh sát quốc gia, ông Leonardo Espina dẫn các báo cáo sơ bộ cho biết: “Trước khi bị bắt cóc và giết hại, các nạn nhân đã bị một nhóm người, dẫn đầu là thị trưởng Andal Ampatuan, chặn lại ở Saniag”. Giám đốc Cảnh sát quốc gia Philippines, tướng Jesus Verzosa, cho biết bốn sĩ quan cảnh sát và 20 tay súng liên quan đến phe cánh Ampatuan đã bị bắt giữ. Quân đội ngày 25.11 cũng đã giải giáp hơn 200 tay súng bán vũ trang trung thành với nhà Ampatuan.
Con dao hai lưỡi
Chuyện các gia tộc chính trị có quân đội riêng, thậm chí là hàng trăm binh sĩ chuyên nghiệp là chuyện thường tình ở Philippines, bởi có sự ủng hộ của chính phủ. Lâu nay những vụ thanh toán do gia tộc Ampatuan gây ra đều được cho qua, nhờ có công giữ ổn định tình hình an ninh cho khu vực trước sự tấn công của các phiến quân Hồi giáo cực đoan. Giáo sư khoa học chính trị Alex Magno của đại học Philippines cho biết: “Những vụ lạm dụng nhỏ trước đây được xem là cái giá rẻ phải trả cho gia tộc Ampatuan để giữ yên khu vực Maguindanao trước các phiến quân Hồi giáo cực đoan”. Các phiến quân này đã giết ít nhất 150.000 người ở tỉnh này từ thập niên 70 của thế kỷ trước đến nay. Do đó, chính phủ phải liên kết với các gia tộc như Ampatuan.
Tuy nhiên, chiến lược này là con dao hai lưỡi. Các gia tộc này một mặt trấn giữ địa phương, một mặt nhận giúp đỡ của các phiến quân, khiến căng thẳng tranh giành quyền lực của các gia tộc càng gia tăng trong những năm gần đây. Các nhóm phiến loạn tiếp sức tài chính và chính trị cho các gia tộc. Thậm chí các nhóm phiến quân còn giúp cho các gia tộc hình thành đội quân tình nguyện đông đảo, trung thành, sẵn sàng xả súng để bảo vệ quyền lợi của các gia tộc.
Francisco Lara, nhà nghiên cứu ở trung tâm Nghiên cứu khủng hoảng quốc gia, thuộc đại học Kinh tế London, công bố nghiên cứu nói chính quyền trung ương Philippines ở xa nên đã “mặc cả” với thế lực địa phương để ổn định tình hình. Đổi lại, các thế lực đó được nắm quyền sanh sát các băng nhóm buôn ma tuý, sòng bạc, bắt cóc, buôn lậu vũ khí… để thu tiền.
Xưa nay, bạo lực xảy ra trong bầu cử là chuyện thường tình, thậm chí là tiêu diệt đối thủ. Đáng lẽ vụ này cũng chìm vào quên lãng, nếu tính chất dã man của nó không làm kinh hoàng cả nước Philippines. Vụ thảm sát đã vi phạm “rido”, luật bất thành văn của các gia tộc trong các vụ thanh toán lẫn nhau không giết phụ nữ, không giết người thân của đối thủ. 22 nạn nhân nữ trong vụ thảm sát trước khi chết đã bị hiếp dâm tập thể. Amina Rasul, giám đốc hội đồng Hồi giáo và dân chủ Philippines nói: “Ngay cả với kẻ thù chúng tôi cũng không làm thế, không đối xử với phụ nữ như thế, không hiếp tập thể”.
(Theo Ngọc Danh/BBC, AP/sgtt)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com