Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc - IMF: giận cá chém thớt

Vừa muốn tranh thủ IMF để nâng vị thế đồng tiền nội địa trong “rổ tiền tệ”, vừa thích tỏ ra là một “cổ đông” có trách nhiệm tại các định chế tài chính quốc tế giải quyết thiên hạ đại sự, nhưng vào phút chót, Bắc Kinh lại phớt lờ các cuộc họp của IMF&WB tại Nhật Bản. Tại sao Trung Quốc loạn đao pháp đến thế?

Ngày 11.10, tất cả các hàng thông tấn lớn trên thế giới, trong đó có cả Tân Hoa Xã đều loan tin: trong một động thái bất thường, trái với nghi thức ngoại giao, Trung Quốc không cử các giới chức chủ chốt tới tham dự các cuộc họp thường niên, mang tính toàn cầu của các bộ trưởng tài chính và các giới chức ngân hàng trung ương khắp thế giới. Biến cố mới nhất này liên quan đến các cuộc họp hàng năm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Tokyo từ 9 đến 14.10 cho thấy tranh chấp về chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã lây lan từ phạm vi chính trị sang lĩnh vực kinh tế-tài chính.

Nhật Bản lấy làm tiếc…

 

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc họp báo về hội nghị IMF&WB tại Nhật hôm 11.10 tại Diển đàn quốc tế Tokyo. Ảnh: IMF

Nhóm họp ở Tokyo là quyết định mang tính quốc tế do các nước trong hai Hội đồng Thống đốc của hai tổ chức này đưa ra. Nhưng cuộc họp khóa mùa thu diễn ra trên bối cảnh Tokyo và Bắc Kinh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” do tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là lý do khiến hai quan chức tài chính cấp cao nhất của Trung Quốc không đến dự khóa họp lần này.

Theo dự kiến, thống đốc Ngân hàng Trung Quốc Châu Tiểu Xuyên sẽ có bài diễn văn chính vào chủ nhật 14.10, ngày cuối của hội nghị IMF&WB. Nay điền vào đó, ông Châu cử cấp phó thay vị trí của mình. Bộ trưởng Tài chính Tạ Húc Nhân cũng được loan báo rút khỏi danh sách tham gia. Tân Hoa Xã khẳng định Trung Quốc cử phó thống đốc Ngân hàng Dịch Cương và thứ trưởng Tài chính Chu Quang Diệu cùng đồng trưởng đoàn. Trước đó, bốn ngân hàng quốc doanh hàng đầu của Trung Quốc cũng đã quyết định bỏ họp ở Tokyo vì lý do “quan hệ song phương Trung-Nhật hiện đang căng thẳng”.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo rằng Tokyo “thất vọng” trước quyết định của Bắc Kinh. Ông Fujimura nói: “Các cuộc họp ở Tokyo là rất quan trọng. Chúng tôi rất tiếc nếu các đại diện của chính quyền Trung Quốc không thể tham dự. Do tầm quan trọng trong bang giao kinh tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc, chúng tôi sẽ đứng từ quan điểm bao quát hơn và sẽ tiếp tục liên lạc với phía Trung Quốc”.Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cũng “lấy làm tiếc” về sự vắng mặt của hai quan chức cao cấp Trung Quốc và ông cho rằng, đấy không phải là một điều gì hay ho cho Bắc Kinh trong con mắt của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc tranh đua từ nhiều năm

