Số triệu phú hiện chỉ chiếm 0,9% dân số thế giới, nhưng kiểm soát tới 39% tài sản toàn cầu, tăng từ mức 37% trong năm 2009. |
Trung Quốc hiện có hơn 1 triệu hộ gia đình sở hữu tài sản từ 1 triệu USD trở lên, đưa quốc gia này vào vị trí thứ ba trên thế giới về số lượng hộ gia đình triệu phú, theo hãng tin tài chính Bloomberg.
Bloomberg dẫn báo cáo Nghiên cứu thịnh vượng toàn cầu (BCG Global Wealth Survey) của hãng tư vấn Boston Consulting cho biết, số hộ gia đình triệu phú ở Trung Quốc đã tăng 31% trong năm 2010 so với năm 2009, đạt mức 1,11 triệu hộ. Con số này chỉ thu 5,22 triệu hộ gia đình triệu phú ở Mỹ và 1,53 triệu hộ gia đình đạt mức tài sản này ở Nhật Bản.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tiền tiết kiệm nhiều hơn và tỷ giá đồng Nhân dân tệ đi lên là những yếu tố quan trọng dẫn tới sự gia tăng của hàng ngũ những người giàu có ở Trung Quốc. Báo cáo của Boston Consulting cũng chỉ ra rằng, nước này xếp thứ 8 thế giới về số hộ gia đình có giá trị tài sản trên 100 triệu USD.
Điều tra về thịnh vượng toàn cầu của hãng tư vấn này chỉ tính tới các tài sản có thể đem đầu tư mà không tính đến tài sản nằm trong các doanh nghiệp tư nhân, tài sản là bất động sản, bộ sư tập nghệ thuật, rượu vang, du thuyền… do vậy đã không bao hàm được một khối lượng tài sản lớn của người Trung Quốc đại lục.
“Thống kê mà báo cáo đưa ra chưa thể đo hết được mức độ giàu có thực sự của người Trung Quốc”, ông Tjun Tang, một chuyên gia của Boston Consulting tại Hồng Kông, đồng thời là một người tham gia thực hiện bản báo cáo, thừa nhận. Theo ông Tang, tầng lớp giàu có của Trung Quốc chỉ gửi khoảng 5% giá trị tài sản của họ ở nước ngoài.
Theo báo cáo của Boston Consulting, Singapore là quốc gia có mật độ triệu phú cao nhất thế giới. 15,5% dân số nước này nằm trong các hộ gia đình có tài sản từ 1 triệu USD trở lên, kế đó là Thụy Sỹ với 9,9% và Qatar với 8,9%.
Báo cáo này cho biết, số triệu phú hiện chỉ chiếm 0,9% dân số thế giới, nhưng kiểm soát tới 39% tài sản toàn cầu, tăng từ mức 37% trong năm 2009. Giá trị tài sản có thể đầu tư của hàng ngũ này hiện lên tới 47,4 nghìn tỷ USD, so với mức 41,8 nghìn tỷ USD năm 2009.
Boston Consulting dự báo, trong thời gian 2010-2015, tài sản tư nhân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trừ Nhật Bản sẽ tăng với tốc độ khoảng 11,4% mỗi năm, đưa khu vực này chiếm 23% giá trị tài sản tư nhân toàn cầu từ mức 18% hiện nay.
Trong khi đó, giá trị tài sản tư nhân toàn cầu được dự báo chỉ tăng với tốc độ bằng nửa mức trên, đạt mức 162 nghìn tỷ USD, từ mức 121,8 nghìn tỷ USD hiện nay.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com