Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

IMF cảnh báo nguy cơ kinh tế quá nóng của châu Á

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo, kinh tế châu Á Thái Bình Dương sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng đồng thời tổ chức còn cảnh báo thêm, khu vực này đang có nguy cơ tăng trưởng quá nóng, lạm phát và tiền nóng vẫn đang là hai nỗi lo chính, cần tìm cách thắt chặt hơn nữa.

Báo cáo triển vọng kinh tế châu Á Thái Bình Dương mới nhất mà IMF công bố hôm thứ Năm (28/4) cho thấy, được thúc đẩy bởi xuất khẩu và nhu cầu nội địa, dự báo nền kinh tế khu vực này trong năm 2011 và 2012 sẽ tăng trưởng bình quân 7%. Năm ngoái, kinh tế châu Á Thái Bình Dương đã tăng trưởng 8,3%. Theo báo cáo, Trung Quốc và Ấn Độ có thể trở thành những nước dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, dự báo hai năm tới kinh tế hai nước này sẽ lần lượt đạt mức tăng trưởng 9,5% và 8%.

Tuy nhiên, IMF cảnh báo thêm, đồng thời với việc kinh tế châu Á Thái Bình Dương phục hồi nhanh chóng từ trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khu vực này cũng đang phải đối mặt với một vài rủi ro quá nóng. Phát biểu tại buổi công bố báo cáo triển vọng kinh tế khu vực tổ chức tại Hong Kong ngày hôm qua, ông Anoop Singh, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF cho rằng, khu vực này chủ yếu tồn tại nỗi lo ở hai phương diện.

“Chúng tôi đã nhận thấy khu vực châu Á đã xuất hiện áp lực kinh tế quá nóng, thể hiển ở phương diện giá hàng hóa và tài sản. 6 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng quá nhanh, ban đầu nó được phản ánh ở việc giá hàng hóa tăng, chủ yếu là giá thực phẩm và năng lượng, và áp lực hiện tại đã lan sang cả lạm phát cơ bản và những dự báo về lạm phát”, ông Singh cho biết thêm.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế, IMF còn dự báo, lạm phát của khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2011, và đến năm 2012, do giá hàng hóa toàn cầu có chiều hướng ổn định, nên lạm phát sẽ chậm lại. Theo tổ chức này, lạm phát của Trung Quốc sẽ nhanh chóng đạt đỉnh, dự báo sớm muộn gì trong năm nay tỷ lệ lạm phát của nước này sẽ chạm ngưỡng 4% - 4,5%. Tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc trong tháng 3 là 5,4%, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008 đến nay.

Cũng theo báo cáo này, được thu hút bởi viễn cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của khu vực châu Á, cũng như được thúc đẩy bởi một lượng vốn lớn toàn cầu, dự báo dòng chảy vốn của năm 2011 và 2012 sẽ tiếp tục đổ vào khu vực này, tiền nóng vẫn là nỗi lo chính của các nhà hoạch định chính sách. Ông Singh cũng đã chỉ ra trạng thái dòng tiền nóng của khu vực này tại buổi công bố báo cáo:

“Từ cuối năm ngoái đến nay, lượng tiền nóng của khu vực châu Á nhìn chung có giảm. Nhưng quy mô dòng tiền của một số nước vẫn rất lớn, bao gồm Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Do đó, chúng ta phải ngăn chặn dòng tiền nóng có thể xuất hiện biến động”.

Báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất cho rằng, trước áp lực lạm phát mà kinh tế châu Á phải đối mặt, các nhà hoạch định chính sách cần từng bước thắt chặt tiền tệ.

“Khu vực châu Á nên từ từ siết chặt các chính sách kinh tế vĩ mô. Chúng tôi cho rằng, so với 6 tháng trước, chính sách thắt chặt hiện giờ đã trở nên cấp bách hơn. Sau khi điều chỉnh lạm phát, lãi suất chính sách thực tế hiện đang là giá trị âm. Do đó, đối với đa số nền kinh tế châu Á, từ từ nâng lãi suất là điều cần thiết. Ngoài ra, một vài nền kinh tế cũng vẫn có không gian điều chỉnh chính sách tài chính”, ông Singh cho biết thêm.

(Vitinfo)