Ngân hàng Công Thương Trung Quốc đứng thứ 6 trong top 10. |
Trong nhóm 10 ngân hàng lớn nhất thế giới theo xếp hạng của tạp chí The Banker, có tới 3 cái tên đến từ Trung Quốc, theo hãng tin Reuters. Đây là một tín hiệu mới khẳng định sự lớn mạnh chóng vánh của ngành tài chính tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong những năm gần đây.
Báo cáo 1.000 ngân hàng lớn nhất thế giới mà The Banker công bố ngày 29/6 cho biết, ngân hàng lớn nhất thế giới hiện là Bank of America (BofA) của Mỹ. Đây là năm thứ hai liên tiếp, BofA đạt danh hiệu này. Tiếp đó là JPMorgan của Mỹ, HSBC của Anh, và Citigroup của Mỹ.
The Banker sử dụng tiêu chí vốn cấp 1 để đánh giá khả năng của các ngân hàng trong việc cho vay trên quy mô lớn và chịu đựng các cú sốc.
Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) xếp thứ 6 trong danh sách năm nay, sau khi đứng ở vị trí thứ 7 của danh sách năm ngoái. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) nhảy vọt lên vị trí số 8 từ vị trí thứ 15, Bank of China lên vị trí thứ 9 từ vị trí thứ 14.
Ngoài top 10 còn có Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) nhảy lên vị trí thứ 14 từ vị trí thứ 28 năm ngoái.
Ấn tượng không kém, các nhà băng Trung Quốc còn dẫn đầu trên phương diện lợi nhuận. Mức lợi nhuận của ICBC đạt được năm ngoái là 32,5 tỷ USD, bỏ xa tất cả mọi ngân hàng khác trong xếp hạng. CCB về nhì, với lợi nhuận 26,4 tỷ USD, kế đó là JPMorgan với 24,9 tỷ USD.
Theo The Banker, lợi nhuận của ngành ngân hàng Trung Quốc đã tăng 95% trong 3 năm qua và hiện chiếm trên 1/5 tổng lợi nhuận của hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Ngoài Trung Quốc, các nền kinh tế mới nổi khác cũng đạt được nhiều tiến bộ trong bảng xếp hạng các ngân hàng của The Banker. Chẳng hạn, các ngân hàng của Brazil đạt tỷ suất lợi nhuận cao nhất trên vốn bình quân ở mức 32%, các ngân hàng Ấn Độ tăng gấp đôi lợi nhuận kể từ năm 2007 tới nay.
Năm 2010 là năm thứ hai liên tiếp các ngân hàng Ireland dẫn đầu thế giới về thua lỗ. Trong đó, ngân hàng Anglo Irish lỗ 23,5 tỷ USD, còn Allied Irish Banks lỗ 15,8 tỷ USD.
Tính đến cuối năm 2010, vốn cấp 1 của BofA là 164 tỷ USD, tăng so với năm 2009 và nhiều hơn 22 tỷ USD so với vốn cấp 1 của JPMorgan. Cách đây 41 năm, BofA cũng dẫn đầu xếp hạng 1.000 ngân hàng lớn nhất thế giới của The Banker. Tuy nhiên, khi đó, xếp hạng này dựa trên giá trị tài sản của các nhà băng, thay vì vốn như hiện nay.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com