Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những điều đe dọa Trung Quốc: Tham nhũng và cải cách chính trị


Chỉ có ân xá toàn bộ mới có thể giúp cho Trung Quốc thoát khỏi cảnh ì trệ. Nếu không thì cải cách chính trị vốn được mong đợi từ lâu sẽ chẳng bao giờ diễn ra.


 
Xã hội Trung Quốc đang lâm vào tình trạng khó hiểu. Một mặt, cả chính quyền cũng như người dân đều không nhất trí được về định nghĩa cải cách chính trị. Các nhà lãnh đạo thì tô vẽ cho những quan điểm trái ngược nhau về cải cách chính trị, còn trong xã hội, người ủng hộ nhiều, người chống đối cũng không ít. Mặt khác, chưa từng có cuộc tranh luận nào đáng kể giữa các phái ủng hộ cũng như chống đối cải cách chính trị. Dường như không thể có đối thoại (những năm gần đây, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhiều lần kêu gọi cải cách). Cải cách chính trị vẫn chỉ là khái niệm trên giấy. Trong hoàn cảnh đó, thật khó để có ý kiến về vấn đề này.

 

c
Cựu Cục trưởng Cục quản lý dược thực phẩm Trung Quốc Trịnh Hiểu Du đã bị kết án tử hình vì tham nhũng
Tuy nhiên, điều đó không cản trở các bên cứ vô tư tranh luận những khía cạnh cụ thể có thể có của cải cách chính trị. Ai cũng tự cho mình quyền phát biểu về đề tài này với lý lẽ chủ yếu dựa vào mặt đạo đức. Người thì muốn mang lại cho cuộc cải cách này diện mạo khả dĩ nhất, nâng nó lên tầm đạo đức, kẻ lại muốn bôi xấu nó hết mức, như thể những người ủng hộ cải cách đang ngấm ngầm mưu mô thâm độc.

Thế nhưng những tranh luận đó lại hết sức xa rời hành động cụ thể. Dường như mục đích là để gieo giắc nghi ngờ về đạo đức của đối thủ, bên nào cũng muốn ngăn chặn cải cách và cản trở không cho phía bên kia làm cải cách. Những cuộc tranh luận thiếu thực chất này chỉ có tác dụng duy nhất là đẩy lùi thời hạn bắt đầu cải cách.

Nhìn từ góc độ thực tế, cải cách chính trị ở Trung Quốc hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, muốn cải cách thì những nhà cải cách cần biến lý tưởng và quan niệm của họ thành những yếu tố cụ thể. Ví dụ như việc công khai, minh bạch về tài sản.

Ở Trung Quốc, tham nhũng là hiện tượng có từ lâu trong hàng ngũ cán bộ đảng và lãnh đạo. Thậm chí nó còn có chiều hướng trầm trọng hơn, mặc dù đã từ nhiều năm nay, đảng và chính phủ tìm cách diệt trừ tham nhũng. Muốn làm được điều đó thì một việc rất cần thiết là phải buộc các lãnh đạo công bố tài sản. Tuy nhiên, giải pháp này nghe thì có vẻ đơn giản, lại là đề tài tranh luận từ những năm 1980. Dù các cơ quan cao cấp của đảng và chính phủ liên tiếp hứa hẹn và đòi hỏi minh bạch nhưng chẳng có gì diễn ra và cũng không có gì thay đổi.

Nguyên nhân quá hiển nhiên. Nếu như biện pháp này dường như đơn giản về mặt lý thuyết, trên thực tế nó lại không thể áp dụng. Cán bộ nhiều vô kể, tham nhũng thì đã diễn ra từ nhiều năm, đến nỗi có vẻ như việc minh bạch tài sản của cán bộ là điều không thể làm được. Đòi hỏi sự minh bạch về tài sản cũng có nghĩa là đẩy phần lớn cán bộ tới đường cùng. Hơn nữa, rất nhiều người trong số họ nghĩ rằng toàn đảng sẽ phải đối diện với khủng hoảng pháp chế nếu tài sản của các lãnh đạo được đưa ra ánh sáng.

Giải pháp hợp lý nhất là lờ đi những sự lầm lạc trong quá khứ. Coi như những hành động tham nhũng từng xảy ra là đã quá hạn phải chịu quy định hiện hành, chỉ đòi hỏi minh bạch bắt đầu từ khi quy định có hiệu lực, hoặc chỉ áp dụng với cán bộ mới được bổ nhiệm. Ngoài ra, tham nhũng cũng có thể áp dụng cho ngân sách chính phủ (việc này được đòi hỏi từ nhiều năm nay nhưng chưa từng được áp dụng).

Như vậy, Trung Quốc có thể gác lại quá khứ tham nhũng và hướng tới tương lai chính trực. Tuy nhiên, chẳng có nhà lãnh đạo chính trị nào dám đòi hỏi sự minh bạch đó. Bất cứ ai dám liều lĩnh đề cập tới đều ngay lập tức bị sức ép giáo lý của các phe phái bêu xấu và bóp nghẹt (người ta chắc chắn sẽ tìm ra cách để vô hiệu hóa quan điểm của người đó).

Vì thế nên bất cứ vị lãnh đạo nào biết suy xét đều tìm cách đặt ra những mục tiêu cải cách ngày càng tham vọng hơn, ngày càng đạo đức hơn, tuy không thể thực hiện được, nhưng không ai có thể chê trách về mặt đạo đức. Vì thế, tuy không hành động cụ thể nhưng ông ta lại bảo vệ được hình mẫu đạo đức của mình. Đây chính là điểm yếu. Thái độ này không những không cản trở được tham nhũng, mà còn khuyến khích tham nhũng. Quả vậy, những nhà lãnh đạo tham nhũng chẳng hề ngờ nghệch chút nào. Họ biết chắc là các lãnh đạo sẽ không ra tay hành động nên càng tham nhũng mạnh hơn. Đó là thực tế chính trường Trung Quốc hiện nay.

Một ví dụ khác là khuynh hướng trong nội bộ đảng tranh luận về việc thiết lập "dân chủ trong đảng" và việc củng cố dân chủ. Một số người tưởng rằng dân chủ là cần lôi kéo sự ủng hộ từ phía những người ngang hàng với mình (trong các cuộc bỏ phiếu nội bộ bầu cán bộ vào các chức vụ trọng trách). Điều đó khiến họ bị trừng trị, vì khái niệm "dân chủ trong Đảng" cấm làm những việc như vậy. 

Ngược lại, tham nhũng, sao chép và hối lộ chính là quy tắc thắng thế trong cạnh tranh trong đảng. Vì vậy nên chẳng ai dám đề nghị thiết lập cạnh tranh hợp pháp, dựa trên tranh luận và bỏ phiếu, vì sợ sẽ bị lên án là muốn áp dụng dân chủ theo kiểu phương Tây. Mà một khi đã nhuốm màu tư tưởng thì bất cứ sự cải cách nào nhằm định ra rõ ràng các qui tắc về cạnh tranh đều không thể thực hiện được. Vì vậy rất khó có thể định nghĩa rõ ràng khái niệm "dân chủ trong đảng" và càng khó hơn để hoàn thiện nó. Trong khi chờ đợi thì quy tắc thông dụng ngày càng bám rễ thâm căn cố đế.

Những ví dụ về các tiểu tiết đó nhiều vô kể. Và cải cách chính trị phải bắt đầu chính từ những tiểu tiết đó. 


Phương Hương Hoa (lược dịch từ Courrier International)// Theo VietNamNet