Trung Quốc thực ra đã ngấm ngầm tranh đua với Nhật Bản từ lâu chứ không đợi đến kỳ họp hàng năm này, khi khủng hoảng Senkaku/Điếu Ngư bùng phát mới phơi bày ra mâu thuẫn. Từ nhiều thập niên trước đây, Nhật Bản vẫn là chủ đầu tư và chủ nợ lớn nhất và có ảnh hưởng nhất tại Đông Á cho tới khi xứ này lâm khủng hoảng từ năm 1990. Nhưng ảnh hưởng đó vẫn còn cho đến khi Trung Quốc xuất hiện như một thế lực mới tại châu Á, nhất là với 10 nước ASEAN qua hệ thống đối tác gọi là ASEAN+3 (APT) tức là cộng thêm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sau vụ khủng hoảng tài chính 2008-2009, châu Á bị ảnh hưởng và gặp rủi ro ách tắc tín dụng thì cả Bắc Kinh lẫn Tokyo đều muốn giành thế thượng phong khi thương thuyết về ngân khoản và cơ chế cứu trợ trong “Sáng kiến Chiang Mai”. Kết quả là hai bên “châm tiền” bằng nhau, đều góp 38,4 tỷ và cùng lập ra Trung tâm nghiên cứu kinh tế châu Á (AMRO), với tổng giám đốc luân phiên là người Hoa và người Nhật. Thật ra thì đấy cũng chỉ là màn trình diễn, vì ngân khoản dự phòng 120 tỷ USD là quá nhỏ. Mà có tăng gấp đôi như vừa quyết định vào tháng năm vừa qua, là 240 tỷ, thì cũng chưa đủ để ứng phó với rủi ro tài chính châu Á. Cơ chế hỗn hợp của APT với vai trò của Nhật Bản và Trung Quốc ở đằng sau vẫn cần tới sự phối hợp về chuyên môn của IMF.

Từ hơn mười năm nay, Trung Quốc đã cùng với Nga và một số quốc gia như Ấn Độ hay Brazil đòi đánh tụt dần vị trí của USD trong hệ thống tiền tệ của IMF. Yêu cầu này càng gia tăng sau vụ khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2007) khi Mỹ phải in bạc cấp cứu kinh tế và trở thành khách nợ số một của Trung Quốc. Bắc Kinh đã/đang vận động các nước công nhận Nhân dân tệ (đồng Nguyên) làm một ngoại tệ dự trữ. Nhưng vì đồng Nguyên chưa có quyền tự do giao hoán như bốn loại ngoại tệ kia, nên đề nghị này hiện chỉ nằm trên giấy. Bắc Kinh muốn được thế giới coi mình như một đại gia tài chính mà chưa thành công, vì vẫn duy trì chế độ kiểm soát hối đoái, tức là vẫn tác động vào giá cả của một đồng tiền.

Trung Quốc có khối dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, tương đương hơn 3.000 tỷ USD, so với khoảng 1.300 tỷ USD của Nhật là nước xếp hạng nhì. Trung Quốc cũng có hai tập đoàn quốc doanh có thể đầu tư vào các nước, khoảng 300 tỷ USD. Ngoài số này ra, Bắc Kinh còn có chính sách viện trợ nhằm tranh thủ quyền lợi kinh tế lẫn lập trường ngoại giao nào có lợi cho Bắc Kinh ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc trên thị trường tài chính quốc tế vẫn chưa đáng kể và không thế so sánh với Nhật Bản, chứ chưa nói gì đến Hoa Kỳ hay Âu Châu. Vì vậy, từ lâu Bắc Kinh đã nhắm vào đòn bẩy quan trọng khác là IMF để tác động vào tài chính thế giới. Về thực chất, IMF là một loại “ngân hàng cấp cứu” có chức năng ổn định tình hình ngoại hối toàn cầu qua viện trợ tài chính và kỹ thuật cho nước nào bị nguy cơ khủng hoảng. Trong cơ chế này, mỗi hội viên góp một phần vốn để từ đó có quyền trích xuất đặc biệt, hay còn gọi là “quyền rút vốn đặc biệt” (SDR), tương đương với quota/hạn ngạch của mình để sử dụng khi hữu sự.

Trách nhiệm nước lớn ở đâu?

Về số lượng, tỷ lệ góp vốn cao hay thấp nói lên ảnh hưởng lớn hay nhỏ của quốc gia hội viên. Hoa Kỳ hiện dẫn đầu với SDR tương đương khoảng 42 tỷ USD và là nước có quyền quyết định mạnh nhất, hơn 17%. Tiếp theo là Nhật Bản có gần 16 tỷ với sức nặng hơn 6%. Sau đó là Đức, Anh và Pháp rồi mới đến Trung Quốc, với phần đóng góp cỡ 9 tỷ và sức nặng trong các quyết định chỉ dưới 4%. Về chất lượng, quy định của định chế này là SDR chỉ có thể hoán chuyển qua bốn loại ngoại tệ là đồng USD, Euro, Yên Nhật và Bảng Anh. Trong hệ thống này, USD vẫn có ảnh hưởng nhất vì là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất.

