Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thời kỳ tăng trưởng thần tốc của Trung Quốc đã kết thúc?

Trong nhiều năm, kinh tế Trung Quốc lần lượt đạt được những thành tựu xuất sắc: trở thành thị trường ô tô lớn nhất, nước sử dụng năng lượng nhiều nhất, nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Với tốc độ tăng trưởng GDP 10% trong vòng 3 thập kỷ, tốc độ chưa từng có trong lịch sử, năm ngoái, Trung Quốc đã soán ngôi Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một số người cho rằng việc Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành quán quân kinh tế thế giới chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tuy nhiên, hiện Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ suy giảm mạnh khi các nhà lãnh đạo và các ngân hàng nước này thắt chặt dòng thanh khoản, nguyên nhân của hàng loạt bong bóng tài sản trong các năm gần đây. Điều này chắc chắn sẽ khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc ít hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư so với các năm qua.

Xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy những thay đổi to lớn từ các cấp cao nhất trong Chính phủ Trung Quốc. Trong bài diễn văn trước Quốc hội hôm 05/03 tại Bắc Kinh, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã  trình bày rõ kế hoạch 5 năm tới của Chính phủ Trung Quốc với hai ưu tiên hàng đầu.

Ưu tiên thứ nhất là duy trì sự ổn định giá cả và tăng cường chi tiêu. Ưu tiên thứ hai là thúc đẩy tiêu dùng - mối lo ngại lớn nhất đối với Mỹ và các quốc gia phát triển khác. Do thâm hụt thương mại cao với Trung Quốc, các quốc gia này đã nhiều lần thúc giục Bắc Kinh tăng giá đồng NDT.

Ông Michael Pettis, chuyên gia người Trung Quốc thuộc Quỹ Carnegie Endowment for International Peace của Mỹ cho biết, trong kế hoạch 5 năm lần trước, tăng trưởng kinh tế thường là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc. Điều đáng chú ý là các nhà lãnh đạo cũng hạ chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm từ 7.5% xuống 7%.

Trung Quốc đã có thể đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số lần lượt qua các năm. Tuy nhiên, ông Pettis cho rằng, thời kỳ này có thể sắp kết thúc.

Trên thực tế, chính Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã từng nói rằng: “Không dễ dàng để chúng tôi có thể đạt được mức tăng trưởng GDP 7% có chất lượng và hiệu quả”.

Trung Quốc đã phát triển nhanh quá mức bình thường trong nhiều năm. Nước này đã bùng nổ nhờ hoạt động đầu tư kể từ khi Đặng Tiểu Bình chấp nhận thị trường tự do vào cuối thập kỷ 70.

“Dĩ nhiên, các quốc gia đã tăng trưởng nhanh chóng trong quá khứ nhưng tốc độ tăng trưởng như vậy thường suy yếu qua thời gian; khoảng thời gian 30 năm là quá dài”, ông David Beim, cựu giám đốc ngân hàng đầu tư và hiện là giáo sư của Đại học Kinh doanh Columbia nhận định.

Trong một nghiên cứu mới mang tên “Tương lai tăng trưởng kinh tế Trung Quốc”, ông Beim cho rằng, tốc độ tăng trưởng cao của Trung Quốc không thể tiếp tục. Ông cho biết Nhật Bản cũng từng đạt được mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn từ giữa thập kỷ 1950 đến giữa thập kỷ 1970, sau đó suy yếu dần và duy trì trong phạm vi từ 5-7% vào giữa  thập kỷ 1980. Đà tăng trưởng này tuy mạnh nhưng không ngoạn mục. Hàn Quốc cũng đã trải qua một quá trình tương tự.

Tuy nhiên, tăng trưởng của Nhật Bản là nhờ việc cho vay quá mức của các ngân hàng, dẫn đến bong bóng bất động sản và chứng khoán vào cuối thập kỷ 1980, khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản gần chạm mức 40.000 điểm. Trong tuần này, tức 20 năm sau, chỉ số này được giao dịch dưới mức 10.000 điểm.

