Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc: “Tiền nóng” sẽ đè nặng lên nền kinh tế

Trung Quốc đang phải liên tục đối mặt với áp lực gia tăng các dòng vốn đầu tư, hay còn gọi là “tiền nóng” do mâu thuẫn giữa các chính sách kinh tế vĩ mô và nhu cầu tài chính trên thị trường.

Phát biểu tại Hội nghị Thương mại Tài chính thường niên tổ chức tại Bắc Kinh, ông Li Chao, phó giám đốc Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) cho biết, mâu thuẫn này đang hạn chế các bước tiến của SAFE trong việc mở các tài khoản vốn.

Trong năm qua, Trung Quốc đã thận trọng hơn đối với chính sách tiền tệ và không ngừng thắt chặt kiểm soát việc cho vay từ các ngân hàng thương mại để hạn chế thanh khoản dư thừa và kiềm chế gia tăng lạm phát. Tuy nhiên, theo ông Li nhu cầu của các doanh nghiệp sẽ dẫn đến việc gia tăng các luồng vốn.

Các dòng vốn ngắn hạn đã tăng nhanh kể từ quý 3 năm ngoái, lan rộng mối lo ngại về tác động tiêu cực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Quý đầu năm nay, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng 197 tỷ USD lên tới mức kỷ lục hơn 3.000 tỷ USD, tăng 24% so với năm ngoái. Trong khi đó, nước này đang phải chịu thâm hụt thương mại quý lần đầu tiên trong vòng 7 năm ở mức 1,02 tỷ USD.

Các nhà phân tích lo ngại rằng, dòng vốn đầu tư tăng cao một phần do ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Mỹ, sẽ gây ra tình trạng đầu cơ vốn lớn hơn trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán vốn đã nhiều biến động.

Trước đó, ông Liu Mingkang, nhà điều tiết ngành ngân hàng hàng đầu Liu Mingkang, đồng thời là thành viên ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết, khi các luồng vốn đầu cơ gia tăng, việc kiềm chế lạm phát sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng đến 5,4% trong tháng 3 từ 4,9% trong tháng 1. Đây mức tăng cao nhất trong vòng 32 tháng. Trung Quốc đặt mục tiêu lạm phát 4% trong năm 2011.

Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ thúc đẩy tính tự do của chuyển đổi tiền tệ theo theo các tài khoản vốn trong vòng 5 năm tới, tuy nhiên, việc mở các tài khoản được dự đoán sẽ thu hút dòng vốn đầu cơ nhiều hơn.

Ông Li cho biết, hiện tại, hơn 75% tài khoản vốn của Trung Quốc có mức độ tự do chuyển đổi tiền tệ khác nhau và số tiền thực tế lớn hơn ước tính chính thức rất nhiều nếu tính cả các khoản tài sản ở nước ngoài.

Cựu cố vấn ngân hàng trung ương Trung Quốc Yu Yongding cho biết, nếu Trung Quốc muốn thả nổi đồng NDT trên thị trường toàn cầu và biến NDT trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế, nước này cần giảm bớt sự can thiệp của chính phủ vào các tài khoản vốn.

Hôm 26/4, giám đốc bộ phận chính sách tiền tệ ngân hàng trung ương tuyên bố, Trung Quốc sẽ khuyến khích sử dụng đồng NDT trong các tài khoản vốn bằng cách cho phép các công ty nước ngoài sử dụng đồng tiền này đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc trên cơ sở thử nghiệm.

(Vitinfo)