Một lần nữa, ngày 25-12, Ấn Độ phải ban bố tình trạng "báo động đỏ" tại thủ đô Niu Đêli và nhiều thành phố lớn như Munbai, Chênnai, các trung tâm nghiên cứu nguyên tử Bhaba, cơ quan quốc phòng, sàn giao dịch chứng khoán Bombay… sau khi có nguồn tin 3 đến 5 phần tử khủng bố do Taliban huấn luyện đã đột nhập vào nước này chuẩn bị tiến hành các vụ tấn công.
![]() |
An ninh tại sân bay, cửa khẩu ở Ấn Độ được thắt chặt sau khi chính quyền nước này ban bố “báo động đỏ” |
An ninh đã được thắt chặt, các cơ sở hạt nhân tại nhiều nơi ở quốc gia Nam Á này được đặt trong tình trạng báo động cao. Thủ tướng Ấn Độ Manmôhan Xinh, ngay lập tức đã triệu tập cuộc họp an ninh khẩn cấp với sự tham gia của Bộ trưởng Nội vụ P.Chiđambaran, Bộ trưởng Tài chính P.Mukhơgi, Bộ trưởng Quốc phòng A.Antôni và nhiều quan chức cấp cao khác để xem xét tình hình và thảo luận biện pháp đối phó.
Rõ ràng, với Ấn Độ nguy cơ bị tấn công khủng bố là điều không thể xem nhẹ. Hơn nữa, quốc gia này vừa tổ chức lễ tưởng niệm một năm xảy ra sự kiện khủng bố Munbai khiến 174 người thiệt mạng (ngày 27-11-2008). "Khủng bố" và "tấn công khủng bố" đã là từ quá nhạy cảm đối với người Ấn Độ. Chỉ một thông tin nhỏ đưa đến đã khiến cả một guồng máy lớn ở nước này chạy hết công suất. Ngay sau khi có thông tin cảnh báo, Bộ Nội vụ Ấn Độ đã điều tra, xem xét kỹ càng và khẳng định nhóm đánh bom liều chết đã lên kế hoạch tấn công một cách tỷ mỉ. Cùng thời điểm, lực lượng an ninh Ấn Độ đã mở chiến dịch lớn với sự tham gia của 58.000 nhân viên an ninh, 17.000 lính biên phòng nhằm tấn công phiến quân Maoist, từng bị chính quyền Niu Đêli liệt vào nhóm khủng bố, ở các bang Maharáttra, Ôrítxa và Tây Bengan…
Nhìn rộng ra, theo các nhà quan sát, việc chính quyền của Thủ tướng M.Xinh phải đương đầu với nguy cơ tấn công khủng bố có quy mô không phải là không có cơ sở. Việc Mỹ sử dụng con bài viện trợ cả gói nhằm thúc ép Pakixtan hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố phần nào cũng tác động đến tình hình tại Ấn Độ. Chắc chắn, cũng giống như ở Ápganixtan, nếu "nơi cư ngụ" của các phần tử Hồi giáo cực đoan bị thu hẹp tại Pakixtan do các chiến dịch mạnh của chính quyền Ixlamabát, thì địa hình hiểm trở vùng biên giới hai nước sẽ được các phần tử cực đoan này tính tới. Hơn nữa, với thái độ kiềm chế của Niu Đêli, không phát động cuộc tấn công quân sự chống Pakixtan sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố tại Mumbai do lo ngại điều này sẽ làm cho chính quyền Ixlamabát mất ổn định hơn, nhưng đây lại là lý do khiến các tổ chức vũ trang Hồi giáo cực đoan tập trung sự chú ý tới Ấn Độ… Những thông tin đưa lại vừa qua cũng như vụ đánh bom, hồi cuối tháng 11-2009, làm 6 người thiệt mạng và 40 người bị thương ở bang Átxam, Đông bắc Ấn Độ đã là những thách thức hiện hữu đe dọa đến hòa bình ở khu vực Nam Á.
Rõ ràng, mặc cho nỗ lực của các quốc gia trong khu vực, tại Nam Á khủng bố và tấn công khủng bố đang diễn ra với chiều hướng đáng lo ngại, khu vực này vẫn liên tục xảy ra các vụ đánh bom liều chết khiến dư luận xem đây trở thành "hang ổ" của bọn khủng bố. Theo thống kê, tại Pakixtan, trong 1 năm (từ 2007-2008), số vụ tấn công do lực lượng Hồi giáo cực đoan thực hiện đã tăng lên gần 1.000 vụ với gần 2.300 người thiệt mạng. Tháng 10-2009 cũng là tháng bạo lực đẫm máu ở Pakixtan với hơn 200 người dân vô tội bị thiệt mạng. Còn tại Ápganixtan không gian yên bình đối với người dân vẫn chỉ là "giấc mơ", khi phiến quân Taliban duy trì đều đặn các vụ tấn công nhằm vào thủ đô Cabun, từ đánh bom liều chết, đến đặt bom, bắn rốckét…
Lệnh "báo động đỏ" vừa được chính quyền Niu Đêli ban bố là cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho đất nước. Tuy nhiên, để bài trừ triệt để vấn nạn khủng bố, nỗ lực của một quốc gia thôi chưa đủ, nó cần có một sự hợp lực mạnh mẽ hơn, chí ít là của tất cả các quốc gia trong khu vực. Có như thế, khi bước vào năm mới, Nam Á mới không vấp phải một nỗi lo canh cánh: Khủng bố.
(Theo Trung Hiếu/HNM)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com