Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc sẽ mất ưu thế hàng giá rẻ?

Vùng duyên hải nam Trung Quốc, nhất là châu thổ đồng bằng sông Châu Giang (Quảng Đông), vốn mệnh danh là “công xưởng của thế giới”. Nhưng nay nơi ấy đang dần mất đi ưu thế này do khủng hoảng lao động và giá cả nguyên liệu thô đang tăng vọt.

Từ ngày 1-3, Công ty Fortunique Quảng Châu của ông Charles Hubbs sẽ thiếu khoảng 100 lao động dù ông đã đi khắp nơi để tuyển dụng trong ba tháng qua. Trước đó, công ty của ông thuê khoảng 500 lao động với mức lương 1.800-2.000 NDT (275-306 USD), cao hơn mức lương tối thiểu (hiện là 1.300 NDT).

Từ sau tháng 2-2011, hàng triệu lao động nhập cư đã không trở lại miền nam Trung Quốc để làm việc. Nhật báo Trung Quốc phân tích nguyên nhân dẫn đến làn sóng lao động rời thành phố về quê là do kinh tế tại chỗ của các tỉnh nghèo ở phía tây đã được tạo điều kiện để nhanh chóng tăng trưởng, và thu nhập của người lao động cũng tăng.

Cục Quản lý lao động nhập cư Trung Quốc ghi nhận từ đầu năm 2011 đến nay có 30-40% lao động nhập cư từ các tỉnh An Huy, Thiểm Tây, Sơn Đông, Sơn Tây... đã không trở lại làm việc ở khu vực châu thổ sông Châu Giang dẫn đến tình trạng lao động phổ thông bị khủng hoảng trầm trọng.

Ông Stanley Lau, phó chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Hong Kong, cho biết lượng lao động này đang ngày một giảm nhanh bất chấp chính quyền tỉnh Quảng Đông đã nâng mức lương tối thiểu lên 20% từ tháng 3-2011. Các biện pháp nhằm ngăn chặn dòng chảy lao động ra khỏi tỉnh xem ra đều thất bại. Phần lớn doanh nghiệp đã đồng ý tăng lương hơn 20% nhưng vẫn lâm vào cảnh đơn đặt hàng chất đống mà không có người làm, buộc họ phải tìm lao động ở ven đường hoặc phải dùng xe lưu động để tuyển công nhân sang cả các tỉnh lân cận nhằm đảm bảo sản xuất.

Chuyển nhà máy sang nước nghèo khác


Để đối phó với tình hình này, Công ty Fortunique Quảng Châu - như báo Đô Thị Phương Nam đưa tin - cho biết đến cuối năm 2011 họ sẽ chuyển 30-40% dây chuyền sản xuất sang các nước Đông Nam Á, có thể là Campuchia, Lào hoặc Myanmar. “Tôi không biết doanh nghiệp nào ở Trung Quốc có thể cầm cự nổi không khi cùng lúc giá nguyên liệu tăng cao lại thiếu hụt lao động và đồng nhân dân tệ đang được thắt chặt như hiện nay” - ông Hubbs than vãn.

Không chỉ riêng ông chủ nước ngoài này đang bị cuốn vào làn sóng “di chuyển” khỏi các vùng sản xuất duyên hải nam Trung Quốc sang các vùng nằm sâu trong đất liền hoặc chuyển hẳn ra nước ngoài. Andy Lin, giám đốc kinh doanh xuất khẩu một công ty may mặc cỡ nhỏ ở Quảng Châu, cũng cho biết chủ của cô đã mở một nhà máy khác ở tỉnh Giang Tây để ứng phó với tình trạng giá nguyên liệu vải đang tăng cao và khủng hoảng lao động ở miền nam. “Miền nam Trung Quốc vốn được mệnh danh là công xưởng giá rẻ của thế giới đang bước vào thời kỳ cáo chung” - Andy Lin nhận định.

Ngay cả các tập đoàn lớn cũng đang rục rịch lên kế hoạch di chuyển. Theo AP, Tập đoàn kỹ thuật Foxconn - nhà sản xuất điện tử lớn nhất thế giới, chuyên gia công linh kiện cho các hãng như Apple Inc., Sony Corp. và Hewlett-Packard Co. - đang có kế hoạch cắt dần 400.000 lao động ở Thâm Quyến và chuyển nhà máy sản xuất về các tỉnh nằm sâu trong lục địa.

“Có thể là một hoặc hai năm, chúng tôi sẽ chuyển hàng loạt dây chuyền sản xuất đến nơi khác” - David Hon, giám đốc Tập đoàn sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới Dahon, cho biết. Tập đoàn này, vốn trước đây đặt nhà máy sản xuất ở Quảng Đông, nay cũng đã lên kế hoạch di chuyển đến Thiên Tân hoặc một vùng thuộc mạn bắc của Trung Quốc để tiếp tục giữ ưu thế giá rẻ.

Mất dần ưu thế cạnh tranh

Ngân hàng đầu tư Crédit Suisse nhận định hiện trạng chuyển hướng của các doanh nghiệp ở miền nam là “một bước ngoặt lịch sử” đối với nền kinh tế Trung Quốc và có lẽ đối với thế giới vì vai trò của Trung Quốc trong việc kiềm chế lạm phát toàn cầu ở mức thấp bằng việc cung cấp nguồn hàng giá rẻ đang đi đến điểm kết thúc. “Có thể đến mười năm nữa Trung Quốc mới nhận ra sức cạnh tranh xuất khẩu của họ đang bị xói mòn, nhưng hiện tượng này giờ đã manh nha” - báo cáo của Crédit Suisse nhận định. Trong 3-5 năm tới, mức lương của khoảng 150 triệu lao động nhập cư Trung Quốc sẽ tăng 20-30%/năm, Crédit Suisse dự báo.

Việc miền nam Trung Quốc không còn là thiên đường hàng giá rẻ của thế giới sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến thị trường tiêu dùng toàn cầu. Giới bán lẻ ở Mỹ đã tăng giá các sản phẩm may mặc bình quân lên 10% do chi phí lao động ở Trung Quốc tăng cao trong thời gian gần đây.

Giới chuyên gia nhận định lợi thế truyền thống của Trung Quốc là lượng lao động phổ thông khổng lồ và rẻ đang dần cạn kiệt, một phần do hậu quả của hiện tượng dân số lão hóa đang diễn ra rất nhanh sau 40 năm áp dụng chính sách một con. Phần khác là do tăng trưởng kinh tế đang “tạo ra nhiều việc làm hơn tốc độ tăng trưởng dân số” - Stephen Green, chuyên gia kinh tế Tổ chức Standard Chartered, nhận định.

(Tuổi Trẻ)