Khi người dân nước Mỹ đang lo lắng dõi theo những phiên đàm phán về nợ và thâm hụt ngân sách thì bên kia bán cầu, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cũng đứng ngồi không yên.
Chủ nợ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc, hiện nắm giữ khoảng 1.500 tỷ USD nợ Chính phủ nước này. Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Mỹ chi tiêu công hoang phí.
“Chúng tôi hy vọng Chính phủ Mỹ sẽ thi hành những chính sách và biện pháp có trách nhiệm để đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư”, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hong Lei phát biểu trong một cuộc họp báo cuối tuần trước.
Andy Rothman – chuyên gia phân tích của ngân hàng CLSA tại Thượng Hải – cho rằng ngay cả khi Trung Quốc không đánh tiếng bán ra một phần nợ của Mỹ, thì các nước khác cũng có thể bán những tài sản bằng USD của mình. Nhưng với Trung Quốc, đó là tự sát về mặt tài chính. Trên trường quốc tế, đây là mối quan hệ quá chặt chẽ đến nỗi khó mà bị phá vỡ.
Theo giới phân tích, Trung Quốc lâm vào tình cảnh như hiện nay là do đã đi thỏa mãn những lợi ích kinh tế bản thân. Để hỗ trợ nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới của mình, họ đã tập trung vào các chính sách khuyến khích tiết kiệm trong nước và ghìm giá đồng nội tệ. Kết quả là lượng thặng dư thương mại và tài khoản vãng lai khổng lồ. Nước này đã tích trữ hơn 3.000 tỷ USD trong dự trữ ngoại hối, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Bắc Kinh cố gắng đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng cách xây dựng một quỹ quốc gia để đầu tư vào một số ngoại tệ như của châu Âu và Nhật Bản. Chính phủ cũng hỗ trợ các doanh nghiệp nước này mở rộng ra nước ngoài, mua lại các mỏ khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng nền kinh tế đang trong cơn khát phát triển.
Tuy nhiên, Trung Quốc sở hữu quá nhiều ngoại tệ mà các thị trường trái phiếu khác không đáp ứng được. Do vậy, phần lớn trong số đó vẫn tiếp tục được dành cho thị trường trái phiếu của Mỹ.
“Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác là phải tiếp tục mua vào. Rốt cuộc, trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn là sản phẩm đầu tư linh hoạt và lớn nhất thế giới”, chuyên gia Zhang Ming tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định.
Chia sẻ quan điểm này, Eswar S.Prasad, cựu trưởng chi nhánh của IMF tại Trung Quốc, nói: “Thực sự họ không thể làm gì khác. Kể cả khi Trung Quốc có thấy Mỹ sắp rơi xuống vực thì cũng không còn nơi nào khác cho họ đổ tiền vào”.
Những năm gần đây, Bắc Kinh thường xuyên kêu ca về chính sách tiền tệ của Washington. Năm 2009, không lâu sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tỏ ý lo ngại về độ an toàn của lượng trái phiếu Mỹ khổng lồ nước này đang nắm giữ. Năm ngoái, các cố vấn chính sách của Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ làm giảm giá trị trái phiếu bằng cách in quá nhiều tiền với chính sách được gọi là “nới lỏng định định lượng” (QE).
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định sự mất cân bằng về mặt cấu trúc của cả hai bên trong quan hệ nợ nần có thể là thảm họa. Chẳng hạn, nhiều người nói rằng hai nước này đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bằng cách tạo ra lãi suất thấp giả tạo, đẩy giá nhà đất đến ngưỡng nguy hiểm.
Hiện tại, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang cố gắng thích nghi theo cách riêng của mình. Các nhà lập pháp Mỹ yêu cầu tiết kiệm hơn và giảm chi tiêu. Trái lại, giới chức Trung Quốc lại cam kết thúc đẩy chi tiêu và bớt tiết kiệm đi. Mỹ tập trung vào vực dậy nền kinh tế, còn Trung Quốc ra sức hạ nhiệt tăng trưởng.
Tuy vậy, trong hai năm qua, chưa nước nào đạt được tiến bộ đáng kể nhờ những chiến lược trên. Đôi bên Mỹ - Trung đều thấy các biện pháp này quá tốn kém và gây bất lợi cho những mục tiêu kinh tế ngắn hạn.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Trung Quốc có thể hạn chế sự phụ thuộc vào các tài sản bằng đồng USD thông qua việc để đồng nội tệ tăng giá nhanh hơn các loại tiền tệ khác. Điều đó giúp hàng hóa nhập khẩu bớt đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng trong nước. Nhưng nó cũng làm hàng Trung Quốc xuất khẩu đắt hơn đối với khách nước ngoài. Hậu quả là gây thiệt hại cho các nhà máy của nước này và dẫn đến cắt giảm nhân công trên diện rộng.
Trước những thực tế trên, nhiều người đặt vấn đề nếu Trung Quốc lo lắng về việc nắm giữ quá nhiều tài sản bằng đồng USD – vốn có thể mất giá khi mà giá trị đồng nhân dân tệ tăng lên, thì tại sao nước này không bán bớt đi hoặc chí ít là dừng việc mua thêm vào.
Các khảo sát gần đây của Chính phủ Mỹ cho thấy Trung Quốc đang bắt đầu thực hiện các biện pháp đó. Đầu năm nay, họ bắt đầu giảm mua nợ của Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo những số liệu này có thể không phản ánh lượng mua bán do các nước thứ ba thực hiện thay cho Trung Quốc. Ví dụ như một vụ mua lại trái phiếu của Mỹ tại London theo yêu cầu của Ngân hàng Trung Quốc đã không được Washington tính đến.
Nhiều nhà kinh tế tin rằng Trung Quốc có thể đã tiếp tục mua vào nợ của Mỹ. Bằng chứng là lượng thặng dư thương mại và tài khoản vãng lai của nước này gần như cho thấy họ đã tiếp tục tích trữ đồng USD.
(Vnexpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com