Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hiệp định hạt nhân bí mật Mỹ-Nhật ra đời như thế nào?

Theo tiết lộ của giới truyền thông Nhật Bản, Ủy ban điều tra do  bộ Ngoại giao Nhật Bản thành lập vào tháng 9 vừa qua, đã phát hiện nhiều tài liệu liên quan đến thỏa thuận bí mật cho phép Mỹ vận chuyển vũ khí hạt nhân vào lãnh thổ Nhật. Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ công bố kết quả điều tra vào tháng 1-2010.

Vén bức màn bí mật

Báo Mainichi Shimbun chạy tựa là: “Một cựu Ngoại trưởng Nhật Bản thừa nhận Hiệp định hạt nhân bí mật”. Báo Yomiuri Shimbun cũng tiết lộ: “Chính phủ có nhiều khả năng thay đổi lập trường về Hiệp định hạt nhân bí mật”. Cả hai tờ báo này cho biết Ủy ban điều tra do Bộ Ngoại giao Nhật Bản thành lập vào tháng 9 vừa qua, đã phát hiện hàng ngàn tài liệu liên quan đến thỏa thuận bí mật giữa Mỹ và Nhật Bản.

Trong nhiều thập niên qua, các chính phủ theo phái bảo thủ tại Tokyo đã phủ nhận các tin đồn về một thỏa thuận bí mật cho phép Mỹ vận chuyển vũ khí nguyên tử vào Nhật Bản. Tuy nhiên, vào tháng trước, một số hồ sơ giải mật của Mỹ đã cho thấy nhiều viên chức Mỹ tin chắc rằng Washington và Tokyo đã thỏa thuận với nhau về việc này. Tại Tokyo, tân chính phủ của Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama đã muốn làm rõ thực hư, kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 9.

Tàu chiến Mỹ tập trận ngoài khơi Nhật Bản

Một cựu quan chức trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản giấu tên từng giữ nhiều vị trí trong bộ này từ những năm 1980 đến 1990 cho biết ông tình cờ đọc được một hiệp định như trên vào ngày 6-1-1960. Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada đứng đầu nhóm điều tra không cho biết chi tiết, chỉ nói rằng công việc điều tra đang ở giai đoạn cuối và vào tháng 1-2010 Nhật Bản sẽ công bố kết quả.

Cuộc điều tra đến nay đã tập hợp 3.200 tài liệu liên quan ở Nhật Bản và 3.700 tài liệu tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Washington. Báo chí Nhật Bản cho rằng nhiều khả năng có tổng cộng 4 hiệp ước hạt nhân chứ không phải 1. Một ủy ban gồm các chuyên gia độc lập sẽ được thiết lập để thẩm định các tài liệu trên. Phía Mỹ thì cho rằng các tài liệu mật này, trong đó có các biên bản ghi nhớ,  đang được họ giữ. 

Sở dĩ có cuộc điều tra này là do trong suốt gần 50 năm cầm quyền vừa qua, đảng Dân chủ Tự do luôn bác bỏ thông tin về một hiệp ước hạt nhân giữa đất nước Mặt Trời với Mỹ. Có ít nhất 4 cựu quan chức ngoại giao Nhật Bản gần đây đã tiết lộ về thỏa thuận bí mật về hạt nhân giữa Mỹ và Nhật Bản kéo dài nhiều thập niên qua nhưng trong số này chỉ có cựu Thứ trưởng Ngoại giao, Ryohei Murata (tại vị từ tháng 7-1987 đến tháng 8-1989) công khai lên tiếng trên báo chí Nhật Bản.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết họ chưa tìm thấy một biên bản nào về hiệp ước mà theo một cựu Ngoại trưởng là do Ngoại trưởng Aiichiro Fujiyama ký với Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Douglas MacArthur II (đại sứ Mỹ tại Nhật Bản từ năm 1957 tới 1961). Năm 1960 là năm hai nước Mỹ và Nhật Bản ký kết hiệp ước đồng minh.

Nhật Bản cho tới nay là nước duy nhất trên thế giới bị bom hạt nhân và theo chính sách của nước này, Nhật Bản không cho phép sản xuất, vận chuyển hay tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt này trên lãnh thổ Nhật Bản 1967. Nhật Bản cũng vận động nhiều nước trên thế giới ký kết vào Hiệp ước cấm sử dụng vũ khí hạt nhân. Một biên bản ghi nhớ từ năm 1960 tại Bộ Ngoại giao Mỹ mới được công bố gần đây ghi lời của Ngoại trưởng Mỹ Christian Herter lúc đó cho rằng Washington muốn tham khảo Nhật Bản về việc giới thiệu vũ khí hạt nhân cho Nhật Bản.