Trung Quốc cũng đang cho vay quá mức để duy trì động cơ tăng trưởng cho nền kinh tế của mình.

Cả hai chuyên gia Beim và Pettis đều đồng ý rằng, tăng trưởng kinh tế khổng lồ của Trung Quốc là nhờ hoạt động đầu tư vốn như sân vận động Olympic khổng lồ, đường sắt cao tốc, đường cao tốc, sân bay, tàu điện ngầm siêu hiện đại và các tòa nhà trong suốt mà chúng ta thấy tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu trong năm ngoái.

Ông Pettis cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã làm sạch sổ sách kế toán của các ngân hàng trong nước vào đầu thập kỷ vừa qua, khiến hàng trăm tỷ USD nợ xấu “biến mất” một cách thần kỳ. Hiện tại, chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc đã giảm mạnh từ mức 46% trong năm 2000 xuống 36%.

Trong khi đó, với mức lạm phát gần 5% như hiện nay, Trung Quốc dễ bị tác động bởi đà tăng giá thực phẩm và năng lượng. Hơn nữa, tốc độ tăng lương ngày càng nhanh của Trung Quốc có thể làm giảm sức cạnh tranh của nước này so với một số quốc gia có chi phí lao động rẻ như Indonesia và Việt Nam.

Trong bối cảnh như trên cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng chậm, các chuyên gia không kỳ vọng nhiều vào thị trường chứng khoán Trung Quốc trong các năm tới. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn có cách để kiếm tiền dù nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

Chuyên gia Beim cho rằng, có nhiều khả năng thời vàng son tăng trưởng vũ bão của kinh tế Trung Quốc sắp kết thúc.
--------------------------------
Theo Marketwatch
Nguồn: VIT
 

Obama: Kinh tế Mỹ đang thể hiện sức mạnh thực sự

Hôm 1/04, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, nền kinh tế Mỹ đang cho thấy những dấu hiệu của một “sức mạnh thực sự” sau khi báo cáo về tỷ lệ thất nghiệp của nước này được công bố.

“Nền kinh tế của chúng tôi đang cho thấy dấu hiệu của một sức mạnh thực sự,” ông  Obama tuyên bố tại căn cứ vận chuyển bằng tàu UPS tại Maryland.

Số liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 1/04 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Ba của Mỹ đã giảm xuống 8,8%, mức thấp nhất trong vòng 2 năm. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm trong 4 tháng liên tiếp từ 9,8% trong tháng 11 năm ngoái.

“Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm 1 điểm phần trăm trong 4 tháng qua, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1984,” ông Obama cho biết.

Các nhà kinh tế kỳ vọng nền kinh tế Mỹ có thể tạo ra 2,5 triệu việc làm mới trong những tháng còn lại của năm nay.

Tổng số người Mỹ thất nghiệp đã giảm khoảng 200.000 người xuống còn 13,5 triệu trong tháng Ba. Con số này vẫn gấp đôi số lượng người không có việc làm trước khi bắt đầu cuộc suy thoái vào tháng 12/2007.

Tổng thống Obama cho biết, ngay cả khi ông đề cập tới các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu thì nền kinh tế Mỹ vẫn được ưu tiên hàng đầu.

Theo số liệu mới nhất của chính phủ Mỹ, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 3,1% trong quý 4/2010, cao hơn so với 2,6% trong quý 3/2010. Quý 4 là quý tăng trưởng nhất của kinh tế Mỹ trong năm 2010. Năm ngoái, kinh tế nước này tăng trưởng 2,9%, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2005.

Theo báo cáo của Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) hôm 1/04, lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã tăng liên tiếp trong 20 tháng.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế C. Fred Bergsten cho biết, ông khá lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ trong năm nay. Ông dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng với tốc độ gần 4% trong năm nay.
----------------------
Theo Xinhuanet