Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc tăng cường sản xuất khí đốt trong nước

 Trung Quốc, nước có mức độ ô nhiễm lớn nhất thế giới, dự định bắt đầu khai thác khí đá phiến, nguyên liệu để sản xuất khí đốt, vào cuối năm 2015 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn nhiên liệu sạch.

Đây là tuyên bố của ông Che Changbo, phó giám đốc trung tâm chiến lược dầu khí thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc.

Theo đánh giá của ông Che, trữ lượng khí đá phiến của Trung Quốc hiện vào khoảng 26.000 tỷ m3. Việc khai thác nguồn tài nguyên này là cần thiết để giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường trong nước. Trung Quốc dự kiến tăng gấp 3 lần (tương đương 10%)  khối lượng khí đốt trong tiêu thụ năng lượng, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào than đá - nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường - vào năm 2020.

Ông Che cho biết, Trung Quốc đã khoan hơn 10 giếng khí đá phiến và ký thỏa thuận hợp tác với các công ty nước ngoài như công ty dầu khí đa quốc gia liên kết giữa Hà Lan và Anh Royal Dutch Shell và tập đoàn năng lượng Chevron của Mỹ để phát triển nguồn tài nguyên này.

Trong ba tháng qua, các công ty quốc doanh của Trung Quốc đã bỏ ra hơn 6 tỷ USD để mua các tài sản khí đá phiến tại Bắc Mỹ. Số tiền này gấp 6 lần so với năm 2010.

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), tập đoàn hóa dầu China Petrochemical và Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) hiện đang nắm giữ các dự án khí đá phiến hàng đầu của đất nước.
 
Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, Trung Quốc có số lượng mỏ khí đá phiến nhiều gấp 12 lần so với các loại khí thông thường.

Ông Che cho rằng, khi Trung Quốc bắt đầu khai thác khí đá phiến ở quy mô lớn, nguồn nguyên liệu này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng cho nước này.

Kế hoạch khai thác khí đá phiến có thể sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga. Nhà cung cấp khí đốt độc quyền của Nga theo kế hoạch sẽ bắt đầu cung cấp khí đốt cho Trung Quốc cũng vào năm 2015 và đang có kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt Altai dành cho việc vận chuyển này.

Mỹ cũng có ý định tăng cường khai thác nguồn tài nguyên này nhằm mục đích giảm thiểu nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài. Trữ lượng khí đá phiến được cho là có nhiều tại Ba Lan, Ukraine và các nước châu Âu khác, tuy nhiên, các khu vực này chưa tiến hành việc khai thác.

(Vitinfo)