Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc: Kỷ nguyên đất hiếm giá rẻ đã kết thúc?

 Việc Trung Quốc, nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới hạn chế mở rộng quá mức các mỏ khai thác đất hiếm và ô nhiễm môi trường có thể là dấu hiệu của sự kết thúc các nguồn cung đất hiếm giá rẻ từ nước này.

Đất hiếm bao gồm 17 nguyên tố hiếm trong bảng tuần hoàn và là nguyên liệu quý được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm phức tạp như ti vi màn hình phẳng, pin ô tô, tua bin gió, tên lửa và các hợp kim hàng không vũ trụ.

Tuy nhiên, việc khai thác các nguyên tô này rất khó khăn, tốn kém và gây ô nhiễm cho môi trường.

Trung Quốc hiện cung cấp hơn 90% nhu cầu đất hiếm trên thế giới, mặc dù dự trữ đất hiếm của nước này chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng số dự trữ toàn cầu.

Trong những thập kỷ qua, giá xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc tương đối thấp do chưa tính các chi phí bảo vệ môi trường.

Cuối thập kỷ 1990, ngành công nghiệp đất hiếm bắt đầu cạnh tranh trên thị trường. Giá đất hiếm của nước này đã giảm hơn so với các nước khác. Hầu hết các nhà sản xuất bên ngoài Trung Quốc đã phải đóng cửa. Tuy nhiên, Trung Quốc ngay sau đó phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường và dự trữ đất hiếm giảm mạnh sau nhiều thập kỷ thăm dò.

Để bảo vệ các nguồn tài nguyên không tái tạo và kiểm soát ô nhiễm môi trường, chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp bao gồm cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm, xử lý nghiêm khắc việc khai thác mỏ bất hợp pháp và buôn lậu khoáng sản, ngừng cấp giấy phép khai thác và đưa ra các phương pháp sản xuất mới.

Từ cuối năm 2010, giá trung bình của 17 nguyên tố đất hiếm của Trung Quốc đã tăng gấp đôi. Các nhà phân tích cho rằng, các nhà đầu cơ đất hiếm đã đẩy giá vượt ra ngoài các nguyên tắc cung và cầu của thị trường.

Tuy nhiên, ông Xing Bin, Phó tổng giám đốc điều hành và giám đốc tài chính của Inner Mongolia Baotou Steel Rare Earth (Group) Hi-Tech Co., cho rằng, giá đất hiếm sẽ ổn định trở lại khi nhu cầu của nhà cung cấp và người tiêu dùng được cân bằng.

Theo các nhà phân tích, động thái tăng thuế tài nguyên đối với đất hiếm bắt đầu từ tháng Tư sẽ tiếp tục đẩy giá đất hiếm lên cao. Mức thuế dành cho đất hiếm nhẹ được thiết lập là 60NDT (khoảng 9,15USD)/tấn và 30NDT/tấn đối với đất hiếm trung bình và nặng. Trước đây, mức thuế cho đất hiếm được phân theo loại trung bình từ 0,5 đến 3NDT/tấn.

Ông Yang Wanxi, chuyên gia về đất hiếm tại Baotou Municipal Committee of Sciences cho biết, giá đất hiếm đã tăng mạnh theo cấp số nhân trong những tháng gần đây vì nhiều lý do, bên cạnh đó có việc tăng thuế tài nguyên mới của chính phủ Trung Quốc.

“Có thể nói, kỷ nguyên của các nguồn cung đất hiếm giá rẻ đã kết thúc,” ông Yang nói.

Theo ông Xing, thuế sẽ làm tăng chi phí cho các công ty đất hiếm và dẫn đến giá tăng khi đến tay người tiêu dùng.

Quyết định tăng thuế tài nguyên được công bố hồi tháng Một trước những nỗ lực của Trung Quốc trong việc hạn chế khai thác đất hiếm. Bên cạnh đó, nhà phân tích Yang Baofeng tại Orient Securities dự đoán, Trung Quốc sẽ sớm thi hành chính sách dự trữ quốc gia và điều đó sẽ đẩy giá đất hiếm tăng cao nữa.

Vào tháng Một, Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc (MLR) công bố thành lập 7 khu vực khai thác đất hiếm do nhà nước quản lý tại Ganzhou, thuộc tỉnh Jiangxi phía đông Trung Quốc.

MLR cho biết, Trung Quốc sẽ hạn chế sản lượng đất hiếm ở mức 93.800 tấn và sẽ không cấp giấy phép mới cho thăm dò và khai thác đất hiếm đến ngày 30/6/2012.

(Vitinfo)