Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vì sao Trung Quốc đưa “nhà máy nổi” ra biển Đông?

picture
Hải Nam Bảo Sa 001 là tàu chế biến thủy sản lớn nhất của Trung Quốc hiện nay và là một trong 4 tàu chế biến thủy sản lớn nhất trên thế giới - Ảnh: Chinanews.com

Trong lúc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông từ 16/5 đến 1/8, thì Trung Quốc lại đang triển khai một đội tàu chế biến hải sản di động được ví như một “nhà máy nổi” tới vùng biển này.

Theo tờ Văn Hối của Hồng Kông, giữ vị trí trung tâm của đội tàu này là tàu chế biến hải sản trọng tải 32.000 tấn mang tên Hải Nam Bảo Sa 001. Con tàu này đóng vai trò như một nhà máy chế biến thủy sản trên biển, với 600 công nhân làm việc thường xuyên.

Hải Nam Bảo Sa 001 là tàu chế biến thủy sản lớn nhất của Trung Quốc hiện nay và là một trong 4 tàu chế biến thủy sản lớn nhất trên thế giới. Trên tàu có 4 nhà máy chế biến, 14 dây chuyền sản xuất và 600 công nhân làm việc thường xuyên.

Cùng với Hải Nam Bảo Sa 001, “nhà máy nổi” trên biển Đông của Trung Quốc còn gồm một tàu chở dầu trọng tải 20.000 tấn, tàu vận chuyển trọng tải 10.000 tấn và 3 tàu từ 3.000 đến 5.000 tấn để tham gia hỗ trợ 300-500 tàu thuyền đánh cá.

Hiện nay, đội tàu đánh cá của Trung Quốc không thể ở lại lâu dài trên biển Đông do thiếu cơ sở chế biến. Các tàu bổ sung này sẽ cho phép các đội tàu cá ở lại trong khu vực đến 9 tháng. Công suất chế biến mỗi ngày của Hải Nam Bảo Sa 001 là 2.100 tấn.

Việc Trung Quốc đưa tổ hợp nhà máy chế biến thủy sản ra biển Đông diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Manila có căng thẳng về tranh chấp chủ quyền tại bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) kể từ đầu tháng 4 tới nay.

Hôm 13/5, Tân Hoa xã đưa tin Trung Quốc sắp áp lệnh cấm đánh cá ở biển Đông bắt đầu từ ngày 16/5 cho tới ngày 1/8, bao gồm cả khu vực bãi cạn Scarborough. Lệnh cấm này áp dụng với cả ngư dân Trung Quốc và ngư dân nước khác.

Theo Tân Hoa Xã, các nhà chức trách Trung Quốc sẽ tiến hành tịch thu tàu thuyền, số cá đánh bắt được của người vi phạm lệnh cấm này. Trường hợp ngư dân Trung Quốc vi phạm thì sẽ bị phạt tiền và rút giấy phép đánh cá.

Hôm 14/5, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Albert del Rosario đã tuyên bố một cách cứng rắn rằng, nước này sẽ không công nhận lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực biển Đông do chính quyền Trung Quốc đưa ra một ngày trước đó.

Ông Albert del Rosario cho biết, lệnh cấm trên của Trung Quốc là sự xâm phạm chủ quyền của Philippines. “Philippines không công nhận lệnh cấm đánh cá vì đó là sự xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines", ông Del Rosario nói.

Trước đó, nguồn tin từ TTXVN cho biết, vào ngày 17/1/2012, mạng Ngư nghiệp Trung Quốc đã đăng Thông báo số 01 ngày 12/1/2012 của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về thời gian mùa nghỉ đánh bắt cá năm 2012. Cụ thể, Trung Quốc thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực biển Đông năm 2012 từ 12 giờ ngày 16/5/2012 đến 12 giờ ngày 1/8/2012, phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam.

Đến ngày 20/1/2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị, khẳng định: "Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), làm cho tình hình biển Đông phức tạp thêm".

Dưới đây là một số hình ảnh về con tàu Hải Nam Bảo Sa 001:


Tàu Hải Nam Bảo Sa 001 có trọng tải 32.000 tấn.

Trên tàu có các trang bị y tế đầy đủ để có thể thực hiện được những chuyến đi biển dài ngày.

Các chuyên gia nước ngoài trên tàu Hải Nam Bảo Sa 001.

Công suất chế biến thủy sản của tàu này là 2.100 tấn mỗi ngày.


Tàu Hải Nam Bảo Sa 001 được ví như nhà máy chế biến thủy sản nổi trên biển.

(Theo Vneconomy)

  • Trung Quốc hết “đạn” để cứu tăng trưởng?
  • Vì sao quỹ đầu tư Trung Quốc dừng mua nợ châu Âu?
  • “Canh bạc” nhà ở thu nhập thấp của Trung Quốc
  • Xài đồ hiệu ở Triều Tiên
  • “Một người làm quan, cả họ được nhờ” trong gia tộc Bạc Hy Lai
  • “Canh bạc” nhà ở thu nhập thấp của Trung Quốc
  • Trung Quốc mua Iceland: Tham vọng "chiếm" Châu Âu
  • Con đường tơ lụa đang hồi sinh?