Các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang khôi phục lại lò phản ứng hạt nhân. Các nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng đang nỗ lực thúc đẩy việc làm giàu uranium phục vụ phát triển hạt nhân.
Ảnh chụp từ vệ tinh cơ sở hạt nhân ở Yongbyon vào tháng 11-2010 (trái) và tháng 4-2012. |
Triều Tiên gần đây tuyên bố rằng “ngày ấy không còn xa” khi lò phản ứng nước nhẹ tại cơ sở hạt nhân Yongbyon được đưa vào hoạt động.
Các nhà phân tích tại Viện Mỹ-Hàn, Trường Nghiên cứu Tiến bộ Thế giới Johns Hopkins cho biết so sánh hình ảnh chụp từ vệ tinh hôm 12-4 với hình chụp hôm 24-12 ta sẽ thấy công việc tại một tòa nhà chứa lò phản ứng hạt nhân gần như đã hoàn thành.
Trong ảnh còn có thể thấy được cả cần cẩu, kho chứa thiết bị xây dựng. Đường ống làm mát cho hệ thống nạp và xả cũng đã được đặt vào đúng vị trí.
Bước tiếp theo của quá trình xây dựng là đưa vào một số thành phần khác như ống áp lực, lò sinh hơi nước và thiết bị điều áp. Việc này có thể phải mất 12 tháng nữa mới có thể hoàn thành.
Việc hoàn thành các khâu cuối cùng, bao gồm cả việc cài đặt thiết bị điện tử trong các phòng điều khiển phải mất đến vài năm. Tuy nhiên hành động này cho thấy Bình Nhưỡng không hề có dấu hiệu khuất phục trước sức ép của quốc tế về chương trình hạt nhân và tên lửa.
Ba tuần sau vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo bị thất bại, Bình Nhưỡng vẫn tuyên bố sẽ thúc đẩy các chương trình hạt nhân và không gian vì mục đích hòa bình.
Trong khi đó, năm quốc gia của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố lên án và bày tỏ “lo ngại sâu sắc” đối với các hành động gần đây của Triều Tiên.
Triều Tiên tuyên bố rằng chương trình làm giàu uranium được thiết kế để cung cấp nhiên liệu làm giàu thấp cho các lò phản ứng nước nhẹ mới, nhưng nó cũng có khả năng sản xuất uranium cấp độ vũ khí.
Bên cạnh vấn đề chính trị, các nhà phân tích còn lo ngại đến vấn đề an toàn hạt nhân. Ông Joe Wit thuộc viện nghiên cứu Mỹ-Hàn nói: “Liệu các lò phản ứng mới của Triều Tiên có được thiết kế hay vận hành theo đúng tiêu chuẩn an toàn được quốc tế công nhận hay không cũng là mối lo ngại lớn”.
(Theo Tiền phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com