Như vậy là Bắc Kinh vừa muốn giảm bớt ảnh hưởng của USD trong “rổ tiền tệ” của IMF, vừa muốn đồng Nguyên được công nhận là một ngoại tệ dự trữ. Cho dù Trung Quốc thừa biết rằng để tham gia “rổ tiền tệ” thì đồng Nguyên phải được thả nổi, điều mà trước mắt Bắc Kinh chưa sẵn sàng. “Rổ tiền tệ” còn được gọi là SDR, đặt dưới sự quản lý của IMF, hiện lên tới 310 tỷ USD. Trong “rổ tiền tệ” này, đồng USD chiếm 41,9%. Euro là 37,4% ; đồng Yên hơn 9% và bảng Anh gần 12%. Mặc dù có đóng góp, nhưng đồng Nguyên không được nằm trong số “rổ tiền tệ” của IMF.

Trong bối cảnh các luồng trao đổi tài chính trên thế giới ngày càng gia tăng, “rổ tiền” 310 tỷ USD chỉ tương đương chưa đầy 5% tổng dự trữ ngoại tệ trên thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc đang dư thừa ngoại tệ, kiểm soát hơn 3.000 tỷ USD dự trữ. Vào tháng 3.2011, tổng thống Pháp khi đó là ông Nicolas Sarkozy đang giữ chức chủ tịch luân phiên G20 đã đề nghị để đồng Nguyên tham gia vào “rổ tiền tệ” quốc tế với những mục đích cụ thể là để tăng khả năng can thiệp của IMF trong trường hợp một quốc gia thành viên cần ngoại hối và để giảm bớt trọng lượng của USD đối với IMF. Ngoài ra, Paris cũng muốn từng bước buộc Trung Quốc phải thả nổi đồng tiền, tăng giá đồng Nguyên.

Chính vì ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc trên các thị trường tài chính thế giới hãy còn chưa đáng kể mà Bắc Kinh xem IMF như một công cụ để tham gia nhiều hơn vào chính sách tài chính và tiền tệ toàn cầu. Trong bối cảnh ấy mà Trung Quốc lại để cho các ngân hàng lớn của mình tẩy chay cuộc họp thường niên của IMF&WB tại Tokyo! Bà Tổng giám đốc Christine Lagarde của IMF cảnh báo rằng vai trò của Trung Quốc và Nhật Bản quá quan trọng cho kinh tế toàn cầu nên hai nước không được để bị chi phối bởi tranh chấp song phương. Việc các ngân hàng Trung Quốc tẩy chay hội nghị chỉ là để phục vụ cho chủ trương của lãnh đạo Trung Quốc muốn “mơn trớn” tư tưởng sô vanh và chủ nghĩa bài ngoại quá khích để khỏa lấp những khó khăn về kinh tế-xã hội trong nước. Màn tháu cáy tuyên truyền này dễ gây ra trò “gậy ông đập lưng ông” lúc nào chẳng đoán trước được. Trong khi ấy, dư luận đều thấy Trung Quốc không phải là một quốc gia/đối tác biết điều và đáng tin cậy để cùng với các định chế quốc tế giải quyết các công việc của thế giới./.

Trần Hiếu Chân (Theo THX, WSJ và RFI)
Nguồn:
SGTT

  • Gangnam Style thổi bùng thương hiệu Hàn Quốc
  • Lào sắp gia nhập WTO
  • Vụ Bạc Hy Lai là “điển hình chống tham nhũng”
  • Trung Quốc vận binh pháp Tôn Tử, Nhật cơ cấu lại lực lượng
  • Hàng hiệu “gặp hạn” ở Trung Quốc
  • Trung Quốc: Thành phố công nghệ cao sắp phá sản
  • “Quý tử” nhà họ Bạc nói gì về người cha?
  • Nhật chuyển hướng đầu tư khỏi Trung Quốc