Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

QE2 kết thúc, lạm phát Trung Quốc vẫn không giảm

Các nhà kinh tế tại Bắc Kinh cho biết, áp lực lạm phát của Trung Quốc sẽ không thể giảm xuống dễ dàng trong ngắn hạn, kể cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu khổng lồ, còn gọi là gói nới lỏng định lượng - QE2.

Ông Liansheng Zheng, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Tài chính thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự đoán, gói QE2 có thể kết thúc đúng hạn nhưng FED sẽ bắt đầu nâng lãi suất ngân hàng, và xu hướng tăng giá hàng hóa toàn cầu chắc chắn sẽ tiếp tục.

Ông cho rằng, lạm phát nhập khẩu đang gây áp lực đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Tuần trước, FED tuyên bố sẽ kết thúc gói QE2 vào tháng 6 theo dự kiến, bởi nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi. Tuy nhiên, FED sẽ giữ lãi suất thấp trong một thời gian dài.

FED tung ra chương trình mua trái phiếu 600 tỷ USD vào tháng 11/2010 với mức lãi suất cực thấp, gần như bằng 0%. Chương trình này đã thúc đẩy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn và giảm tỷ lệ thất nghiệp tại nước này.

Theo ông Liu Ligang, trưởng nhóm các nhà kinh tế phụ trách khu vực Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, FED có thể sẽ không xem xét khả năng tăng lãi suất trong tương lai khi tỷ lệ lạm phát lõi của Mỹ vẫn ở mức thấp.

Chủ tịch FED Ben Bernanke ước tính lạm phát cơ bản của Mỹ tăng từ 1,3 – 1,6%.

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, việc Mỹ tiếp tục chính sách tiền tệ hiện nay sẽ giữ giá đồng USD ở mức thấp, lần lượt đẩy giá các đồng tiền khác và giá cả hàng hóa quốc tế tăng cao.

Tháng trước, cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Standard & Poor’s đã hạ triển vọng tín dụng của Mỹ từ mức “ổn định” xuống mức “tiêu cực” sau các cảnh báo về rủi ro của nền kinh tế và nợ công.

Chính sách nới lỏng định lượng của FED đã làm tăng nguy cơ lạm phát toàn cầu và bong bóng tài sản tại các thị trường mới nổi, có thể dẫn tới những rủi ro trung hạn cho nền kinh tế toàn cầu.

Giá cả tăng vọt đang làm “đau đầu” chính phủ Trung Quốc. Trong tháng Ba, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc (CPI), thước đo chính của lạm phát đã tăng tới 5,4%, mức cao kỷ lục trong vòng 32 tháng.

Ông Zheng cho rằng, lạm phát gia tăng sẽ tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Mặt khác, sự suy yếu của đồng USD đã đẩy giá đồng NDT tăng cao. Từ đầu năm nay, đồng NDT đã tăng 1,8% so với USD.

Theo ông Liu, đồng NDT mạnh hơn có thể làm giảm lạm phát nhập khẩu, bởi Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào hàng hóa quốc tế, trong khi nhu cầu nhập khẩu hàng nông nghiệp của nước này đang tăng cao.

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Tan Yaling cho biết, nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc không thể dựa vào sức mạnh của đồng NDT. NDT tăng sẽ gây áp lực lớn đối với xuất khẩu Trung Quốc, nhất là khi chi phí sản xuất tại nước này đang tăng cao.

(Vitinfo)

  • Trung Quốc sẽ thiếu hụt 30 triệu KW điện trong mùa hè
  • Trung Quốc sẽ nghiêm trị người tiết lộ tin mật
  • Nhật công bố kế hoạch chấm dứt khủng hoảng hạt nhân
  • Những chiếc két sắt vô chủ ở Nhật sau thảm họa
  • Người Malaysia nói tiếng Anh thông thạo nhất châu Á
  • Hàn Quốc hướng đến Internet tốc độ gigabit
  • IMF cảnh báo nguy cơ kinh tế quá nóng của châu Á
  • Trung Quốc: “Tiền nóng” sẽ đè nặng lên nền kinh tế