Cũng trong bản ghi nhớ này, Mỹ cho rằng quân đội Mỹ, đóng tại Nhật Bản từ sau Thế chiến thứ hai, có thể sử dụng lãnh thổ Nhật Bản trong trường hợp khẩn cấp nếu CHDCND Triều Tiên tấn công Nhật Bản. Ngoài ra, cũng theo một số tài liệu, Mỹ chỉ tham khảo với Nhật Bản trong trường hợp triển khai vũ khí hạt nhân tới lãnh thổ hay không phận của Nhật Bản, còn việc tàu chiến hay máy bay của Mỹ chở vũ khí hạt nhân ghé Nhật Bản thì khỏi phải tham khảo trước.

Năm 1991, Tổng thống Mỹ lúc đó là George Bush (Bush cha) công bố rằng tàu của Mỹ không còn chở các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật, một cách để phản bác lập luận cho rằng tàu Mỹ có thể chở vũ khí hạt nhân tới Nhật Bản. Theo các cựu quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản thời kỳ Thủ tướng Nobusuke Kishi (người ký kết Hiệp ước đồng minh mới giữa Mỹ và Nhật Bản năm 1960), chính Thủ tướng Kishi đã đồng ý với các thỏa thuận trên trước khi ký.  

Quan hệ đồng minh khó khăn

Theo báo New York Times, vào tháng 2-1960, sau khi Mỹ và Nhật Bản ký hiệp ước đồng minh mới, khi đưa ra Quốc hội Nhật Bản thảo luận đã gây ra một cuộc tranh cãi dữ dội. Hàng loạt các cuộc biểu tình bạo động bùng nổ khắp các thành phố Nhật Bản, ngay tại Hạ viện Nhật Bản cũng có ẩu đả khiến cảnh sát phải ập vào bắt các nghị sĩ đối lập.

Do tình hình căng thẳng, chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Mỹ lúc đó là Dwight Eisenhower đã bị hủy bỏ. Mặc dù vậy, cuối cùng, Quốc hội Nhật Bản vẫn thông qua hiệp ước này và cái giá là Thủ tướng Nhật Bản Nobusuke Kishi, kiến trúc sư chính của bản hiệp ước này, phải từ chức.

Phát biểu về vấn đề liệu có một thỏa thuận ngầm cho phép Mỹ chở vũ khí hạt nhân tới Nhật Bản hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho biết “đây là công việc nội bộ của Nhật Bản”. Ông cho rằng không nên để vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật và ảnh hưởng đến vai trò của Mỹ trong việc “loại trừ hạt nhân” ở châu Á-Thái Bình Dương cũng như đảm bảo an ninh khu vực này. Với vụ việc này, quan hệ đồng minh giữa Washington với Nhật Bản đang khó khăn sẽ càng thêm khó khăn. Đảng Dân chủ cầm quyền Nhật Bản đang có kế hoạch ngừng nhiệm vụ tiếp nhiên liệu tại Ấn Độ Dương phục vụ cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và đòi Mỹ đưa căn cứ không quân ra khỏi Okinawa. 

Với người dân Nhật Bản, quyết tâm làm sáng tỏ vụ việc nói trên cho thấy nền chính trị Nhật Bản đã đến hồi đổi mới. Người dân Nhật Bản thấy cần được biết sự thật về các quyết định liên quan trực tiếp đến vận mệnh của họ. Hơn thế nữa họ thấy cần khẳng định rằng Nhật Bản là nước yêu chuộng hòa bình, ghét chiến tranh vì hơn ai hết chính Nhật Bản cho tới nay là nơi duy nhất bị ném bom nguyên tử.

(Theo KHÁNH MINH // SGGP Online // Mainichi, Yomiuri Shimbun, AFP )

  • Trung Quốc “trình làng” tàu cao tốc nhanh nhất thế giới
  • Ấn Ðộ hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân
  • Philippines nỗ lực ổn định tình hình sau vụ thảm sát
  • Ấn Độ: Giá lương thực tăng kỷ lục trong vòng 10 năm qua
  • Các đập nước đe dọa vùng Mekong
  • Philippines báo động núi lửa Mayon phun trào
  • “Tăng nhiệt” tranh chấp thương mại Trung Quốc - EU
  • Lợi nhuận ngành công nghiệp Trung Quốc cao hơn trước khủng hoảng